BỘ TRƯỞNG BỘ GD&ĐT PHẠM VŨ LUẬN:

Đổi mới thi nhưng sẽ không tạo cú sốc lớn

Chiều 12-6, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, các đại biểu (ĐB) đã đưa ra những vấn đề nóng của ngành hiện nay như lo ngại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia khiến tỉ lệ đỗ thấp; chương trình sách giáo khoa mới biên soạn như thế nào, việc đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét khiến học sinh thụ động hơn…

Lo lắng… rớt thi tốt nghiệp nhiều

ĐB Trịnh Ngọc Thạch (TP Hà Nội) đặt vấn đề: “Nhân dân băn khoăn là trước đây thi tốt nghiệp THPT do các tỉnh tổ chức nên kết quả đạt cao đến 98%, bây giờ do các trường ĐH chủ trì làm nghiêm nên sợ kết quả thấp. Làm sao tránh sự thay đổi đột ngột này?”.

Giải thích về lo lắng của cử tri đối với kỳ thi THPT quốc gia, theo Bộ trưởng Luận việc coi thi, chấm thi đều phải theo quy chế. “Chấm thi thì có barem điểm đàng hoàng, coi thi phải nghiêm túc, tránh thi cử không trung thực phá hoại nhân cách các cháu” - Bộ trưởng Luận nhấn mạnh. Bộ trưởng Luận cho rằng đã gọi là thi tốt nghiệp THPT thì đa số phải đậu chứ không thể có biến động lớn được. “Các cháu cứ yên tâm cố gắng làm bài, các thầy các cô mong chờ và trân trọng nỗ lực của các cháu. Sẽ không để tạo ra cú sốc cho toàn xã hội. Bộ chỉ muốn tạo sự chuyển biến về chất lượng tốt hơn thôi” - Bộ trưởng Luận nhắn gửi.

Bộ trưởng Luận cũng cho rằng kỳ thi năm nay nhẹ nhàng hơn, thuận lợi hơn cho thí sinh. Trước đây thi ĐH phải “khăn đùm chăn gói” vào TP.HCM hoặc ra Hà Nội với một số điểm thi rất xa. Bây giờ khoảng cách gần hơn, năm nay bố trí tới 38 cụm thi. Trước đây phải thi nhiều lần (thi tốt nghiệp THPT xong lại đi thi ĐH, trượt ĐH lại đi thi CĐ) nhưng bây giờ chỉ đi thi một lần nên không khó khăn hơn. Từ đó Bộ trưởng Luận khẳng định cơ hội vào ĐH vẫn có cho các cháu không đi thi theo cụm. “Vì cho các trường ĐH được tự chủ, có trên 150 trường có phương án tự chủ để tuyển sinh riêng” - Bộ trưởng Luận nhấn mạnh.

Bộ trưởng Luận cũng cho rằng kỳ thi năm nay nhẹ nhàng hơn, thuận lợi hơn cho thí sinh. Ảnh: HTD

Đổi mới nhưng có kế thừa

Trong khi đó ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) bày tỏ lo lắng việc biên soạn chương trình sách giáo khoa mới chưa làm cử tri yên tâm về chất lượng. Giải thích về vấn đề này, Bộ trưởng Luận cho hay chương trình thì cả nước chỉ có một và do Bộ GD&ĐT chủ trì biên soạn. Còn sách giáo khoa thì có nhiều bộ khác nhau và khuyến khích các tổ chức tham gia biên soạn.

“Đây là tinh thần chỉ đạo của QH, là đổi mới nhưng phải kế thừa thành tựu, tinh hoa. Chương trình sẽ bổ sung, hoàn thiện những nội dung thiếu, chưa đáp ứng và loại bỏ những cái không cần thiết, không phù hợp. Do vậy nội dung cũ mà tốt thì vẫn giữ lại. Nội dung mới thì cần có quá trình thử nghiệm. Rồi sẽ có cơ chế, quy trình đánh giá khách quan về chương trình mới của các tổ chức uy tín” - Bộ trưởng Luận nói.

Cũng theo Bộ trưởng Luận, Bộ GD&ĐT đã huy động các nhà giáo, các nhà nghiên cứu khoa học giáo dục trong nước và quốc tế tham gia vào quá trình đóng góp ý tưởng, nội dung biên soạn chương trình, đồng thời có tham khảo các chương trình tiên tiến của các nước. Bộ trưởng Luận cũng cho biết sắp tới Bộ sẽ triển khai đồng loạt việc đào tạo lại giáo viên để đáp ứng những yêu cầu, quy chuẩn mới của chương trình.

“Trục trặc bước đầu do chưa quen thôi”

Trả lời chất vấn của các ĐB về vấn đề khen thưởng, đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét, Bộ trưởng Luận cho hay từ việc lấy kết quả điểm sang đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, kết hợp thi học kỳ cuối năm là phù hợp với thực tế các nước phát triển đang triển khai.

“Việc này nhằm hình thành kỹ năng, phẩm chất của con người. Chúng tôi đã nghiên cứu, tiếp thu từ các nước với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới. Ban đầu triển khai thí điểm hơn ba năm tại trên 1.000 trường, sau đó mới triển khai đồng loạt trong năm học vừa rồi. Cũng có trục trặc, trường thì khen tỏ ra khắt khe quá, trường thì rộng rãi quá. Đây là trục trặc bước đầu chưa quen thôi” - Bộ trưởng Luận cho biết.

Không nước nào gộp hai kỳ thi làm một như Việt Nam

Chiều 12-6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, PGS-TS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng câu trả lời của ông Luận về Thông tư 30 chưa phản ánh đúng thực tế. “Theo tôi được biết nhiều người phàn nàn, kêu ca về Thông tư 30 nhưng ông Luận lại cho rằng thông tư này đạt được sự đồng thuận của giáo viên và phụ huynh. Tôi cho rằng đây đánh giá phiến diện, chủ quan. Đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét là phương pháp tiên tiến nhưng Bộ GD&ĐT hoàn toàn không có chuẩn bị gì cho giáo viên, dẫn đến giáo viên không biết làm thế nào cho đúng, vì vậy dẫn đến mỗi nơi làm một kiểu”- ông Cương nhấn mạnh.

Đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Bộ GD&ĐT cho kỳ thi quốc gia sắp tới nhưng ông Cương lo ngại việc tổ chức kỳ thi này sẽ lộ ra nhiều bất cập. “Không nước nào gộp hai kỳ thi làm một như Việt Nam. Ở các nước chỉ thi tốt nghiệp THPT, còn tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ thì để các trường tự chủ, thậm chí cứ đánh trống ghi tên. Tôi đánh giá cao cách tổ chức thi của ĐH Quốc gia Hà Nội theo hình thức đánh giá năng lực. Tôi nghĩ Bộ GD&ĐT có thể cải tiến để áp dụng kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội để công nhận tốt nghiệp cho học sinh trong những năm tới” - ông Cương nói.

H.HÀ ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm