Những cú sốc du học Hà Lan

Cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Hà Lan học tập tương đối rải rác. Chất lượng đào tạo ở Hà Lan đã được quốc tế ghi nhận về tính thực tế và ứng dụng cao. Có rất nhiều trường ở Hà Lan nằm trong những trường danh tiếng nhất thế giới.

Chậm rãi và quy củ

Mở tài khoản ngân hàng là một trong những việc đầu tiên cần làm của du học sinh khi sang nước sở tại. Khi mới sang Hà Lan, tôi đến ngân hàng làm thủ tục mở tài khoản, phải đến vài tuần sau tôi mới nhận được thẻ và mật khẩu tài khoản online cũng chỉ vì ngân hàng quá… chi tiết. Chỉ riêng việc kích hoạt mã PIN thôi ngân hàng đã gửi đến vài bức thư hướng dẫn, tôi đi đi về về hai, ba lần mới xong. Sống ở Hà Lan một thời gian, tôi khám phá ra rằng người châu Âu làm gì cũng chậm rãi và quy củ, đặc biệt trong những việc liên quan đến giấy tờ và chính sách. Thế nên bài học đầu tiên là: Kiên nhẫn và thực hiện đúng quy trình.

Không như ở châu Á, đa số người châu Âu không tham làm việc. Các siêu thị, cửa hàng thường chỉ mở cửa đến 6 giờ tối, bất kể mùa đông hay mùa hè, trừ các TP lớn các cửa hàng có thể mở cửa muộn hơn một chút. Hà Lan cũng không ngoại lệ. Bạn nào nấu ăn nên lưu ý điều này nếu không muốn… nhịn đói vào hai ngày cuối tuần hoặc bỏ một số tiền lớn cho một bữa ăn ở nhà hàng. Tôi đã từng phải trải qua một Giáng Sinh chỉ có bánh mì và nước lọc vì đi chơi về trễ và không kịp ra siêu thị mua thức ăn. Từ đó về sau, mỗi khi đến dịp hội hè, tôi đều phải tranh thủ đi chợ từ mấy ngày trước để chất đầy thức ăn trong tủ lạnh.

 
Di chuyển từ Hà Lan đến khắp châu Âu rộng lớn, bạn sẽ choáng ngợp bởi những kiến thức thực tiễn mà mình có thể tích lũy được chỉ trong một thời gian ngắn.

Nhiệt độ 3-4oC

Hồi mới sang Hà Lan học, tôi đã viết trên Facebook của mình những dòng như thế này: “Mình thấy lá vàng rơi mà sao không lãng mạn gì hết, chỉ thấy ảm đạm thê thiết. Thay vì nắng vàng ươm rực rỡ như mấy hôm mùa hè, trời u ám xám xịt. Gió lùa thốc tháo. Mỗi sáng mở cửa sổ lại thấy mưa thường trực. Nhiệt độ chừng 8-9oC, có khi xuống 3-4oC. Mình khi đó chỉ muốn ngồi trong phòng quấn ba lớp chăn dày thay vì vừa đạp xe vừa xuýt xoa vì gió lạnh”.

Với những người sinh ra và lớn lên ở xứ nhiệt đới thừa nắng quanh năm thì việc phải làm quen với thời tiết ôn đới trong một thời gian ngắn không phải là chuyện dễ dàng. Đó là còn chưa kể đến “đặc sản” của Hà Lan - đất nước của gió và cối xay gió. Tôi đã không ít lần cảm thấy tủi thân ghê gớm khi cứ phải cắm cúi đạp xe hết con dốc này đến con dốc khác để tới trường trong khi gió thốc tháo tạt ngang tạt dọc trong những ngày mùa đông giá rét. Thời tiết ở Hà Lan cũng nổi tiếng về sự “đỏng đảnh” sớm nắng chiều mưa nên người Hà Lan có tục lệ chào nhau bằng câu “How is the weather?” (Thời tiết thế nào?), thay vì câu hỏi thông thường “How are you?” (Bạn khỏe không?) là vì vậy.

Mặc sức di chuyển trong “châu Âu khổng lồ”

Các nước châu Âu hầu hết đều có diện tích nhỏ nhưng nhờ có hiệp ước Schengen - hiệp ước về tự do đi lại được ký kết giữa 26 nước châu Âu, việc di chuyển giữa các nước trong khối này trở nên dễ dàng như thể đi từ TP này sang TP khác trong một “quốc gia khổng lồ” châu Âu. Tôi cho rằng dù bận rộn học hành như thế nào, bạn cũng nên sắp xếp thời gian đi du lịch để học thêm và trải nghiệm những điều trước đây chỉ được nghe kể hoặc đọc qua sách báo.

Những chuyến đi đã cho tôi tận mắt thấy những cánh đồng cỏ Hà Lan tượng trưng một nền nông nghiệp trù phú và hiện đại; những quảng trường rộng lớn của xứ Hy Lạp giúp tôi mường tượng về những “người kể chuyện” thông thái thời cổ đại; bảo tàng Louvre thu nhỏ cả nền văn minh nhân loại từ thời Babylon, Lưỡng Hà, Ai Cập; thành Vienna là một minh chứng về sự xa hoa đế vương; hay những công trình xù xì của Berlin cho tôi cảm nhận sâu sắc về tinh thần thép của một dân tộc “cõng cả châu Âu trên vai”… Ở các nước châu Âu, từ các loại dịch vụ vận chuyển như máy bay, tàu xe… đến các bảo tàng, địa điểm vui chơi luôn có ưu đãi dành cho sinh viên và những người trẻ dưới 26 tuổi. Thế nên đừng ngại đi và khám phá thế giới rộng lớn này!

PHẠM THỦY TIÊN (Du học sinh tại Hà Lan)

 

Làm thế nào để du học Hà Lan?

Sau khi học bổng HSP kết thúc, NFP là học bổng chính phủ duy nhất của Hà Lan với yêu cầu 2-3 năm kinh nghiệm. Tuy nhiên, vẫn có những học bổng của các trường đại học như Maastricht, Groningen, Leiden… với các gói học bổng toàn phần, học bổng học phí hoặc hỗ trợ sinh hoạt phí. Tùy theo từng học bổng, quy trình xét duyệt hồ sơ sẽ khác nhau: Được trường nhận học mới được nộp hồ sơ xin học bổng; nộp hồ sơ xin học bổng cùng lúc với hồ sơ xin học; hoặc trường tự động xét học bổng cho hồ sơ xin học. Ứng viên cần có thành tích học tập tốt, kinh nghiệm làm việc hoặc nghiên cứu (nếu có yêu cầu), tiếng Anh giỏi và thể hiện thuyết phục nguyện vọng của mình qua thư xin học bổng. Thời gian xét học bổng thường nằm trong khoảng giữa tháng 11 năm nay đến tháng 3 năm sau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm