Có nên cho con du học bằng mọi giá?

Vừa qua, trên các diễn đàn mạng của giới sinh viên du học xôn xao về thông tin Nguyễn Mạnh Cường 19 tuổi, sinh viên đang theo học tại Trường ĐH Golden West Community, đã treo cổ tự tử chết tại nhà trọ trên đường Stoneridge, TP Westminster, Mỹ.

Theo cảnh sát, Cường ở với một người dì và đã tự tử bằng cách treo cổ. Cường dùng khăn lông quấn bên ngoài một sợi dây điện và tự treo cổ trong nhà xe. Cảnh sát tìm thấy trong người nạn nhân có một lá thư tuyệt mệnh và một vé lôtô. Nội dung lá thư cho biết Cường muốn để lại di sản cho mẹ. Cảnh sát cũng cho biết Cường có ít bạn, không thích giao du và không có dấu hiệu uống rượu hay dùng ma túy.

Nhận định nguyên nhân Cường tự tử, nickname onthi trên diễn đàn lamchame.com ghi: “Chắc do bị bố mẹ ép buộc đi du học mà bản thân lại không muốn, để bố mẹ vui nên đi du học. Qua bên đó do không thích ứng được với hoàn cảnh mới, không có bạn bè chia sẻ rồi rơi vào trạng thái trầm cảm, dần dần bệnh càng nặng thêm và cuối cùng là treo cổ”.

Ngoài ra, tình trạng ít giao tiếp, thiếu người chia sẻ cũng là một trong những nguyên nhân có thể đẩy những người trẻ tuổi đến suy nghĩ cùng quẫn. Phú Phạm, một sinh viên vừa tốt nghiệp Orange Coast College, chuẩn bị vào Cal State Fullerton, chia sẻ: “Những tác động về chuyện tình cảm đối với những người du học như tụi em là rất lớn”. Phú cho biết từ kinh nghiệm bản thân: “Khi tình yêu đổ vỡ, nếu ở Việt Nam, mình còn có chỗ nương tựa để tìm sự chia sẻ từ bạn bè, người thân, gia đình. Còn ở đây, mình chỉ có một mình. Cô đơn và lẻ loi khủng khiếp. Nỗi buồn vì vậy mà tăng lên gấp nhiều lần”. Chính từ như vậy, theo Phú: “Nếu không vững vàng, chuyện tìm đến cái chết cũng rất có thể xảy ra”.

Có nên cho con du học bằng mọi giá? ảnh 1

Hồ Nguyễn Anh Minh, sinh tháng 11-1990. Năm 2005 nhận học bổng trung học Mỹ. Tháng 9-2007 xuất bản cuốn sách với tựa đề: How to receive a scholarship in USA for international students?(Làm thế nào để nhận học bổng du học ở Mỹ?). Tốt nghiệp phổ thông với bằng ưu, có bằng khen của Tổng thống George Walker Bush (Bush con), Minh nhận học bổng vào đại học và sắp vào năm thứ ba cử nhân sinh học. Trong ảnh: Minh (bìa phải, hàng đầu) đang trong phòng thí nghiệm của lớp học Microarray.

Thanh Mai nêu suy nghĩ: “Có thể do Cường ít bạn, ít nói. Nếu là con gái, khi có chuyện gì tụi em “tám” với nhau rồi thì sẽ hết. Con trai khác, đâu bao giờ những đứa con trai lại mang điều không vui, bất lợi của mình ra mà kể với ai đâu. Vậy nên nhiều khi có thể bạn đó cảm thấy bức bối quá mà không biết có ai để nói ra, nên càng ngày càng stress hơn nữa”.

Trong khi đó, nickname AK tâm sự: “AK không thấy lạ gì thông tin trên vì chính AK đã tự tử gần 10 lần nhưng toàn được cảnh sát và bệnh viện cứu hay thượng đế chưa cho AK chết. Hoàn cảnh và đau khổ mà AK đang phải chịu còn thê thảm hơn thông tin trên rất nhiều, nó đeo đuổi AK từ lúc AK sinh ra rồi chứ không phải từ lúc qua Úc. AK từ bé chẳng có bạn bè gì cả vì AK toàn gặp người lừa đảo và tầm thường nên AK không thích kết bạn. Các bạn cứ xỉ vả AK hay cho là AK bất hiếu thoải mái đi vì đối với các bạn, ai mà tự tử cũng bị đánh giá là người chẳng ra gì, bất chấp hoàn cảnh sống mà họ đang khổ sở. AK sẽ tự tử thành công trong thời gian rất sớm thôi. Không đêm nào mà AK không có ý định để tự tử hết. Tất cả bác sĩ đa khoa, nhà tâm lý học và chuyên gia về tâm thần học đều từ bỏ AK rồi nên cái chết sẽ là sự giải thoát AK”.

Những rủi ro của du học sinh Việt

- Ngày 17-7-2009, thi thể cô Ng. được phát hiện trong tủ áo trong phòng cô ở KTX. Ng. sang Singapore được gần hai tháng và đang học tiếng Anh tại Học viện Quản lý phát triển Singapore.

- Ngày 24-10-2009, San Jose, California, sinh viên Việt Nam Phuong Ho, 20 tuổi, bị cảnh sát đánh bằng gậy sắt hơn 10 lần, trong đó có cả một lần bị đập vào đầu, vì bị nghi ngờ tấn công một người bạn ở cùng phòng.

- Sáng 10-1-2009, Tăng Quốc Bình, sinh viên năm thứ nhất ĐH Tổng hợp quốc gia về quản lý (GUU), đã bị đâm gần một nhà ga tàu điện ngầm ở Matxcơva (Nga) khi đang trên đường về nhà.

Hành trang cho con du học

Theo kinh nghiệm của tôi, muốn con du học thành công, cha mẹ cần chuẩn bị tinh thần cho trẻ từ rất sớm. Trẻ phải thấy đây là việc yêu thích chứ không phải là trách nhiệm, hoặc làm vì sức ép, kỳ vọng của gia đình. Những chuẩn bị phải bắt đầu từ khi còn cấp tiểu học, gồm có:

Học lực: Trẻ du học không thể là đứa học làng nhàng, vì không thể học tốt ở quê nhà bị quẳng đi du học. Cứ nghĩ một cách đơn giản, khi các cháu học với tiếng mẹ đẻ không thể giỏi thì làm sao học giỏi bằng tiếng nước ngoài. Một trẻ muốn học giỏi ở xứ người thì ở quê nhà trẻ phải là học sinh xuất sắc, chí ít cũng khá giỏi. Nếu không trẻ sẽ bị áp lực từ nhiều phía đưa đến tự kỷ, co vào vỏ sò của mình, thậm chí tâm thần chỉ sau vài năm du học.

Ngôn ngữ: Không thể học tốt khi chưa giỏi tiếng của nước sở tại. Trẻ không thể quan hệ tốt với cộng đồng mới khi còn chờ học ESL (English as a second language). Kinh nghiệm cho thấy ngay cả chương trình ESL ở nước Mỹ hay Úc, Anh cũng không dạy tốt hơn ở Việt Nam. Sự thiếu trang bị ngôn ngữ là sai lầm lớn nhất đẩy trẻ vào nhiều bất trắc. Đó là sự kỳ thị chủng tộc, ngại giao tiếp, sợ cộng đồng và stress kéo dài, học lực kém…

Văn hóa: Mỗi dân tộc có lịch sử và văn hóa sống riêng. Người thành đạt là người biết ứng xử phù hợp với văn hóa sống của xã hội. Câu nói đã trở thành chân lý mà các cha mẹ cần nhớ nằm lòng nếu muốn con mình thành công là: “IQ (Intelligence Quotient) làm người ta chọn bạn nhưng EQ (Emotional Quotient: chỉ số cảm xúc) sẽ làm người ta đề bạt bạn”. Để EQ tốt, trẻ phải hiểu biết văn hóa sống của nước trẻ đến du học. Cultural shock (sốc văn hóa) là từ phổ biến của du học sinh trên toàn thế giới. Trước du học, bạn cần cho trẻ tiếp xúc với nền văn hóa ấy qua du lịch và hướng dẫn trẻ về văn hóa học cơ bản. Sau khi trẻ đi cần tiếp tục hỗ trợ. Đừng nghĩ rằng trẻ đã đi du học năm năm rồi, quá quen với môi trường du học rồi là không cần quan tâm nó nữa.

Giáo dục kỹ năng sống: Giáo dục phổ thông hiện đại không cho trẻ kiến thức tổng quát quá cao, quá nặng nề như Việt Nam nhưng cho trẻ tư duy độc lập trên nền giáo dục kỹ năng sống nhuần nhuyễn. Trẻ cần trang bị kỹ năng sống thật đầy đủ trước khi du học. Ngay từ tiểu học phải cho trẻ tham gia hoạt động cộng đồng, hoạt động liên quan đến thiên nhiên và cuộc sống xung quanh nhằm giúp trẻ hoạt bát, năng nổ và dễ thích ứng với môi trường, cộng đồng mới. Không thể hy vọng trẻ được ấp ủ trong chăn êm, nệm ấm, nắng sợ đen, mưa sợ cảm lạnh có thể thành công mỹ mãn ở môi trường du học. Hãy trao nhiệm vụ và dạy cho trẻ biết chịu trách nhiệm với những hành động của trẻ ngay từ khi còn chập chững biết đi, bạn sẽ không bao giờ hối hận với những việc này. Đừng sợ trẻ còn non nớt, cần nhìn trẻ là người lớn và trao trách nhiệm cho trẻ để trẻ dạn dày khi còn ở trong vòng tay của bạn.

Tập cho trẻ sống tự lập: Ngay từ lúc nhỏ nằm nôi, cần cho trẻ ngủ riêng. Cần giao cho trẻ những việc làm nhỏ hằng ngày để trẻ tự giải quyết và chỉ giúp trẻ khi thật cần thiết. Hãy để hay gợi ý trẻ tự đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề mà trẻ tiếp xúc hằng ngày. Tập cho trẻ có thể ở nhà một mình và theo dõi trẻ một cách kín đáo những xử lý tình huống xảy ra quanh trẻ khi trẻ một mình và tham gia giúp đỡ khi cần. Những việc nhỏ này sẽ giúp trẻ đương đầu với nỗi cô đơn trong du học. Alone shock (sốc cô độc) là cú sốc có thể đánh quỵ cả những cái đầu chai sạn của người lớn. Đừng cho rằng trẻ đi du học là sung sướng mà là sự phấn đấu cam go dưới sự học hành nặng nhọc với nỗi cô đơn ngày đông giá rét, những cơn bệnh ập tới mà thiếu vòng tay che chở của người lớn và sự thấu hiểu, an ủi cho nỗi cô đơn ở xứ người. 

Du học là học một nền văn hóa mới, học cách tiếp cận mới với xã hội mới chứ không chỉ là học khoa học kỹ thuật mới. Du học là để nâng kỹ năng sống qua hiểu biết các nền văn hóa khác nhau để trở thành công dân thế giới, có thể sống và làm việc trong mọi môi trường. Du học là việc lớn và nặng nhọc.

Hãy ghi nhớ rằng chỉ có tiền sẽ không làm cho trẻ thành công trên con đường du học.

Bác sĩ HỒ HẢI

QUỐC DŨNG tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm