Đề thi sẽ không gây sốc cho thí sinh

Hôm nay (30-6), hơn 1 triệu thí sinh cả nước đến các điểm thi làm thủ tục, nghe phổ biến quy chế trước khi chính thức bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2015. PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), trao đổi với Pháp Luật TP.HCMvề những vấn đề thí sinh cần lưu ý.

Nội dung đề thi trong chương trình

. Phóng viên: Ông có thể “bật mí” đôi chút về đề thi năm nay?

Đề thi sẽ không gây sốc cho thí sinh ảnh 1
+ PGS-TS Mai Văn Trinh (ảnh): Đề thi THPT quốc gia tiếp tục ra theo định hướng đổi mới đánh giá năng lực của các em. Đề thi sẽ không yêu cầu các em ghi nhớ máy móc các sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Đề thi sẽ bao gồm 60% kiến thức cơ bản phù hợp với học sinh tốt nghiệp THPT và học sinh giáo dục thường xuyên, các em chỉ cần giải quyết phần này là đã đủ điều kiện xét tốt nghiệp. Và sẽ có 40% kiến thức khó dần lên để giúp phân hóa, tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ. Trong đề thi, các câu hỏi được sắp xếp theo trình tự độ khó tăng dần để hỗ trợ các em làm bài hiệu quả và thuận lợi hơn.

. Như ông chia sẻ thì đề thi sẽ có các câu hỏi đánh giá năng lực, vậy mức độ những câu hỏi này có tăng hơn so với năm trước?

+ Đề thi dù ra ở mức độ nào thì nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT và chủ yếu ở lớp 12. Mức độ của các câu hỏi vận dụng sẽ hợp lý, phù hợp với những gì các em được học ở trường THPT. Chúng tôi bảo đảm rằng đề thi chính thức ở kỳ thi này sẽ không gây sốc cho các em.

. Công tác thanh tra, kiểm tra trong kỳ thi này sẽ được thực hiện như thế nào?

+ Năm nay công tác thanh tra có những đổi mới theo hướng toàn diện hơn và nghiêm túc hơn. Cho đến giờ phút này, các đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT, các đoàn thanh tra của các địa phương đã được thành lập và bắt tay vào công việc. Chúng tôi sẽ tập trung vào một số khâu trọng tâm như thanh tra công tác coi thi, chấm thi và thanh tra công tác xét tuyển. Bộ bố trí các đoàn này đột xuất, không báo trước.

. Hiện dư luận vẫn băn khoăn về tính chặt chẽ ở cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì?

+ Việc tổ chức cụm thi do ĐH chủ trì và Sở GD&ĐT chủ trì là giống nhau, cùng một quy chế, cùng một quy trình kỹ thuật. Mỗi cụm thi đều có sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường ĐH và các trường THPT cả trong quá trình coi thi và chấm thi, do đó các thí sinh và phụ huynh hãy yên tâm.

Tại Bến xe Miền Đông, thí sinh Nguyễn Long Thành (quê Bà Rịa-Vũng Tàu) được tặng suất ăn sáng, sau đó được các sinh viên tình nguyện hướng dẫn đường đến điểm thi tại Trường THPT Ngô Gia Tự (quận 8). Ảnh: PHONG ĐIỀN

Tuyệt đối không mang vật dụng cấm vào phòng thi

. Gian lận thi cử, đặc biệt là thi kèm, thi hộ là vấn đề khá đau đầu của các năm trước. Liệu năm nay hiện tượng này sẽ chấm dứt?

+ Công nghệ quản lý kỳ thi THPT quốc gia năm nay, đặc biệt là quản lý cơ sở dữ liệu sẽ hoàn toàn khác những năm trước, trên một cơ sở dữ liệu dùng chung, cho nên dữ liệu mỗi thí sinh sẽ là duy nhất. Bất kỳ một thí sinh nào có sự thay đổi thì tất cả thay đổi đấy sẽ được phần mềm phát hiện ngay. Ví dụ một thí sinh nộp hai hồ sơ, có mặt ở hai điểm thi khác nhau lập tức phần mềm phát hiện ra ngay và trong thực tế chúng tôi đã phát hiện hiện tượng này và đang trong quá trình xử lý. Vì vậy chúng tôi khuyên những thí sinh có ý định thi hộ hãy bỏ ngay, nếu không các em sẽ vi phạm quy chế và ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của mình. Bộ GD&ĐT cũng kết hợp chặt với các địa phương, các cụm thi và đặc biệt với ngành công an để làm tốt việc này.

. Trước khi kỳ thi diễn ra, ông có lời khuyên gì đối với thí sinh?

+ Thứ nhất, các em phải giữ sức khỏe thật tốt, tinh thần thật thoải mái để bước vào kỳ thi. Thứ hai, các em tuyệt đối không mang những vật dụng bị cấm theo quy chế như tài liệu, điện thoại di động, máy tính không nằm trong quy định hoặc thiết bị thu phát thông tin vào phòng thi. Trong những năm vừa qua có nhiều trường hợp rất đáng tiếc khi thí sinh làm bài gần xong thì giám thị coi thi phát hiện có điện thoại hoặc chuông điện thoại reo lên. Như vậy là vi phạm quy chế và các em sẽ bị hủy bài thi...

. Xin cám ơn ông.

Cẩn thận, không chủ quan

Sáng 29-6, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6, báo cáo trước Thủ tướng về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2015, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết đến nay các công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất đúng như dự kiến. Đề thi và công tác in sao đề thi cũng đã làm xong, bảo đảm tính bí mật tuyệt đối, an toàn.

Theo ông Luận, để chuẩn bị cho kỳ thi, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để hỗ trợ ngành giáo dục triển khai kỳ thi đổi mới này. Hầu hết chủ tịch UBND tỉnh vào cuộc, thị sát để triển khai kỳ thi. Các tổ chức đoàn thể, hội nghề nghiệp, nhân dân đã tham gia với nhiều sáng kiến sáng tạo, cảm động như miễn phí đi lại, bữa ăn, chỗ ở... cho thí sinh. Nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, người dân đã trích ngân sách, quyên tiền để hỗ trợ cho thí sinh, nhất là thí sinh ở vùng dân tộc, khó khăn.

Theo ông Luận, do là lần đầu triển khai kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích nên ngành giáo dục hết sức cẩn thận, không chủ quan để bảo đảm không xảy ra sai sót nào.

1.004.484 đây là số thí sinh cả nước đăng ký dự kỳ thi THPT quốc gia 2015. Trong đó, số thí sinh đăng ký chỉ để xét tốt nghiệp là 279.001 em; số thí sinh vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào ĐH-CĐ là 592.934 em; số thí sinh tự do đăng ký để sử dụng kết quả xét tuyển vào ĐH là 132.552 em.

Cả nước có 99 cụm thi, bao gồm 38 cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì và 61 cụm thi do các Sở GD&ĐT chủ trì.

TP.HCM: Điều chỉnh sai sót cận giờ G. Sáng 29-6, nhiều thí sinh tự do đến văn phòng đại diện của Bộ GD&ĐT tại TP.HCM để điều chỉnh thông tin sai trên phiếu báo thi. Các thí sinh phản ánh các sai sót trên phiếu báo thi gồm sai về giới tính, họ tên, khu vực, môn thi. Cá biệt, có 12 thí sinh thi tại cụm do Trường ĐH Sài Gòn chủ trì cùng đến xin điều chỉnh sai sót liên quan đến môn thi. Để tháo gỡ kịp thời cho thí sinh, văn phòng đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM đã có đề nghị bằng văn bản đến Trường ĐH Sài Gòn điều chỉnh sai sót cho 12 thí sinh nói trên. Cũng theo ông Cường, văn phòng tiếp tục tiếp nhận điều chỉnh các sai sót trên phiếu báo thi đến chiều 30-6.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Thí sinh khó khăn được hỗ trợ toàn bộ chi phí đi thi. Sáng 29-6, 125 thí sinh ở Bà Rịa-Vũng Tàu có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên khá, giỏi được Tỉnh đoàn hỗ trợ xe đưa lên TP.HCM để chuẩn bị cho kỳ thi. Các thí sinh này đã được lực lượng sinh viên tình nguyện chở đến các chỗ trọ. Tỉnh đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu hỗ trợ toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở cho các thí sinh này suốt thời gian thi.

Hà Nội: Hàng ngàn sĩ tử vào Văn Miếu cầu may. Sáng 29-6, hàng ngàn sĩ tử đến từ Hà Nội và các tỉnh lân cận đã đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) cầu may trước kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Mặc dù thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng lượng người đổ về Văn Miếu mỗi lúc một đông. Ngoài đến cầu may, nhiều sĩ tử cũng đến Văn Miếu để xin chữ. Chữ được xin nhiều nhất là “đỗ đạt”.

Quảng Ngãi: Hàng ngàn thí sinh đổ về TP Quy Nhơn (Bình Định). Tỉnh đoàn, Hội Doanh nhân trẻ Quảng Ngãi đã huy động 40 xe đưa gần 1.100 thí sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn ở địa phương này vào Bình Định dự thi. Những thí sinh này cũng được Tỉnh đoàn Bình Định bố trí chỗ trọ miễn phí, giá rẻ.

l Khánh Hòa: Tất cả thí sinh đi xe buýt đều được miễn phí. Khi lên xe buýt, thí sinh chỉ cần xuất trình giấy báo thi hoặc thẻ vào phòng thi là được miễn trên tất cả các tuyến. Ông Nguyễn Văn Dần, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, cho biết chủ trương này của Sở được tất cả doanh nghiệp vận tải xe buýt trên địa bàn tỉnh ủng hộ nhằm tiếp sức các cho các thí sinh hai tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên.

P.ĐIỀN - H.HÀ - T.LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm