CNTT: Nghề nghiệp số 1 với người khuyết tật

Nhiều thanh niên khuyết tật có việc làm trong ngành CNTT

Ông Nghiêm Xuân Tuệ, Giám đốc văn phòng Ban Điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam (NCCD – thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết tại cuộc hội đàm “Việc làm về công nghệ thông tin cho người khuyết tật” do Trường Trung cấp Kỹ thuật tin học Hà Nội phối hợp và Tổ chức cứu trợ và phát triển Hoa Kỳ Kỳ tổ chức tại Hà Nội ngày 20/5.

Lý giải về điều nay, ông Tuệ cho rằng, đây là ngành nghề không cần đến sự đi lại nhiều cũng như sự vận động của cơ bắp. Điều này phù hợp với hoàn cảnh của người khuyết tật.

Ngoài ra, vì người khuyết tật không có nhiều cơ hội việc làm, nên khi có được việc làm, họ thường tập trung hết trí lực vào công việc. Với CNTT, họ có điều kiện học tập, nâng cao trình độ, tiếp cận thông tin trong nước và quốc tế. Từ đó, xóa bỏ dần khoảng cách giữa người không khuyết tật và người khuyết tật và cho ra đời nhiều sản phẩm thậm chí còn tốt hơn người không khuyết tật.

Ông Tuệ ví dụ về việc sử dụng 27 thanh niên khuyết tật làm về CNTT ở Chi cục Thuế quận 1 (thành phố Hồ Chí Minh). Họ đã rất cần cù làm việc và đạt hiệu quả cao, đã có 18 người vượt qua thi tuyển và thành công chức ngành thuế. Ngoài ra, trong những lần đi thăm các quốc gia tiên tiến trên thế giới, ông Tuệ cũng thấy người khuyết tật thường được bố trí làm việc ngành CNTT.

Rào cản còn nhiều

Theo ông Lê Văn Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo viên và Cán bộ quản lý dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề) nói rằng, việc thực hiện các chính sách đào tạo và dạy nghề cho người khuyết tật còn nhiều vướng mắc. Giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật vừa thiếu, vừa yếu. Ở nhiều nơi còn thiếu chương trình, giáo trình dạy nghề riêng…

Bên cạnh đó, do có đến gần 80% người khuyết tật sống ở khu vực nông thôn. Trong khi đó, ngành CNTT chủ yếu phát triển ở thành thị. Từ đó, cần đào tạo có chọn lọc, phù hợp với từng đối tượng ở địa phương chứ không phải thấy CNTT phù hợp thì đào tạo tràn lan.

Ngoài ra, ông Tuệ cũng cho biết, năm 2008, ở thành phố Hồ Chí Minh có tuyển lao động là người khuyết tật. Tuy nhiên, sau 7 tháng, số người đi làm ngày càng giảm, số còn lại bỏ việc vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có môi trường làm việc và ứng xử của đồng nghiệp.

Tại hội đàm, đa số các ý kiến đều cho rằng, công tác đào tạo, cần trang bị cho người khuyết tật những kỹ năng sống, giao tiếp và tìm kiếm ngành nghề phù hợp với dạng tật của mình (như người khuyết tật vận động thì chọn công nghệ thông tin, kế toán; khiếm thị thì chọn tư vấn bán hàng, tư vấn tâm lý…).

Các doanh nghiệp nên tận dụng những lợi thế của người khuyết tật làm việc trong lĩnh vực CNTT bởi ngoài việc tận tình trong công việc, không hay bỏ việc giữa giờ làm để ra ngoài thì sự đòi hỏi về vật chất của những nhân công này thường không cao…

Hiện đã có hơn 80 học viên là người khuyết tật đã hoàn thành khóa đào tạo lập trình viên theo tiêu chuẩn Quốc tế và có hơn 2/3 trong số đó có thu nhập ổn định. Khóa học do Trường Trung cấp kỹ thuật tin học Hà Nội đã phối hợp với Tổ chức cứu trợ và phát triển Hoa Kỳ thực hiện dự án “Đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật” với sự tài trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ. (Từ 12/2006 - 6/2010) với mục tiêu: Đào tạo hơn 100 lập trình viên tiêu chuẩn quốc tế; Đào tạo các khóa tin học cơ bản và nâng cao cho hơn 200 người khiếm thị và khiếm thính; Đào tạo hệ trung cấp và hòa nhập về công nghệ cho 35 người khuyết tật.

Theo T.Tuyền ( SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm