Đừng làm chuyện phi khoa học, phi võ thuật

Dạy võ trong thời gian ngắn để chống bạo lực là gây ảo tưởng nguy hiểm cho các học sinh.

Với thanh thiếu niên đang trong độ tuổi hiếu động, hiếu thắng, bốc đồng, việc dạy võ ứng dụng trong thời gian ngắn gắn liền với mục đích chống bạo lực, lại được cổ súy thêm bằng những tấm gương bắt cướp liệu có phù hợp với mục tiêu giáo dục và tinh thần võ học? Chúng tôi đã trao đổi với các võ sư, nhà chuyên môn về vấn đề này.

Thử nghiệm cũng phải có giáo trình

Học võ, đặc biệt là học môn Aikido trong trường học chỉ nhằm rèn luyện sức khỏe, giáo dục thể chất. Việc áp dụng Aikido với mục đích phòng chống bạo lực học đường mà chỉ dạy trong một tháng thì rất nguy hiểm vì học một tháng thì không làm được gì. Nếu gặp côn đồ có vũ khí thì võ thuật giỏi mấy cũng nguy chứ đừng nói chỉ học võ trong một tháng. Một chương trình dù có thử nghiệm thì cũng cần phải có giáo trình, chứ ai lại dạy chay như thế bao giờ. Dạy một tháng để phòng chống bạo lực học đường là phi khoa học, phi võ thuật. Việc tuyên dương hai em học sinh cấp hai“Có hành động can đảm trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm” làm gương cho các học sinh khác là điều cần phải xem xét lại vì dễ khiến các em ngộ nhận.

GS TĂNG KIM TÂY, Cố vấn Ban Chấp hành Hội Aikido TP.HCM, người tiên phong đưa bộ môn Aikido vào trường học

Một đòn thôi, phải khổ luyện nhiều năm

Aikido là một môn võ đạo, lấy việc dạy đạo lý làm người là tiêu chí đầu tiên. Các môn sinh của võ Aikido phải nằm lòng bảy yếu tố Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Trung, Hiếu.

Đừng làm chuyện phi khoa học, phi võ thuật ảnh 1

Liệu sau một tháng học võ, nữ sinh này có quật ngã được hai tên cướp như trong ảnh này? Ảnh: HG

Môn võ này chủ yếu rèn luyện sức khỏe và kỹ thuật để hóa giải các đòn thế cầm nã. Nên nhớ rằng các đòn tấn công của Aikido là rất hiểm vì Aikido là một môn võ hấp thu tinh hoa nhiều môn võ bí truyền của Nhật.

Nếu để tôi dạy các em một tháng, tôi chỉ dám dạy các em một số kỹ thuật hộ thân như bị té thì tiếp đất như thế nào, giúp các em chuẩn bị thể lực, dạy cho các em lễ nghĩa và cách đối xử trong cuộc sống. Việc giúp các em phản xạ có điều kiện cần một thời gian dạy rất dài, phải nhiều năm rèn luyện, đó là chưa tính việc học sinh phải tự khổ luyện. Một đòn thôi nhưng phải tự rèn luyện năm này sang năm khác mới tạo ra được phản xạ.

Vì thế tôi cho rằng chỉ dạy và học trong vòng một tháng, nếu xảy ra bạo lực trong thực tế thì các em hoàn toàn không ứng dụng được.

Võ sư NGUYỄN VĂN LINH, Tổng Thư ký Hội Aikido TP.HCM

Đừng tạo ảo tưởng từ thành tích ảo

Chương trình dạy võ Aikido phòng chống bạo lực kéo dài một tháng với tám buổi học. Các em học sinh được dạy cách chào hỏi trong môn võ Aikido; cách thoát khi bị khóa tay, cách xử lý một số tình huống va chạm thường gặp như bị nắm tóc, bóp cổ, dao đâm, khống chế dao, giật giỏ xách, bị tấn công bằng mũ bảo hiểm, bị vuốt má, dê…

Đòn đánh Aikido rất hiểm, nếu luyện không khéo, học sinh áp dụng sẽ rất nguy hiểm vì mỗi cú đánh của Aikido đều là các thế võ bẻ gãy tay đối thủ. Nói là vậy thôi, tuy nhiên một đòn phải luyện nhiều lần, chứ học một tháng chẳng thể giải quyết được gì.

Quan điểm của tôi, dạy võ trong nhà trường cũng tốt thôi nhưng phải dạy và học đàng hoàng, quy củ. Chứ nếu học hời hợt rồi đem sự học đó gán vào thành tích cho các em thế này thế kia là rất nguy hiểm. Có thể các em có thành tích chống cướp thật nhưng đó chỉ là tình cờ chứ không phải do việc học võ một tháng mà ra.

Theo tôi, hãy coi học võ như một môn thể thao, dạy và rèn luyện các em đàng hoàng, đừng gán ghép vào để chống bạo lực hay săn bắt cướp. Cao siêu quá.

GS-võ CHIÊM HUỲNH VĂN, nguyên Tổng Thư ký Tổng cục Nhu đạo Việt Nam

Học võ một tháng để chống cướp!

Thời gian gần đây, nhà thiếu nhi quận và Quận đoàn Tân Bình đã tổ chức dạy thí điểm võ Aikido trong vòng một tháng cho học sinh hai trường THCS Lý Thường Kiệt II và THCS Quang Trung với mục đích hạn chế tình trạng bạo lực học đường. Sáng 9-5, tại Trường THCS Lý Thường Kiệt II, Quận đoàn và nhà thiếu nhi đã tổ chức lễ sơ kết hai tháng thí điểm mô hình này. Tám “hiệp sĩ săn bắt cướp” ở Bình Dương cùng hai nhà báo đã từng có thành tích bắt cướp cũng được mời để giao lưu với các em. Dự kiến chương trình này sẽ được mở rộng ở trường mầm non (!)

Chương trình học được thí điểm từ giữa tháng 3 do anh Lê Hoàng Mai, Trưởng bộ môn Aikido Tân Bình, cùng các cộng sự trực tiếp dạy. Theo anh Mai, vẫn chưa có giáo án cụ thể, nội dung dạy chủ yếu nằm trong đầu và xem clip để tìm tình huống dạy cho các em chống trả.

Anh Mai hào hứng kể: “Sau một tháng huấn luyện, các em không chỉ hăng say học tập mà còn hăng say bắt cướp. Thậm chí có hai học sinh nữ còn được tặng bằng khen “Có hành động can đảm trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm” do Quận ủy và Quận đoàn Tân Bình trao tặng”.

Còn cô Đặng Trần Thúy An, Tổng phụ trách Đội thiếu niên Trường THCS Lý Thường Kiệt II, thì cho rằng sắp tới sẽ kiến nghị ban giám hiệu nhà trường thành lập câu lạc bộ rèn luyện môn võ này. Lúc đó sẽ không mời các thầy đến dạy nữa mà để cho các em biết rồi chỉ cho các em chưa biết. Lớp học này chỉ mang tính tự vệ, người ta đánh mình thì mình chống lại thôi. Mục đích để giúp đỡ những người đi đường gặp cướp, có việc cần thiết thì mới sử dụng chứ nhà trường chưa bắt gặp trường hợp học sinh nào dùng võ thuật trong bạo lực học đường.

Đi tìm giải pháp cụ thể phòng chống bạo lực học đường là điều đáng hoan nghênh, thể hiện trách nhiệm của Quận đoàn và Nhà văn hóa thiếu nhi quận Tân Bình. Tuy nhiên, có nên dùng võ thuật (dù là để tự vệ) để chống lại bạo lực học đường là vấn đề lớn cần cân nhắc về mặt giáo dục lẫn quản lý xã hội.

ANH TUẤN

Sở không biết, sẽ kiểm tra gấp

Trong thời gian vừa qua, Sở GD&ĐT có kết hợp với Công an TP.HCM trong phòng chống bạo lực học đường bằng việc tuyên truyền pháp luật cho học sinh, sinh viên, hướng dẫn cho các em biết nếu đánh nhau sẽ phạm luật gì; không tố giác thì phạm luật gì… Bên cạnh đó, lực lượng Công an TP sẽ giới thiệu một số thế võ chủ yếu giúp các em tự tin và rèn luyện sức khỏe.

Việc một số trường học kết hợp với Hội Aikido, Quận đoàn, nhà thiếu nhi… để dạy võ cho học sinh nhằm chống lại bạo lực học đường thì tôi không hình dung được và chưa nghe báo cáo gì từ cơ sở.

Liên quan đến việc mời “hiệp sĩ” Bình Dương từng có thành tích bắt cướp đến giao lưu với học sinh, theo tôi nên mời các anh công an điển hình vì đây là những người hoạt động theo quy định pháp luật.

Ông TRẦN KHẮC HUY, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên, Sở GD&ĐT TP.HCM

HÀN GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm