Đừng chặn đường đến trường của trẻ HIV

Việc các em còn nhỏ, chưa ý thức được bệnh của mình dẫn đến va chạm, cào cấu lẫn nhau khiến các phụ huynh khác lo ngại cũng là điều dễ thông cảm. Vấn đề là làm thế nào để đảm bảo quyền được đến trường của trẻ có HIV vừa giúp các em biết cách bảo vệ người khác trước nguy cơ lây nhiễm.

Để có một mô hình cho trẻ nhiễm HIV đến trường đầu tiên trong cả nước, Trung tâm Nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em Linh Xuân
(TP.HCM) đã mời giáo viên về trung tâm dạy bậc tiểu học cho các em. Trong thời gian này, ngoài việc học theo giáo trình, trẻ được tập huấn kỹ năng phòng, tránh lây bệnh cho người khác, xử lý tình huống nếu lỡ đau ốm, nôn ói, bị bạn đánh chảy máu… Đây là bước để chuẩn bị cho trẻ ra học cấp 2 ngoài cộng đồng như bao trẻ khác. Nhớ những ngày đầu đưa trẻ ra hòa nhập với các em ở trường ngoài cộng đồng đầy gian nan, bàNguyễn Thị Kim Tiên, lúc bấy giờ là giám đốc trung tâm, kể: “Gần đến ngày khai giảng, phụ huynh các em bên ngoài biết được rằng con họ sẽ học chung lớp với các em có HIV nên đã kéo đến trường phản đối, đòi rút hồ sơ xin qua lớp khác. Trước đó, chúng tôi đã tập huấn và làm việc cùng với nhà trường để họ hiểu và chia sẻ với các em. Do đó, khi các phụ huynh khác phản đối, cô hiệu trưởng nói rằng chỉ còn một em cô vẫn dạy, rồi cô giải thích cho các phụ huynh rằng các em đã lớn và đủ ý thức được bệnh của mình, không có nguy cơ lây nhiễm HIV cho người khác nên các phụ huynh mới cho các em học chung”.

Kể câu chuyện này để thấy dù khó vẫn có lối ra cho trẻ có HIV đến trường. Trẻ ở ngoài cộng đồng cũng cần được tư vấn kỹ cho trẻ cách bảo vệ mình và tránh lây nhiễm cho người khác, đồng thời tư vấn cho phụ huynh yên tâm về tỉ lệ lây nhiễm trong môi trường giáo dục hầu như không có. Chúng ta đã bỏ mất bốn năm để cho P. có cơ hội được học tập. Để một đứa trẻ phát triển toàn diện, cần tạo cơ hội hòa nhập cho trẻ, không nên kéo dài thời gian tách biệt em ra khỏi cộng đồng.

Ngành giáo dục tỉnh Bạc Liêu cần rút ngắn thời gian tư vấn, dạy riêng tại nhà cho P., tư vấn cho các phụ huynh yên tâm (lẽ ra điều này nên làm từ nhiều năm trước) để P. sớm được đến trường hòa nhập. Đừng để em vốn đã thiệt thòi lại càng thêm tuyệt vọng vì sự kỳ thị.

HOÀNG LAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm