Cho nghỉ việc hàng loạt, ĐH Hùng Vương nói làm đúng quy trình

Sau khi Trường ĐH Hùng Vương ký quyết định chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với 79 cán bộ, giảng viên (CB-GV) và thông báo sẽ chấm dứt HĐLĐ với 26 CB-GV còn lại khiến những người này bức xúc.

Ngày 11-3, lãnh đạo trường này đã có phản hồi lại những thông tin dư luận quan tâm và khẳng định làm đúng quy trình, quy định pháp luật.

Trường đơn phương chấm dứt hợp đồng

Ông Mạch Trần Huy, Phó phòng Pháp chế Trường ĐH Hùng Vương, cho biết trước khi chấm dứt HĐLĐ, nhà trường đã trao đổi với CB-GV. Kết quả có 79 người đồng ý ký vào thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ. 26 người còn lại trong đó có một người cao tuổi, còn lại trong độ tuổi lao động chưa ký vào thỏa thuận. Theo đó, nhà trường vận dụng Luật Giáo dục ĐH và Bộ luật Lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ với 25 người là đúng quy trình, đúng pháp luật theo Điều 38 Bộ luật Lao động. Với lý do gặp bất khả kháng, do ngừng tuyển sinh trong bốn năm, không có nguồn thu.

Ông Huy khẳng định các phương án giải quyết của nhà trường làm đúng quy trình, tuy nhiên do các thầy cô đưa thông tin ra ngoài không chính xác khiến tình hình thêm rối ren.

Bà Tạ Thị Kiều An, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường ĐH Hùng Vương, bổ sung: “Trước khi thực hiện nhà trường đã “tâm tư” với các GV, nhân viên và cũng tính đến xây dựng phương án sử dụng lao động. Theo phương án sử dụng lao động thì có 50% nghỉ việc nên nhà trường đã “tâm tư” với từng người để thỏa thuận họ tự quyết định, theo đó có 80% ủng hộ.

Tuy nhiên, một trong số những người bị chấm dứt HĐLĐ là thành viên của ban giám hiệu cho rằng các quyết định trên là sai luật. Bởi nhiệm kỳ của HĐQT Trường ĐH Hùng Vương đã hết từ cuối tháng 6-2015 nên chức vụ chủ tịch HĐQT của ông Đặng Thành Tâm không còn hiệu lực và ông Tâm không có quyền ký quyết định.

Đại diện Trường ĐH Hùng Vương trần tình về những lùm xùm khi chấm dứt hợp đồng lao động với hàng loạt giảng viên. Ảnh: P.ĐIỀN

“Chuẩn bị 250 tỉ đồng để phục hồi”

Về hướng đi của trường thời gian tới, bà An chia sẻ: Nhà trường mong muốn Bộ GD&ĐT và UBND TP hướng dẫn, hỗ trợ để nhà trường tiến hành tổ chức đại hội đồng cổ đông đúng quy định pháp luật để xây dựng HĐQT mới. Từ HĐQT mới được công nhận đó mới bầu ra được hiệu trưởng mới được công nhận. Có như vậy nhà trường sẽ giải quyết được những vấn đề còn tồn tại không um sùm như bây giờ và không làm phiền các cấp quản lý, dư luận không lo lắng.

Theo bà An, hiện cổ đông đã chuẩn bị sẵn 250 tỉ đồng nhưng tình hình phức tạp, không có HĐQT mới để bầu ra hiệu trưởng đại diện pháp luật thì làm sao hoạt động được. Vì vậy, bắt buộc phải có HĐQT và hiệu trưởng được công nhận mới tiếp nhận nguồn tài chính để đầu tư đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất đủ tiêu chuẩn, lúc đó đủ điều kiện Bộ GD&ĐT cho tuyển sinh trở lại. Vì vậy nhà trường phải làm từng bước một.

Giảng viên sang công ty làm trợ lý?

Về 79 GV ký thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ sẽ được chuyển sang Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Trường ĐH Hùng Vương, bà An cho biết do trường muốn giữ lại đội ngũ GV nên chuyển họ sang đó để công ty này trả giùm lương để sau này được tuyển sinh trở lại. Tuy nhiên, đội ngũ này vẫn làm việc cho trường.

Trước đó, gặp gỡ PV, các GV họ cảm thấy bị xúc phạm nghiêm trọng, nhà trường không tôn trọng những người làm công tác sư phạm, nghiên cứu khi đưa ra quyết định chấm dứt HĐLĐ mà không có sự đối thoại, thỏa thuận thấu đáo với người lao động.

Cô T. cho hay đa số GV gắn bó ở trường người ít nhất là năm năm, người nhiều hơn 20 năm, đùng một cái ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT nhà trường, ký hàng loạt quyết định chấm dứt HĐLĐ. Trong khi những GV, nhân viên làm gắn bó lâu năm với trường đều có mong muốn trường tồn tại, tuyển sinh hoạt động trở lại để họ tiếp tục cống hiến, thay vì dở dang đi kiếm việc nơi khác.

Theo cô T., thay vì lãnh đạo nhà trường tập trung xây dựng phương án khắc phục các sai phạm để được tuyển sinh trở lại thì họ lại cho hàng loạt GV nghỉ việc. “Vậy họ có toan tính gì trong chuyện này, chúng tôi cần có lời giải thích rõ ràng. Đằng này phương án sử dụng lao động họ đưa ra chúng tôi là người liên quan trực tiếp nhưng không hề biết mình nằm trong diện nào” - cô T. cho biết.

Trường cũng thông báo với những trường hợp tự nguyện làm việc tiếp sẽ được chuyển sang Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Trường ĐH Hùng Vương, sau khi trường được tuyển sinh trở lại thì xem xét quay về trường công tác. Cô T. nghi ngại: “Công ty này không có chức năng giáo dục, vậy chuyển GV sang chúng tôi sẽ làm gì? Vì thực tế có ba GV đồng ý tự nguyện sang đều ghi chức danh trợ lý, không lẽ chúng tôi sang đó đều làm trợ lý?!”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Tấn Dũng, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết cơ quan thanh tra lao động đang theo dõi những lùm xùm khi Trường ĐH Hùng Vương ký quyết định chấm dứt HĐLĐ tập thể đối với GV của trường. Tuy nhiên, người lao động và nhà trường vẫn chưa có kiến nghị trực tiếp với cơ quan thanh tra lao động về tranh chấp. Theo đó, cơ quan thanh tra tiếp tục theo dõi để khi có kiến nghị sẽ có thông tin ban đầu, chủ động giải quyết. Theo ông Dũng, phải tiếp cận HĐLĐ mới có ý kiến đánh giá chính thức, vì cần xem HĐLĐ theo dạng gì, điều chỉnh theo luật nào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm