ĐHQG TP.HCM: Bao giờ sinh viên hết lo cướp giật, trộm cắp?

Hàng loạt vụ trộm cắp, cướp giật, thậm chí có cả nghi án hiếp dâm nữ sinh viên diễn ra lâu nay ở khu vực Đại học quốc gia TP.HCM (ĐHQG) đã trở thành mối lo chung của giảng viên, sinh viên. Trước những bức xúc trên, hôm qua (25-11), ĐHQG đã tổ chức hội nghị an ninh, trật tự an toàn xã hội cho sinh viên khu vực Thủ Đức - Dĩ An. Hàng loạt giải pháp được đưa ra nhằm lập lại an ninh khu vực này.

Cần thông tin và đường dây nóng

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG, cho biết ĐHQG rộng hơn 643 ha, lại nằm trong khu vực huyện Dĩ An (Bình Dương) và phường Linh Trung, quận Thủ Đức nên việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Những đối tượng tội phạm nguy hiển len lỏi trong nhà dân, trà trộn sống chung với sinh viên (ngoại trú), khi có cơ hội là ra tay trộm cắp, cướp giật. Ngoài ra, công tác quy hoạch còn chậm, người dân tái chiếm cũng như việc chưa giải phóng được các bãi container đã góp phần gây mất an ninh trật tự ở đây. “Cần có giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh cho sinh viên” - ông Nghĩa mở đầu hội nghị.

Anh Trần Nam, đại diện cho sinh viên Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, cho rằng phải có đường dây nóng cho sinh viên, khi cần có thể báo ngay công an. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống thông tin, trong đó khoa Báo chí-Truyền thông sẽ đảm nhận nhiệm vụ thu thập và phát tin, đặc biệt là thông tin cảnh báo an ninh trật tự trong khu vực. Ví dụ chỗ nào vừa xảy ra trộm, cướp, khu vực nào nguy hiểm cần tránh xa...

Đại diện sinh viên Đại học Khoa học tự nhiên cũng đồng ý với việc xây dựng đường dây nóng, hệ thống thông tin tuyên truyền. Ngoài ra, sinh viên còn đề nghị ĐHQG xây dựng bản đồ chung cho khu ĐHQG. Bản đồ đó sẽ đánh dấu những “điểm đen” khuyến cáo (thậm chí cấm) sinh viên không nên lui tới hoặc hạn chế đến.

Lập đội dân quân tự vệ

Ông Lê Hữu Phước, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, cho rằng cần phải có một lực lượng chuyên trách an ninh trật tự trên địa bàn này bởi hiện nay, lực lượng công an luôn quá tải nên việc đảm bảo an ninh cho khu vực khó đạt xuyên suốt. Để cho hoạt động của lực lượng này thường xuyên, các trường thành viên phải đóng góp quỹ để đảm bảo an ninh quốc phòng cho sinh viên.

Đồng tình với ý kiến trên, tuy nhiên ĐHQG cho rằng trước mắt cần phải có hai chốt dân quân, dân phòng trong khu vực vừa đảm bảo an ninh cho sinh viên, vừa là điểm khai báo tạm trú, tạm vắng. Cơ sở vật chất, kinh phí toàn bộ do ĐHQG lo.

Ban chỉ huy quân sự quận Thủ Đức tỏ ra khá bất ngờ (!!!) khi biết ĐHQG chưa có đơn vị tự vệ. Đơn vị cho biết sẽ cử cán bộ xuống khảo sát và tổ chức thành lập ngay Ban chỉ huy quân sự ĐHQG. Tùy vào tình hình sẽ thành lập các tiểu đoàn, trung đội hay đại đội.

“Cần phải thành lập một lực lượng tự vệ hay dân phòng. Giao cho ban công tác sinh viên, ban cán sự đoàn và ban giám đốc ký túc xá xây dựng lực lượng này hoạt động bền vững” - tiến sĩ Nghĩa kết luận.

Trộm cắp có cả sinh viên

ĐHQG hiện có 15 đơn vị thành viên với khoảng 19 ngàn sinh viên đến từ 63/64 tỉnh, thành học tập. Trong số đó có trên 8.500 sinh viên ở ký túc xá, hơn 2.500 sinh viên ngoại trú quanh khu vực.

Theo đại tá Phạm Văn Sum, Phó trưởng Công an quận Thủ Đức, vừa qua đã khám phá 12 vụ, trong đó có ba vụ cướp giật, gây rối trật tự, tụ tập đua xe... Một vụ sinh viên trộm cắp máy tính xách tay của bạn... Thủ đoạn là cướp tài sản các đôi nam nữ sinh viên nơi vắng vẻ. Trước đây giật đồng hồ, dây chuyền, bây giờ là giật điện thoại, túi xách.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm