“Đại học như phở ngon thì người ta mới vào”

Phát biểu tại hội thảo “Đối thoại giáo dục Việt Nam: Cải cách giáo dục đại học (ĐH)” do Nhóm đối thoại giáo dục cùng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM tổ chức ngày 1-8, TS Đàm Quang Minh (Tổ chức Giáo dục Mỹ) cho rằng một lý do khiến các trường ngoài công lập kém hấp dẫn, đó là quan niệm trường tư thục là trường hạng hai.

TS Minh ví von: “Trường ĐH cũng như quán phở có ngon thì người ta mới vào. Gần đây dư luận cho rằng nếu chúng ta không có thay đổi gì về chính sách giáo dục tư thục thì từ năm 2015 đến 2020 sẽ có rất nhiều trường ĐH tư thục sụp đổ”.

Theo TS Minh, bản thân ông đã tiếp xúc rất nhiều nhà đầu tư giáo dục và nhận ra rằng không có đầu tư nào bất công như đầu tư trong giáo dục. Bởi nhà đầu tư trong các lĩnh vực ở Việt Nam chỉ cạnh tranh về vốn nhà nước, còn lại tương đối bình đẳng; còn cạnh tranh trong giáo dục giữa một trường ĐH tư thục với một trường công lập tại Việt Nam thì có nhiều sự khác biệt mà lợi thế luôn thuộc về trường công. Như về chi phí, trường công không phải chi phí về đất đai, cơ sở vật chất, chỉ trả chi phí thường xuyên và đào tạo. Các khoản chi phí này lại được ngân sách hỗ trợ rất nhiều. Ngược lại, các trường ngoài công lập thì phải trả toàn bộ các chi phí này và nguồn chủ yếu lấy từ học phí.

TS Đàm Quang Minh (bìa phải) trong hội thảo ngày 1-8. Ảnh: P.ĐIỀN

TS Minh băn khoăn khi có nhiều ý kiến từ xã hội cho rằng không nên tồn tại trường tư thục, thậm chí một số tỉnh không tuyển sinh viên tốt nghiệp trường ngoài công lập vào bộ máy hành chính. Ngay tại hội thảo này cũng có ý kiến cho rằng trường ngoài công lập đầu tư nặng vì tiền. Những cách nhìn như vậy đã gây rối ren và thật sự đã có xảy ra các tranh chấp giữa người vận hành trường và người chủ sở hữu trường. Nguyên nhân của thực trạng trên là do thiếu các quy định rõ ràng về chế độ sở hữu trong các trường ngoài công lập và không rõ ràng về giáo dục lợi nhuận và phi lợi nhuận. “Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nói Việt Nam chưa có trường ĐH phi lợi nhuận, tôi cho là chính xác. Tôi hy vọng thời gian tới ĐH Fulbright Việt Nam ra đời sẽ nhen nhóm mô hình ĐH phi lợi nhuận ở Việt Nam” - ông Minh nói.

TS Minh cho rằng để tránh sụp đổ của ĐH ngoài công lập cần phải có giải pháp từ hai phía - Nhà nước và nhà trường và có hệ thống pháp lý rõ ràng hơn về ĐH tư thục. Và nếu còn coi ĐH tư thục là ĐH hạng hai thì sự tồn tại của nó càng mong manh hơn. “Theo quan niệm của tôi, trường công lập, trường ngoài công lập đều là thành tố chung của giáo dục ĐH. Do đó, chúng ta đầu tư vào sinh viên, thay vì đầu tư vào nhà trường; đầu tư vào hiệu quả, chất lượng để phát triển. Còn Nhà nước hãy lo phần phát triển dài hạn” - TS Minh nói.

PHONG ĐIỀN

Tìm kiếm mô hình ĐH phi lợi nhuận

Nên xác định hoạt động của các trường ĐH ngoài công lập có phải vì lợi nhuận hay không. Bởi thực tế có vì lợi nhuận mới “đấu” nhau. Đây là điều rất đáng buồn cho giáo dục ĐH Việt Nam, hiện không có trường hoạt động phi lợi nhuận thực sự.

GS NGUYỄN MINH THUYẾT, nguyên Phó Chủ nhiệm
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm