Đề thi ngữ văn gây tranh cãi?

Sau khi kết thúc môn thi ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2016, một người dùng Facebook đã đưa lên tài khoản cá nhân của mình về sai sót trong đề thi môn ngữ văn sáng nay. 

Theo đó, phần trích đoạn bài thơ Tiếng Việt của nhà thơ Lưu Quang Vũ có đoạn:

... Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói

Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ

Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ

Tuy nhiên, trong đề thi môn ngữ văn sáng 2-7 lại ra như sau:

... Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói

Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ

Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ.

Theo đề thi, đoạn trích này được lấy từ tập Thơ Việt Nam 1945 - 1985 do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1985, trang 218. 

Một facebooker cũng đưa ra nhận xét: "Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa/
Ống tre ngà và mềm mại như tơ" (thơ Lưu Quang Vũ). Như "lụa", như "ngà', như "tơ" thì đúng là mềm mại, sáng trong và đẹp, nhưng "như bùn" thì không mềm mại, sáng trong và đẹp được! Nếu Lưu Quang Vũ so sánh tiếng Việt "như bùn" thì chẳng người Việt Nam nào đồng tình!". 

Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, cô Nguyễn Thị Minh Ngọc, giáo viên dạy văn của Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý, TP.HCM, khẳng định: Đề thi không sai! 

Theo cô, bài thơ mà đề thi trích dẫn được dẫn nguồn rất rõ ràng, từ tập thơ Việt Nam 1945-1985 của NXB Giáo dục. Ngay từ nhỏ, cô đã từng chép tay bản gốc là từ "như bùn" chứ không phải "đất cày". "Từ bùn sẽ thể hiện sự mộc mạc và gần gũi. Kể cả đề có sử dụng hai từ này thì cũng không gây sai lệch ý nghĩa của từ ngữ, đều nói về vẻ đẹp của tiếng Việt. Còn một câu nữa mà có thể qua thời gian và tái bản đã được chỉnh sửa như câu cuối của bài thơ này. Trong bản gốc, câu cuối là "Tiếng Việt ơi, tiếng Việt xót xa tình" nhưng khi tái bản được sửa thành "Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình..."", cô Ngọc nói. 

Cô Ngọc cũng cho hay hai từ ngữ này không có gì sai cả, nhất là về ngữ nghĩa. Quan trọng là trong đề thi đã trích đúng nguồn. Đó cũng là câu từ quen thuộc với nhiều thế hệ học trò trước đây khi học về bài thơ này.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên môn văn, Trường THPT Chu Văn An, cũng cho biết hiện giờ đang có một số tranh cãi về văn bản bài thơ Tiếng Việt của nhà thơ Lưu Quang Vũ. Theo TS Tuyết thì bà Lưu Khánh Thơ, em gái của nhà thơ Lưu Quang Vũ (công tác tại tòa soạn Tạp chí Nghiên cứu Văn học của Viện Văn học), văn bản gốc của nhà thơ Lưu Quang Vũ in là “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”. Tuy nhiên, những văn bản sau này thì lại in thành “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”. Theo TS Tuyết, hiện giờ chưa thể khẳng định đó là sai sót trong đề thi, mà có thể Ban ra đề thi đã sử dụng một văn bản được in sau này. Còn về nguyên nhân vì sao lại có sự khác nhau giữa các văn bản thì cần thu thập các tài liệu và tìm hiểu thêm. Tuy nhiên, theo TS Tuyết, sử dụng "như đất cày, như lụa” sẽ hay hơn bởi gợi lên sự bình dị và mộc mạc của tiếng Việt, nhưng lại rất tinh tế.

Trong khi đó, ThS Nguyễn Đan Chi (ĐH Tây Đô) cũng nêu ý kiến: “Đề thi dẫn nguồn rất rõ ràng. Nếu đối chiếu với bản dẫn nguồn không sai thì đâu có vấn đề gì. Còn những bản khác có thay đổi cũng không nói được là sai. Đề thi chặt chẽ ở chỗ dẫn nguồn nên không có gì phải tranh cãi”.

Theo ThS, giảng viên chính Chim Văn Bé - Tổ trưởng Tổ Ngôn ngữ, Khoa KHXH&NV (ĐH Cần Thơ), muốn minh định chính xác thì cần xem lại bản gốc của Lưu Quang Vũ viết như thế nào thì mới khẳng định được. “Còn ở đây, theo quan điểm cá nhân tôi chỉ xét về mặt quan hệ ngữ nghĩa và ngữ âm. Về mặt nghĩa “đất cày với “lụa” thì tương xứng nhưng về kết cấu ngữ âm thì không đối xứng, mà “bùn” với “lụa” thì mới đối xứng và hợp lý hơn về ngữ âm” - ThS, giảng viên chính Chim Văn Bé nói.

------------------------------

Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ Bộ GD&ĐT, một lãnh đạo của Bộ GD&ĐT cho biết đã nắm thông tin về việc đề thi có những ý kiến trái chiều về việc trích dẫn văn bản. Bộ sẽ kiểm tra lại và thông tin tới báo chí cụ thể sau.

Ban ra đề sử dụng văn bản không chính xác ?

TS Phạm Hữu Cường, giảng viên khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng ban ra đề đã sử dụng một văn bản không được chính xác. Trong khi đó, ban phản biện cũng không phát hiện ra. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến dư luận. Theo TS Cường, từ “như đất cày” thể hiện sự màu mỡ, bình dị, mộc mạc còn từ “như bùn” là điều bình thường, thấp kém. Thêm nữa, nối giữa câu thơ trong đề thi là chữ “và” còn trong nguyên bản là dấu “phẩy”. Theo TS Cường, dấu “phẩy” giúp giọng thơ hay hơn. Chữ “và”  khiến câu thơ trở nên dòng thơ dài dòng, ít cảm xúc. Thầy Cường chia sẻ đề thi nói đến sự mượt mà của tiếng Việt mà có sai sót là điều đáng tiếc. Liên quan đến vấn đề trong câu 4 phần I viết từ “dông tố”, TS Cường cho rằng chính xác phải là “giông tố” chứ không phải “dông tố”.

Cô Nguyễn Liên Hoa, giáo viên dạy Văn Trường THCS Âu Cơ, TP Nha Trang cũng nêu ý kiến: "Từ bùn không thể thay thế từ đất cày. Bùn là thứ có nhiều tạp chất, dơ bẩn, hôi thối. Còn đất cày là đất được dùng để trồng trọt và có cả công sức cày bừa, ải đất của người nông dân. Nói tiếng Việt như đất cày mới lột tả được hết vẻ đẹp của tiếng Việt: chân chất, mộc mạc, thấm vẻ đẹp văn hóa của người Việt, những con người gắn liền với nền văn minh lúa nước, nền nông nghiệp truyền thống. Khi tôi dạy cho học sinh, tôi vẫn chú thích cho trích dẫn của mình là trích bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ. Chứ không ghi trích sách nào cả. Vì thơ thì phải chú thích trích những câu này trong bài nào, của ai". 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm