Cho SV vay tiền học: Coi chừng "dấu ấn bao cấp"

TS Nguyễn Quang A nêu đề xuất về hình thức cho sinh viên vay vốn học tập.

Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) - ngân hàng được giao thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho SV. Theo NHCSXH cần ngay thêm 500 tỷ đồng và hơn 4.000 tỷ đồng cho năm 2007-2008.

Ngay lập tức, ngân hàng này đã có văn bản gửi các bộ và cơ quan Chính phủ xin bổ sung chỉ tiêu kế hoạch tín dụng cho năm 2007 nhằm phục vụ cho vay SV.

Theo đó, ước tính số SV đậu ĐH năm nay thuộc diện khó khăn có nhu cầu vay vốn chiếm khoảng 20% tổng số SV. Tức khoảng 287 ngàn SV, mỗi SV vay 1,2 triệu/tháng và 10 tháng cho cả năm học thì con số là 3.444 tỷ đồng.

Ngân hàng này lo nhất là nguồn vốn, vì vốn vay theo chỉ tiêu đã cho vay hết và hiện tổng dư nợ khoảng 290 tỷ đồng. Con số 290 tỷ đồng dư nợ là quá nhỏ, ngay cả so với một ngân hàng thương mại cỡ vừa, chứ chưa nói đến toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại. Vốn cho HS, SV vay chắc chắn không thiếu, chỉ có vốn do ngân sách cấp cho NHCSXH để cho sinh viên vay là thiếu mà thôi.

Thực ra chủ trương đúng đắn về tín dụng sinh viên đã có từ khá lâu, nhưng việc thực hiện xem ra không mấy suôn sẻ. Sinh viên than phiền thủ tục rườm rà, ngân hàng kêu sinh viên ra trường không có ý thức trả nợ, tỷ lệ nợ quá hạn của việc cho học sinh - sinh viên vay rất cao lên đến 13%...

Không có đầy đủ số liệu để phân tích, nhưng có lẽ có cái gì đó chưa ổn ở cách tiếp cận, cách cho vay, cách thực hiện một chủ trương rất cần và rất đúng đắn.

Những điều có thể nhìn thấy ngay là các vấn đề sau. Cách làm vẫn là Nhà nước đứng ra (thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, hoặc một đơn vị khác sắp tới làm đề án cho thanh niên vay vốn học nghề), vì các đơn vị này chỉ làm theo chỉ thị, chỉ tiêu, và dấu ấn của cơ chế bao cấp, “xin-cho” còn quá nặng.

Lập quỹ bảo lãnh tín dụng SV

Tại sao các ngân hàng thương mại lại không vào cuộc? Vì họ không thấy những khuyến khích thỏa đáng. Phải tạo ra cho họ những khuyến khích như vậy. Đấy là việc Nhà nước nên làm chứ không phải Nhà nước đi trực tiếp cho vay như hiện nay hay ủy thác cho NHCSXH (hay bất cứ tổ chức nào khác).

Theo tôi, Nhà nước nên lập 1 quỹ để bảo lãnh tín dụng sinh viên và bù ưu đãi lãi suất. Bất cứ ngân hàng thương mại nào khi cho sinh viên vay (có thể lúc đầu chỉ cho các SV nghèo nhưng sau có thể mở rộng thêm) thì được quỹ này bảo lãnh và bù phần chênh lệch lãi suất thị trường và lãi suất ưu đãi (hiện lãi suất ưu đãi là 0,6%/tháng).

Với 2 khuyến khích cơ bản này (và những khuyến khích khác), các ngân hàng thương mại hoạt động vì lợi nhuận sẽ nhập cuộc, họ sẽ cạnh tranh nhau để phục vụ sinh viên. Giả sử lãi suất thị trường là 1% tháng, tổng dư nợ 4.000 tỷ thì phần bù lãi suất là 16 tỷ/tháng (192 tỷ/năm); lại giả sử phần rủi ro là 13% (cứ cho bằng mức nợ quá hạn hiện nay) mà Nhà nước bảo lãnh, thì mức chi này là 520 tỷ. Nói cách khác Nhà nước bỏ ra khoảng 700 tỷ đồng/năm thì có thể để cho cơ chế thị trường giải quyết dễ dàng vấn đề tín dụng sinh viên.

Khi có những khuyến khích đúng và các ngân hàng thương mại thực sự vào cuộc, thì với mạng lưới của họ, với kỹ năng quản lý của họ, mức độ rủi ro chắc sẽ thấp hơn và chi phí bảo lãnh của ngân sách sẽ ít hơn (có lẽ dưới 5% dư nợ). Nhà nước khỏi phải đứng ra làm, và dùng đòn bẩy tài chính (chỉ chi bù lãi suất và bảo lãnh) với một đồng của ngân sách bỏ ra có thể huy động dễ dàng và tăng dư nợ lên 5 đến 20 lần. Không những thế các ngân hàng thương mại còn có thể cung cấp cho học sinh sinh viên các dịch vụ tài chính và ngân hàng khác.

Nói cách khác, nếu ngân sách bỏ ra 1.500 tỷ đồng/năm (một con số quá khiêm tốn nếu so với các khoản lãng phí và thất thoát ngân sách, và chỉ bằng khoảng 1/3 mức mà NHCSXH yêu cầu ngân sách cấp cho họ dùng cho năm học 2007-2008) để bù ưu đãi lãi suất (720 tỷ) và bảo lãnh (750 tỷ nếu rủi ro tín dụng ở mức 5%) chúng ta có thể duy trì mức tín dụng cỡ 15.000 tỷ đồng, tức là gấp 50 lần dư nợ hiện tại, và có thể giải quyết vấn đề tín dụng sinh viên theo cơ chế thị trường một cách hiệu quả hơn cách làm hiện nay.

Nguyễn Quang A (Theo VietNamNet)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm