Dạy học theo môn: Chuyện… ‘xưa rồi Diễm’

Phần Lan được nhìn nhận là một trong những nền giáo dục tốt nhất trên thế giới. Đất nước Bắc Âu thường xuyên có những điều chỉnh và cải cách để phù hợp với sự phát triển của kinh tế-xã hội.

Mới đây, nền giáo dục Phần Lan lại bắt đầu thử nghiệm thêm các bước cải cách mới cho hệ thống giáo dục quốc gia, chuyển đổi từ “dạy theo môn học” sang “dạy theo chủ đề”.

Học làm bồi bàn hoàn hảo

Tại một số trường THPT ở Helsinki, các tiết học chia theo từng môn học cụ thể đã bắt đầu được giảm số lượng và thay thế bởi các tiết học “dạy theo chủ đề” hay “học theo hiện tượng”, tờ The Independent cho biết. Chẳng hạn, một học sinh (HS) trung học tham gia một khóa học nghề sẽ được học một số tiết học với chủ đề “dịch vụ tại căn-tin”. Qua các tiết học này, HS sẽ được trang bị một số kiến thức về toán học, ngoại ngữ, kỹ năng viết và kỹ năng giao tiếp có liên quan đến những công việc cần làm tại một căn-tin ngoài đời thực. Còn nếu đi theo con đường học thuật và nghiên cứu, HS có thể được dạy các chủ đề mang tính liên ngành như “Liên minh châu Âu”, tìm hiểu và vận dụng kiến thức từ nhiều môn học như kinh tế học, lịch sử của các nước liên quan, ngoại ngữ, địa lý.

Ngoài ra, chương trình cải cách giáo dục tại Phần Lan cũng cố gắng thay đổi cách thức tương tác truyền thống trong lớp học, vốn quá quen thuộc với hình ảnh thầy đứng giảng, trò ngồi nghe. Thay vào đó, các trường học tại Phần Lan cố gắng xây dựng một cách tiếp cận mang tính hợp tác giữa thầy và trò hơn. HS sẽ được chia thành nhiều nhóm nhỏ để tự giao tiếp và tìm cách giải quyết các vấn đề được đặt ra. Theo tạp chí Education Week, HS phải tham gia vào việc lên kế hoạch cho các tiết học này và phải có quyền đánh giá những gì các em học được sau mỗi chủ đề.

Học sinh tiểu học tại Phần Lan thuyết trình bằng cách hát rap trong một tiết học. Ảnh: INDEPENDENT

Cách dạy mới đến nỗi… chưa biết gọi tên là gì

Bà Sanni Grahn-Laasonen, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phần Lan, cho rằng cách học này sẽ giúp HS có được cách nhìn nhận đa chiều hơn. Bên cạnh nền tảng kiến thức vững chắc, chương trình đào tạo mới của Phần Lan muốn HS học được nhiều kỹ năng hơn như tư duy phản biện, kỹ năng tự học, kỹ năng xã hội, kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông. “Chúng tôi gọi đây là cách học dựa trên hiện tượng nhưng đây là một cách diễn dịch chưa chính xác lắm” - bà Grahn-Laasonen cho biết. Cách thức này quá mới đến mức bà bộ trưởng phải thừa nhận: “Chúng tôi vẫn chưa tìm ra cách gọi nào khác hay hơn được”.

Mỗi trường tự xây dựng chương trình dạy

Chương trình cải cách giáo dục của Phần Lan chuyển từ “dạy theo môn học” sang “dạy theo chủ đề” không có nghĩa rằng các môn học sẽ bị xóa sổ khỏi chương trình đào tạo của nước này. Thay vào đó, từ tháng 8-2016, các trường học được yêu cầu tổ chức các khóa học tích hợp nhiều môn học. Mỗi trường sẽ được độc lập xây dựng chương trình cho riêng mình.

Trả lời tạp chí Education Week vào cuối tháng 9-2016, bà Grahn-Laasonen cho biết: “Chúng tôi muốn có sự hợp tác nhiều hơn giữa giáo viên (GV) những môn học khác nhau. Chúng tôi muốn tạo ra nhiều mô hình học đa ngành hơn. Các trường có thể chọn một chủ đề riêng, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và cho HS xem xét nó dưới nhiều góc nhìn, chẳng hạn như cách nhìn từ toán học”.

Giáo viên được tăng lương và góp ý cho cải cách

Những cải cách giáo dục đầy táo bạo này đã được chính thức đưa vào Chương trình đào tạo cốt lõi dành cho giáo dục căn bản Phần Lan, áp dụng từ tháng 8-2016. Thế nhưng để chuẩn bị cho cải cách này, các bước thử nghiệm đã được Phần Lan thực hiện từ gần ba năm qua, theo The Independent.

GV là đối tượng chịu tác động đầu tiên từ sự thay đổi cách tiếp cận “một môn học” sang “nhiều môn học”. Theo The Independent, để khuyến khích sự thay đổi, những GV nào tham gia thực hiện phương thức đào tạo mới sẽ được nhận một khoản tăng nhỏ trong số lương hằng tháng. Tính đến tháng 3-2015, khoảng 70% GV THPT tại Helsinki đã được đào tạo cho cách dạy mới. Không những thế, các lớp học theo mô hình mới cũng đã được thử nghiệm tại Helsinki vài năm trước khi được đưa vào chương trình đào tạo quốc gia. Các dữ liệu cho thấy sau hai năm thực hiện thí điểm, kết quả về kiến thức và kỹ năng HS có dấu hiệu được cải thiện.

Trả lời Education Week, bà Grahn-Laasonen chia sẻ: “Các GV tại Phần Lan có vai trò rất chủ động trong tiến trình xây dựng chương trình đào tạo suốt bốn năm qua. Chương trình này được viết bởi Ban Giáo dục quốc gia, một trung tâm của những chuyên gia về giáo dục, với sự góp ý của GV trên khắp Phần Lan”. Bà cũng cho biết Bộ Giáo dục Phần Lan cũng xây dựng mô hình “GV của GV” cho mỗi trường trên toàn quốc. Những người này sẽ giúp GV mỗi trường thực hiện chương trình đào tạo quốc gia dễ dàng hơn, sử dụng các phương pháp dạy học bằng công nghệ kỹ thuật số hiệu quả hơn.

Thế kỷ mới thì dạy học phải khác!

Bà Liisa Phohjolainen, chuyên trách về giáo dục thanh thiếu niên tại TP Helsinki, cho rằng: “Những cải cách này sẽ tạo ra thay đổi rất lớn đối với giáo dục tại Phần Lan. Chúng tôi chỉ đang ở những bước đi đầu tiên mà thôi”. Theo tờ The Independent, hiện nay thủ đô của Phần Lan đang là “tiền tuyến” của chương trình cải cách giáo dục lần này.

Bà Marjo Kyllonen, quản lý về giáo dục tại TP Helsinki, cho biết: “Không chỉ Helsinki, cả đất nước Phần Lan đều ủng hộ thay đổi. Chúng tôi phải suy nghĩ lại và thiết kế lại hệ thống giáo dục quốc gia, giúp các em được chuẩn bị các kỹ năng cần thiết cho tương lai. Có những ngôi trường vẫn còn dạy theo phương thức của thế kỷ 20. Nhu cầu đã thay đổi, chúng ta cần một hệ thống phù hợp với thế kỷ 21”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

(PLO)- Sáng 23-3, Ngày hội tuyển sinh do Hệ thống giáo dục Victoria School tổ chức đồng loạt tại Trường: Victoria Nam Sài Gòn, Trường Victoria Riverside và Trường Mầm non Victoria - SwanBay với chủ đề “Khám phá ngôi trường hạnh phúc tại Victoria 360 Showcase” đã thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh đến tham dự và trải nghiệm.