'Đại học là môi trường tuyệt vời nhưng không phải thiên đường'

Thầy Nguyễn Văn Thọ cũng các em học sinh trong đội tuyển vật lý 

Trường THPT Bắc Yên Thành nằm ở vùng khó khăn của huyện Yên Thành. Tuy nhiên, tại Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 trường có thành tích “trội” nhất với năm thí sinh có điểm trên 27 điểm, như: Phan Ngọc Trọng (lớp 12A1) với thành tích 28.05 điểm, Trần Văn Nghi: 27,75; Trần Quốc Trường: 28, 20; Nguyễn Thanh Dũng: 27,25…

Sau lời chúc mừng ngắn gọn về “thành quả ngọt ngào”, là những trăn trở, day dứt của người thầy, người anh cho những cô cậu học trò nhỏ sắp bước vào giảng đường đại học. “Giờ này chắc các em đang lâng lâng trong chút men say chiến thắng, sống với những lời chúc tụng thậm chí có cả tung hô. Những điều thầy sẽ dặn có thể làm các em mất đi chút ít sự phấn khích, có người còn hơi cụt hứng nhưng thầy vẫn nói vì chắc sẽ không thừa” - thầy Thọ khuyên.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, thầy Thọ tâm sự: “Những người làm nghề giáo như tôi, học trò đậu cao không chỉ là niềm vinh dự của trò và gia đình trò mà còn là niềm tự hào của thầy cô. Nhưng điều tôi trăn trở là rất nhiều học trò giỏi, thậm chí có những em thủ khoa đầu vào,… nhưng sau đó bị đuổi học, dừng học rất đau lòng.

Không chỉ đọc trên báo mà ngay bản thân tôi cũng đã chứng kiến: Những người học trò từng là niềm tự hào của gia đình, thầy cô, bè bạn… vậy mà một ngày đột ngột trở về vì bị đuổi học, vì vỡ nợ lô đề,…

Cuộc sống nơi thành phố xa hoa, tấp nập có rất nhiều cám dỗ, học sinh từ những miền quê nghèo khó đi ra, nếu không đủ bản lĩnh, các em rất dễ sa ngã. Tôi chỉ mong những chia sẻ của mình có thể phần nào giúp đỡ các em định hướng ngay từ đầu”.

PLO đã xin phép thầy Nguyễn Văn Thọ trích đăng lời dặn dò tâm huyết của thầy.

Đậu đại học là một mốc quan trọng

Thầy Thọ cùng các em học sinh lớp 12 năm học 2015-2016

“Đậu đại học chỉ là bước khởi đầu cho một chặng đường còn gian nan hơn, vất vả hơn, cần sự nỗ lực khám phá và phát huy năng lực toàn diện hơn. Chặng đường sau khi đậu đại học tuy có nhiều cái mới mẽ, hứng thú nhưng đòi hỏi các em cần có nhiều kỹ năng sống hơn, tự lập hơn.

Cần xác định học đại học để kiếm nghề tạo hành trang vững chắc cho cuộc sống sau này. Hơn nữa đại học là môi trường để chúng ta nâng cao kỹ năng mềm cho bản thân như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hoạt động xã hội, kỹ năng ngoại giao thuyết phục đối phương… những thứ còn rất thiếu của chúng ta nhưng rất cần thiết khi vào cuộc sống.

Đại học không phải là một chuyến du lịch vui vẻ mà là một hành trình chinh phục đầy gian nan thử thách! Hãy nhớ điều này!”

Đại học không phải là thiên đường

Nhiều em đang hình dung đến một thiên đường trước mắt mình, các em sẽ thất vọng ngay thôi. Các em sẽ đối diện với rất nhiều thử thách, trước hết là nhớ nhà. Sau đó là đói!

Tiếp nữa là mệt mỏi do học khó và áp lực thi cữ. Rồi lo sợ thi lại và học lại. Nỗi lo học trọ, đi lại… và muôn vàn những điều mới mẻ khác mà trước đây các em chưa từng trải qua.

Xin hãy chuẩn bị một tâm thế là: Đại Học không phải là thiên đường!

Nên làm gì và tránh gì ở năm đầu đại học

Có lẽ các em cũng được phụ huynh nhắc nhiều nhưng thầy với kinh nghiệm quan sát sinh viên nhiều năm gần đây dặn các em mấy điều: 

Trước hết là những thứ nên tránh mà lính mới rất dễ mắc phải:

Thứ nhất, không nên tụ tập quá nhiều và lạm dụng bia rượu.

Thứ hai, không nên rủ nhau chơi game quá nhiều bỏ bê việc học.

Thứ ba, không nên chạy theo kiểu yêu phong trào cho bằng bạn bằng bè.

Thứ tư, không nên tiêu pha không kế hoạch dẫn đến nợ nần. Và không nên vội vàng làm thêm, vẫn phải coi việc học là việc chính.

Và những việc nên làm:

Thứ nhất, hãy chuẩn bị Anh văn cho môi trường học tập mới. Môi trường đại học rất cần tiếng Anh giao tiếp và ứng dụng.

Thứ hai, lập kế hoạch cho năm học, tài liệu, đăng ký môn học và kể cả kế hoạch chi tiêu.

Thứ ba, sống lành mạnh, tránh xa tệ nạn như bài bạc, lô đề.

Thứ tư, thời gian rảnh nên chơi thể thao, văn nghệ và hoạt động xã hội.

Cho những bạn không học đại học

Nếu em không học đại học ở năm nay, có thể em không thi hoặc chưa đậu, thầy muốn nói thêm với các em. Em xác định học nghề hoặc đi làm là quyết định sáng suốt. Nếu năng lực học tập của em không thích hợp để học đại học thì học nghề là con đường thích hợp cho các em.

Vấn đề của các em là chọn nghề cho phù hợp với bản thân và nhu cầu xã hội. Còn nếu em chưa đậu vào trường mà mình mong muốn thì hãy lập kế hoạch để ôn thi lại.

Đã có quá nhiều anh chị trường ta quyết tâm thi lại lần 2, thậm chí lần 3 và đạt kết quả mĩ mãn cho bản thân mình.

Thầy mong các em không quá buồn và bi quan. Hãy buồn một ít thôi, dành thời gian lập kế hoạch ôn thi ngay từ bây giờ. Thành công đến muộn hơn một chút không phải là thành công nhỏ hơn; Hạnh phúc đến sau một chút không hẳn là hạnh phúc kém viên mãn!

Chúc các em có những thành công thực sự trong tương lai!               

Thầy giáo Nguyễn Văn Thọ cùng các em trong đội tuyển Vật Lý.
Thầy giáo Nguyễn Văn Thọ cùng các em trong đội tuyển Vật Lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm