Căng thẳng phòng thi đại học

Chưa kịp vui mừng vì được nhiều thí sinh “tín nhiệm”, Viện ĐH Mở Hà Nội phải đối mặt với nỗi lo phòng ốc. Ông Nguyễn Văn Vọng, phó phòng đào tạo của viện, cho biết ngoài những điểm thi “truyền thống”, đã thuê nhiều năm, các đơn vị trong trường phải chạy đôn đáo tìm kiếm thêm điểm thi mới. Đã thế, một số điểm thi thuê từ trước, ký hợp đồng rồi nay bên cho thuê lại định thay đổi, phá hợp đồng cho trường khác thuê với giá cao hơn. Trường bị đặt vào thế bí vì đã in hàng ngàn giấy báo thi gửi thí sinh nên phải vận dụng mọi biện pháp để giữ được điểm thi. “Cuối cùng phải nhờ sở, phòng GD-ĐT can thiệp mới tiếp tục thuê được”- ông Vọng than thở.

Xa 20km cũng phải chịu

Tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, ngay sau khi nắm được số lượng đăng ký dự thi (ĐKDT) kỷ lục, cán bộ tuyển sinh của trường “méo mặt” với việc tìm thuê địa điểm thi. Số lượng ĐKDT tăng gấp rưỡi so với năm trước đồng nghĩa với việc trường cần gấp rưỡi số phòng thi. Chỉ riêng khối A, trường cần thêm hơn 400 phòng thi, phải chạy đôn đáo tìm địa điểm thi. Nhưng những điểm gần, thuận tiện đều đã có “chủ”, thuê bổ sung chỉ có cách đi xa hơn. Ông Phạm Thành Công, cán bộ phòng đào tạo nhà trường, cho biết: “Năm nay điểm thi xa nhất của trường cách cơ sở chính hơn... 20km. Hà Nội mở rộng rồi, chứ như trước đây phải sang tỉnh khác thuê điểm thi”.

Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội (ĐH Quốc gia Hà Nội) là đơn vị có trách nhiệm tổ chức thi tuyển sinh cho toàn bộ khối A và B của ĐH Quốc gia Hà Nội. Cơ sở vật chất khá bề thề nhưng trường chỉ có được hai điểm thi trong khuôn viên, còn 18 điểm thi khác phải thuê bên ngoài. “Năm nay tình hình kẹt hơn, vào phút chót có hai trường phổ thông thông báo sẽ sửa chữa nên chúng tôi phải tìm thuê chỗ mới thay thế”- ông Đoàn Văn Vệ, phó phòng đào tạo nhà trường, cho hay. Với quy mô 400 phòng thi, trường vẫn phải chấp nhận có hai điểm thi đặt tại trường tiểu học.

Ở phía Nam, Trường ĐH Sài Gòn là một trong những trường có tỉ lệ hồ sơ ĐKDT tăng nhiều nhất. Năm 2008, trường chỉ có khoảng 17.000 thí sinh dự thi. Căn cứ con số này, trường yên tâm chuẩn bị sẵn mười địa điểm để tổ chức thi. Bất ngờ, số lượng hồ sơ ĐKDT năm nay tăng vọt gần 40.000. Chỉ trong đợt 1, số địa điểm thi trường cần lên đến 18 điểm. Ông Mỵ Giang Sơn, trưởng phòng đào tạo trường, cho biết phải chạy sang Q.8 để tìm thuê địa điểm mới. “Cũng may các cơ sở bên đó chưa có trường thuê nên không khó khăn lắm. May mắn hơn, cầu Nguyễn Văn Cừ vừa được thông xe, nếu không các điểm thi của trường rất xa nhau” - ông Sơn nói.

Thuê cả trường tiểu học

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng trong tình trạng tương tự khi lượng hồ sơ ĐKDT tăng gần gấp đôi. Toàn bộ địa điểm thi “ruột” của trường đều kín chỗ nên chạy bở hơi tai mới tìm thêm được những địa điểm thi mới trong phạm vi Q.Gò Vấp. Cuối cùng trường vẫn phải thuê một số cơ sở là trường tiểu học để tổ chức thi như: Trường tiểu học Minh Khai, Trường tiểu học An Hội, Trường tiểu học Phan Chu Trinh A, B...

Ông Nguyễn Anh Sơn, giám đốc trung tâm tuyển sinh của trường, giải thích: “Tất cả các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn đều đã được thuê hết trước đó. Nếu không thuê các trường tiểu học thì không thể đảm bảo đủ chỗ cho thí sinh. Trường cố gắng bố trí chỗ ngồi rộng rãi cho thí sinh dự thi.” “Tìm được trường tiểu học ở vị trí thuận tiện, cơ sở vật chất, bàn ghế đàng hoàng là tốt lắm rồi, vẫn còn phải cạnh tranh lắm mới thuê được” - một cán bộ tuyển sinh của Trường ĐH Ngoại thương chia sẻ.

Không chỉ khó tìm địa điểm vì thiếu chỗ, năm nay nhiều trường ĐH có nhu cầu thuê phòng thi lớn còn gặp khó khăn do tình trạng tăng giá, ép giá cho thuê. Trường THPT MK - ở địa điểm “đẹp” để làm điểm thi tại Hà Nội - tuyên bố: “Không ưu tiên “mối” ruột nào hết. Năm nay cứ trường ĐH nào đến trả giá cao thì cho thuê”. Những “bên B” kiểu như vậy đã góp thêm phần vào việc phá giá cho thuê phòng thi. Từ 160.000-170.000 đồng/phòng/đợt thi năm 2008, năm nay giá thuê nhảy vọt ở mức phổ biến 260.000-270.000 đồng/phòng. Thậm chí nhiều trường ĐH phải chấp nhận thuê với giá trên dưới 300.000 đồng/phòng.

Theo ông Phạm Thành Công, sở dĩ Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội phải tìm điểm thi xa “vì cũng một trường đi thuê, không thể thuê với nhiều mức giá khác nhau mà phải có mặt bằng chung. Chính vì vậy trường chúng tôi không đủ kinh phí để cạnh tranh thuê được địa điểm tốt, ở gần, thuận tiện cho thí sinh đi lại”.

Sàng lọc để giảm phòng thi

Không chỉ trông chờ phần kinh phí bù đắp, nhiều trường ĐH đã vận dụng nhiều biện pháp để giảm bớt khó khăn do kinh phí eo hẹp. Thiết thực, hiệu quả nhất phải kể đến biện pháp rà soát hồ sơ “ảo” của Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội. Bộ phận tuyển sinh của trường đã sàng lọc được hơn 1.000 bộ hồ sơ “ảo”. Đó là hồ sơ của cùng một thí sinh ĐKDT vào những ngành khác nhau cùng khối thi trong ĐH Quốc gia Hà Nội.

“Đối với tất cả trường hợp thí sinh nộp từ hai hồ sơ trở lên ở cùng một khối thi, chúng tôi chỉ xếp một số báo danh, chọn ngành nào dự thi trong số các hồ sơ đã nộp thì các em sẽ xác nhận vào hôm làm thủ tục dự thi. Làm như vậy không ảnh hưởng gì tới quyền lợi của các em, còn nhà trường giảm bớt được hơn 40 phòng thi cho những số báo danh “ảo”, tiết kiệm được khoản kinh phí đáng kể” - ông Đoàn Văn Vệ cho biết.

Theo T.HÀ - H.THUẬT ( TT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm