Đừng biến Lịch sử thành môn ‘nhồi sọ’

Trao đổi bên lề hội thảo, GS-TS Nguyễn Đình Cống cho biết lịch sử là môn quan trọng, khó tích hợp với các môn khác được mà phải là môn khoa học độc lập. “Tôi cho rằng cần phải viết lại chương trình lịch sử hiện nay, đấy là viết cho những nhà nghiên cứu lịch sử chứ không phải viết cho học sinh học sử. Chính quan điểm về dạy sử sai, bắt nhớ sự kiện chính xác làm học sinh vất vả. Biến môn sử từ môn học hay thành môn “nhồi sọ” nên học sinh không thích học sử” - GS Cống nói.

GS-TS-NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nhận xét nhiều năm liền lịch sử chỉ là môn phụ, không thi tốt nghiệp. Đồng nghĩa là môn học phụ thì việc dạy chỉ cho có và học chỉ cho xong. “Khi lịch sử cùng với nhiều phân môn khác tạo thành một môn thì sự hiểu biết của các em về sử chỉ bằng một phần tư, một phần năm các môn học khác. Vì vậy tôi cho rằng lịch sử phải là môn học độc lập và bắt buộc”. Ông Ngọc cho rằng muốn tích hợp thì phải đem các môn khác tích hợp vào lịch sử chứ không nên làm ngược lại.

Đồng tình với quan điểm của Bộ GD&ĐT về việc tích hợp lịch sử cùng các môn khác thành môn công dân với Tổ quốc, tuy nhiên TS Phạm Thị Ly, Giám đốc chương trình nghiên cứu Viện Đào tạo quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng cách dạy sử hiện nay là nhồi những sự kiện, con số, cách giảng dạy như vậy không hiệu quả. Có nhiều cách giảng dạy hay như cho học sinh được đóng vai các nhân vật lịch sử, đưa học sinh đến bảo tàng hay đến những di tích, giảng dạy qua những bộ phim lịch sử… Những cách giảng như vậy giúp học sinh yêu thích sử hơn. “Giáo dục phải truyền cảm hứng cho học sinh chứ không phải “nhồi sọ” học sinh” - bà Ly nói.

Đáp lại những ý kiến trên, PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, Vụ phó Vụ Trung học (Bộ GD&ĐT), cho rằng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã nhấn mạnh việc coi trọng lịch sử, đồng thời là môn học bắt buộc. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là đặt nó vào chỗ nào, có nên tích hợp hay không.

Theo ông Thống, theo như chương trình tổng thể, mỗi năm cấp III vẫn dành mỗi tuần một tiết cho môn lịch sử, môn ngữ văn và toán cũng chỉ có hai tiết/tuần. Thời gian còn lại là để học sinh tự chọn theo hướng phân hóa.

“Vị trí môn lịch sử vẫn giữ vững, không có gì thay đổi. Thậm chí học sinh còn phải học lịch sử nhiều hơn, vì ngoài nội dung bắt buộc của lịch sử ở môn công dân với Tổ quốc, các em đi vào hướng khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, công nghệ phải học môn khoa học xã hội trong đó có lịch sử. Em nào đi theo hướng chuyên ngành khoa học xã hội, đặc biệt ngành lịch sử thì học tự chọn 2 là môn lịch sử, như vậy giờ học sử nhiều hơn trước. Chỉ có điều băn khoăn là môn sử ghép vào môn giáo dục công dân với Tổ quốc có hợp lý không, cái này cần phải trao đổi tiếp” - ông Thống nói.

Theo ông Thống, sau khi lấy ý kiến dư luận Bộ sẽ họp Ban thường trực đổi mới chương trình sách giáo khoa, nếu thấy hợp lý thì tách môn lịch sử thành môn riêng.

HUY HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm