Cẩn trọng nộp hồ sơ vào giờ chót

Khác với nhận định của các trường là việc nộp hồ sơ xét tuyển (HSXT) sẽ sôi động hơn nhưng thực tế càng về cuối số hồ sơ đăng ký càng giảm. Hiện các trường đang tập trung nhập liệu hồ sơ đăng ký gửi qua đường bưu điện, kết thúc nhận HSXT đợt đầu tiên năm 2016.

Nhiều ngành chưa lấp kín chỉ tiêu

Trái ngược với những ngày đầu, số thí sinh đến đăng ký trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ ngày áp chót xét tuyển đợt 1 khá thưa vắng. Trong khi các trường vẫn duy trì đội ngũ tình nguyện viên và giảng viên tận tình hướng dẫn, tư vấn thí sinh đến nộp hồ sơ tại trường. Trong hai ngày cuối cùng, bình quân mỗi ngày các trường nhận được khoảng 200 HSXT.

Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, thí sinh Nguyễn Thanh Hằng (quê Đồng Nai) lo lắng: “Em có định hướng vào ngành quản trị kinh doanh nhưng điểm thi lại thấp so với điểm chuẩn năm ngoái nên cứ chần chừ đến sát ngày nhận hồ sơ mới đem đi nộp”. Hằng cho biết điểm chuẩn ngành này năm ngoái của trường là 20,75. Trong khi điểm em hiện có là 20 nên băn khoăn không biết trường có hạ điểm chuẩn không. “Điểm của em rất khó để đưa ra quyết định, vì không vượt trội để vào trường tốp trên, còn vào trường tốp giữa thì sợ bị hụt chút ít so với điểm chuẩn ngành mình thích nên em mới chờ đến giờ chót” - Hằng nói.

Trước băn khoăn của thí sinh, PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết trường đã nhận hơn 11.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển rải đều ở nhiều ngành, trong đó có nhiều ngành cơ hội việc làm thuận lợi, thu hút nhiều thí sinh đăng ký. Ngược lại, một số ngành vẫn còn nhiều chỉ tiêu gồm: luật quốc tế, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, tài chính doanh nghiệp, khoa học môi trường, quản lý tài nguyên môi trường, công nghệ kỹ thuật máy tính, hệ thống thông tin... “Kết quả khảo sát cho thấy nhu cầu xã hội các ngành này khá cao, so với chỉ tiêu số hồ sơ nộp vào vẫn còn hạn chế, vì vậy thí sinh nên cân nhắc đăng ký vào các ngành này” - ông Minh lưu ý.

Thưa thớt thí sinh nộp hồ sơ trong hai ngày cuối cùng ở Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Ảnh: P.ĐIỀN

Điểm chuẩn không cách biệt so với 2015

PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), thông tin tính đến ngày cận cuối số hồ sơ nộp vào trường khá cao với hơn 4.000 so với chỉ tiêu tuyển sinh 1.600. Theo ông Dũng, do quy định của Bộ GD&ĐT nên trường không thể thông tin ngưỡng điểm nộp vào của thí sinh cao hay thấp. Tuy nhiên, căn cứ trên mặt bằng chung, dự kiến điểm chuẩn tất cả ngành của trường năm nay cao hơn 20. Trong khi đó, năm ngoái điểm chuẩn 21 ngành đào tạo của trường điểm ngành thấp nhất là 22, ngành cao nhất là 24,75.

TS Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, thông tin đến ngày 11-8, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã nhận hơn 6.000 hồ sơ so với chỉ tiêu 4.000. Nhìn chung mặt bằng điểm của thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường năm nay khá cao, phần lớn 22-24. Mức này tương đương điểm chuẩn của trường năm ngoái. Do vậy, những thí sinh vẫn còn chần chừ chưa nộp hồ sơ cần tham khảo điểm chuẩn năm ngoái mạnh dạn nộp vào các trường. TS Thông dự kiến điểm chuẩn một số ngành năm nay có thể giảm đến 1 điểm.

ThS Phạm Thái Sơn, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết điểm chuẩn năm nay của trường có thể giảm nhẹ. Những ngành ít hồ sơ, thí sinh có điểm 15-17 sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển. Còn những ngành như công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học... điểm chuẩn năm nay có thể ở mức 19-20. Tương tự, TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết điểm chuẩn năm nay tương đương năm 2015, một số ngành có thể dao động nhưng tăng giảm không đáng kể.

Vẫn lo thí sinh ảo

Chiều 11-8, PGS-TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết tính đến thời điểm hiện tại nhóm GX đã nhận khoảng 63.000-64.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Theo ông Tớp, việc thí sinh ảo chắc chắn sẽ xảy ra: “Con số ảo bao nhiêu chưa thể tính toán được nhưng hy vọng sẽ không lớn". Ông Tớp cũng thông tin thí sinh vẫn lựa chọn theo con đường nộp trực tiếp, có khoảng 70% (trong đó, 1/7 gửi theo đường bưu điện), còn lại là 30% hồ sơ đăng ký trực tuyến.

Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết trường đã nhận được 3.500 hồ sơ trực tiếp và qua đường bưu điện, chưa kể lượng thí sinh đăng ký trực tuyến, dự kiến nhà trường vẫn đảm bảo chỉ tiêu năm 2016. Nhưng theo ông Triệu, năm nay chắc chắn sẽ có một tỉ lệ thí sinh ảo. Chưa tính những thí sinh đăng ký nguyện vọng 2 ở các trường ngoài nhóm. Theo quy chế của Bộ GD&ĐT, năm nay thí sinh được nộp hồ sơ cùng lúc hai trường với bốn ngành nhưng chỉ được chọn một ngành, một trường để học. Nên một thí sinh có điểm cao khả năng đậu cùng lúc cả bốn ngành là rất lớn.

__________________________________

Theo các chuyên gia tuyển sinh, khác với năm trước, năm nay thí sinh đăng ký xét tuyển trong bối cảnh không biết tỉ lệ chọi, không biết thứ hạng, không biết độ chênh giữa những ngành học. Tới thời điểm này các trường mới chỉ thống kê lượng hồ sơ nộp qua bưu điện và trực tiếp tại trường chứ chưa cập nhật dữ liệu từ hệ thống của Bộ GD&ĐT. Chính vì vậy, các thí sinh chờ đợi đến giờ chót mới nộp hồ sơ cần lưu ý hiện tại vẫn chưa thể dự báo mức điểm chuẩn chính xác vào các trường ĐH năm 2016. Khi đồng bộ hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT (ngày 13 và 14-8) có thể điểm chuẩn của nhiều trường sẽ còn thay đổi, đặc biệt với những ngành “hot” thu hút số đông thí sinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm