Gánh cháo lòng, nuôi 10 con vào đại học

Vợ chồng ông Xử vui vầy cùng con cháu bên nếp nhà giản dị. Ảnh: X.T.
Vợ chồng ông Xử vui vầy cùng con cháu bên nếp nhà giản dị. Ảnh: X.T.

Chúng tôi tìm về cuối khu phố 3 (phường Phú Thạnh), chẳng khó để đến nhà ông Xử bởi ai cũng nhắc đến ông với lòng khâm phục. Căn nhà cấp bốn giản dị, treo những tấm bằng khen "Gia đình văn hóa", "Gia đình hiếu học"... trang trọng phía trên tường.

Ở tuổi thất thập, bà Nguyễn Thị Gương vẫn đang tất bật với công việc bán cháo lòng. Hơn 50 năm nay cứ 3h sáng, bếp nhà bà lại đỏ lửa, hầm nồi cháo dậy khói, bày bán ở quán nhỏ ven đường. "Quen rồi, giờ bỏ thì chẳng biết làm gì, dù con cái đã thành đạt nhưng tôi vẫn lao động để nhắc nhở con cháu tiếp tục noi gương phấn đấu", bà Gương tâm sự.

Nhà làm nông nhưng chỉ được hơn 3 sào ruộng, vợ chồng ông Xử tìm đủ nghề làm thêm hết thợ nề, đến phu hồ rồi lại nhận cày thuê cuốc mướn...

Khi người con cả Huỳnh Đức Thế (46 tuổi) đến người con thứ Huỳnh Đức Thoại (44 tuổi), bắt đầu đi học cũng là lúc chặng đường gánh cháo lòng dài thêm. Bán được nhiều, bà Gương lại cố gắng nấu thêm, lời lãi bao nhiêu bà đều dành cho các con ăn học. Những vết chai sần in đậm trên đôi tay của hai vợ chồng lão nông tần tảo.

"Tội cho thằng Thế lúc đó vì khó khăn quá phải học ở trường cấp 3 vừa học vừa làm Xuân Thành (Sông Hinh - Phú Yên), rồi đến khi tốt nghiệp phổ thông cả Thế và Thoại đều xin đi thanh niên xung phong và nghĩa vụ quân sự, ba năm mới thi đại học trở lại. Được cái anh em chúng nó tự giác, bảo ban nhau học hành rồi thi đậu vào cao đẳng, đại học hết cả" - ông Xử nhớ lại.

Cả 10 người con cùng đi học, gánh nặng kinh tế đổ dồn lên gia đình. Ông bà xoay đủ nghề, bán hết những vật dụng trong nhà, tận dụng từ cái quần kaki anh Thế đi thanh niên xung phong, đến cái áo sơ mi trắng của dì Gương lúc 30 tuổi cho anh em có đồ mặc đi học; rồi chạy vạy vay mượn khắp nơi mỗi lần vào dịp đóng học phí, ngay cả những sào lúa đang trổ đòng được bán trước để ứng tiền trước năm học mới...

Ngoài các tấm bằng đại học, cao đẳng, các con ông Xử còn có người học lên đến tiến sĩ, thạc sĩ. Anh Huỳnh Đức Thiên (37 tuổi), Tiến sĩ hiện đang công tác tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM; anh Thoại - thạc sĩ, Phó phòng Nghiệp vụ, Nhà văn hóa Thiếu nhi tỉnh Lâm Đồng; Huỳnh Thị Linh Giao, giáo viên tiểu học; Huỳnh Thị Mỹ Anh (cử nhân), giáo viên... đến cô con gái út Huỳnh Thị Ngọc Anh, tốt nghiệp Khoa Sử, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM và vừa thi đậu cao học để tiếp tục theo gương các anh phấn đấu. Và cả các dâu, rể trong nhà cũng có người học lên thạc sĩ.

"Chúng nó nhiều lần đòi bỏ học để làm thêm phụ giúp gia đình, nhưng vợ chồng tôi nhất quyết khuyên bảo. Làm nông cả đời cực khổ, tôi không sợ khó nhọc chỉ mong con cái được học hành, thành đạt và nên người là chúng tôi vui rồi" - bà Gương tâm sự.

Theo Xuân Trường (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm