Con hư sớm

Ở các vùng quê, cuộc sống thường khó khăn, thiếu những tiện nghi như ở TP, điều kiện học tập của trẻ em cũng thiếu thốn, tuy nhiên các bậc cha mẹ khá yên tâm để trẻ tự xoay xở.

Cha la, mẹ cự

Sáng đầu tuần đến các cổng trường mẫu giáo trong TP, ta thường thấy cảnh mấy bà mẹ trẻ chở con tới trường rồi vội vã đi làm, có trẻ bám riết vào mẹ không chịu rời, cho đến khi cô giáo ra rước, mẹ mới quày quả chạy đi. Nhưng ánh mắt trông theo và những giọt nước mắt con còn bám theo nỗi lòng người mẹ. Đó chỉ là bước khởi đầu của những năm tháng dài đến mười mấy năm sau. Lo cho con cái học hành đến khôn lớn là cả một quá trình vất vả của các bậc cha mẹ. Khó khăn chồng chất với những gia đình nghèo, thu nhập thấp phải lo chạy ăn từng bữa. Nhưng thường những đứa trẻ con nhà nghèo đều biết thân biết phận, chăm chỉ học hành, có đứa học về còn giúp đỡ cha mẹ mưu sinh hay làm công việc nhà. Trong khi đó những gia đình khá giả hay trung lưu nhưng chỉ có một con, không ít trẻ hư do cha mẹ quá nuông chiều.

Cô em gái tôi chỉ có một thằng con trai nên bao nhiêu tình cảm, tiền bạc dồn hết cho con. Nhà tuy cũng thường thường bậc trung nhưng vợ chồng cũng ráng cho con học trường quốc tế. Tôi đã nhắc vợ chồng cô hãy liệu cơm gắp mắm nhưng họ không nghe. Tôi giật mình khi biết học phí mỗi tháng 6, 7 triệu đồng, bằng cả tháng lương của cô ấy. Người chồng nai lưng làm thêm giờ để tăng thu nhập. Lên cấp THCS, thằng bé chuyển trường mới tốt hơn, học phí tính bằng đôla, mỗi tháng 5, 6 trăm đô. Vợ chồng cô em tôi quyết định cho thuê căn hộ khang trang đang ở rộng cả gần trăm mét vuông giá 10 triệu đồng/tháng rồi đi thuê một căn chung cư 40 m2 trong khu tái định cư với giá 3 triệu đồng, dư dôi cũng khá để bù vào tiền học cho con. Nhưng từ khi chuyển cấp, chuyển trường và chuyển nhà, thằng bé trở nên lầm lì, cau có, khó bảo. Nó hỏi tại sao lại đưa cả nhà đến ở cái “ổ chuột” này. Mặc cho cha nó giải thích cả nhà hy sinh vì nó nhưng nó càng lúc càng khó dạy. Đi học về là nó ôm cái smartphone của mẹ nó, lên mạng coi phim hành động Mỹ. Tiếng Anh nó khá do học từ mẫu giáo.

Một Chủ nhật tôi đến thăm, mặc dù cha nhắc nhở, nó vẫn không thèm chào tôi. Cha nó giật cái điện thoại tính ném đi, mẹ nó nhào vào giật lại rồi bù lu bù loa: “Tại anh không cho tui sinh thêm, nó có anh có em chơi với nhau, giờ nó một mình buồn cho nó xem phim chứ”.

Tôi phải can ngăn và nhắc nhở cô em coi chừng chiều nó quá nó hư đó. Cô dạ dạ cho có. Mới đây thằng bé đi học về, mẹ đi vắng mang theo điện thoại. Nó ra công viên chơi rồi cướp giật điện thoại của một bà già đi tập thể dục. Mặc dù chưa cướp được nhưng cũng bị bắt lên công an phường. Cậu em rể tôi phải lên đồn làm giấy bảo lãnh con về, dọc đường ông bố nổi điên tát cho thằng con mấy tát. Cô vợ khi về biết chuyện đã làm rùm beng lên đòi ly dị, đưa con về ngoại ở. Tôi phải làm quan tòa phân xử mãi mới tạm yên. Hôm sau cô mua cho thằng bé chiếc smartphone mới toanh hết 6 triệu đồng. Cô nói: “Nếu không mua mai mốt lỡ nó làm càn nữa. Với lại cho nó mang đi học, có gì em gọi nó”. Tôi hết ý.

Xài điện thoại sớm, yêu sớm

Trường hợp con gái ông hàng xóm tôi “giống mà không giống” với thằng cháu tôi. Con gái rượu của ông mới 14 tuổi, học lớp 9 nhưng lớn phổng phao. Mẹ nó mua đủ thứ áo quần, giày dép kiểu các diễn viên Hàn Quốc. Nó mặc đi chơi ra đường không ai nghĩ là nó chỉ 14 tuổi. Nó đã có bạn trai. Đi học về là nó ôm cái smartphone chui vô phòng riêng đóng cửa lại nhắn tin, trò chuyện với bạn trai hay lên mạng chat chít đến khi mẹ dọn cơm sẵn, kêu nó ra ăn. Có khi đang ăn mà nghe điện thoại hay nhắn tin là nó mang cơm vào phòng vừa ăn vừa chat.

Chiều thứ Bảy tôi qua nhà rủ ông bạn đánh cờ tướng, thấy mặt mày cả hai vợ chồng giống như đưa đám. Bà vợ khóc kể: “Anh nghĩ coi, con nhỏ lớn rồi mà ổng cứ ngăn cấm nó không cho gọi điện thoại trò chuyện trao đổi bài vở với bạn nó. Nó bỏ nhà đi rồi. Gọi điện thoại nó không thèm trả lời…”.

Ông chồng nổi cáu. Thì ra con bé ăn cắp tiền cha đi Vũng Tàu chơi với bạn trai. Tôi an ủi vợ chồng ông: “Dù sao thì sự cũng đã lỡ rồi, anh chị phải bình tĩnh, gọi nó về rầy cháu mấy câu, rồi nhắc nhở bảo nó đi học lại kẻo lỡ dở cả đời”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm