“Gap year” - hành trang vàng trên đường du học

“Gap year” - dành khoảng thời gian trống một năm để tìm hiểu bản thân, trải nghiệm làm những công việc khác nhau để tìm ra thế mạnh bản thân. Và với gap year, nhiều bạn trẻ Việt nam đã thành công trong việc bước vào nhiều trường ĐH danh tiếng ở Mỹ với học bổng toàn phần.

Chìa khóa kỹ năng sống

Với suy nghĩ “thời gian là vàng bạc ”, có nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng với “gap year” vì cho rằng nó đồng nghĩa với phí mất thời gian, mang tính phong trào. Nhưng các bạn trẻ lại rất hứng thú khi được dùng “gap year” để làm mọi việc mình muốn, “nhào nặn” cuộc sống của mình, hiểu rõ mình là ai, muốn đi đâu và làm gì. Có thể đó là những hoạt động tình nguyện, từ thiện, đi du lịch bụi… để được trải nghiệm và làm dày thêm vốn sống, biết cảm thông, sẻ chia và cũng để thấy rõ mong muốn của mình. Học sinh, sinh viên tham dự buổi nói chuyện tại hội thảo VietAbroader cũng sẽ được các bạn đi trước chia sẻ kinh nghiệm về “gap year” cũng như cách tận dụng tối đa các lợi ích của “gap year”. Bởi các trường ĐH ở Mỹ khi xem xét hồ sơ xin nhập học, họ không quá chú trọng vào thành tích học tập mà còn quan tâm đến nhiều hoạt động xã hội, kỹ năng sống…

“Gap year” - hành trang vàng trên đường du học ảnh 1

Làm thêm là cơ hội để sinh viên tôi luyện kỹ năng sống.

Diêm Anh Thư, cô nữ sinh lớp 12 hai năm trước đây của Trường Lê Hồng Phong vẫn chưa xác định con đường sau khi tốt nghiệp cấp ba của mình ra sao. Tham gia hội thảo du học VietAbroader 2010, Thư thấy mình có khả năng du học và bắt đầu lên kế hoạch. Được nghe nói đến “gap year”, Thư đã dành ra một năm để chuẩn bị, gồm trau dồi khả năng tiếng Anh, chuẩn hóa bộ hồ sơ. Mặt khác, Thư cũng tham gia các hoạt động ngoại khóa vì môi trường, làm từ thiện… Một năm “gap year” cho phép Thư được theo đuổi sở thích học đàn mà suốt thời phổ thông không có thời gian. “Chính những việc như thế đã làm cho tôi hiểu biết hơn về cuộc sống quanh mình và cũng làm đầy hơn bộ hồ sơ để gây được sự chú ý đối với các trường học mà tôi nộp đơn” - Anh Thư cho biết. Năm 2012, Thư được sáu trường ĐH Mỹ nhận vào học. Tháng 8 tới đây, Anh Thư sẽ nhập học vào Trường ĐH Franklin & Marshall (bang Pennsylvania).

Hai năm “gap year” mở toang cánh cửa 11 ĐH

Trần Bá Khôi Nguyên - sinh viên năm thứ hai Trường ĐH Duke University (bang North California) thì có đến hai năm “gap year” ở Việt Nam. Dù đã có bốn năm học phổ thông ở Singapore, tham gia vào các hoạt động ngoại khóa tích cực của Trường Anglo - Chinese Junior College, được bầu chọn làm phó chủ tịch Hội Du học sinh quốc tế tại Singapore, Khôi Nguyên trở về nước để chuẩn bị cho kỳ du học dài hơi tại Mỹ. Năm đầu là vì sức khỏe, năm sau vừa hoàn tất về hồ sơ, Nguyên vừa tham gia các hoạt động thiện nguyện như dạy tiếng Anh cho trẻ em nghèo ở Bến Tre, cứu trợ bão ở Tây Nguyên, cứu trợ hạn hán ở Hà Giang… Sau năm đầu tiên Nguyên được 11 trường ở Mỹ nhận học, có nhiều trường có học bổng toàn phần. Trước đó Nguyên muốn theo hướng nghiên cứu, học thuật nên đã chọn Trường St. John’s. Nhưng sau khi đi gap year, Nguyên nhận thấy mình không phù nên nộp đơn lại vào trường khác và trong số nhiều trường chấp nhận, Nguyên chọn Trường ĐH Duke với suất học bổng toàn phần cho bốn năm.

Với sinh viên tại Việt Nam, việc đi làm thêm thường chỉ mang tính chất trang trải chi phí học hành. Nhiều sinh viên thậm chí vì mưu sinh đã để ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian học tập ở trường nhưng đến khi ra trường, những kinh nghiệm làm việc trong thời gian đi học như phục vụ nhà hàng, dạy kèm, trợ giảng… không được đưa vào hồ sơ xin việc vì người tuyển dụng chưa thật sự quan tâm. Nhưng quan niệm “gap year” sẽ khiến bạn nghĩ khác.

Kinh nghiệm về “gap year” không có trong sách vở hay bất kỳ hướng dẫn nào. Sinh viên, học sinh chỉ có thể học hỏi nhau theo kiểu người đi trước chỉ bước cho người theo sau. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm hoặc còn ngỡ ngàng với những khái niệm mới của môi trường ĐH nước ngoài, tham gia hội thảo là cách tiếp cận thông tin nhanh nhất.

Hội thảo “Chuyền đuốc” giúp chia sẻ kinh nghiệm du học

Với sự góp mặt của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam đã thành công trong quá trình nộp hồ sơ du học và đại diện của các trường ĐH hàng đầu tại Mỹ, hội thảo du học VietAbroader lần thứ bảy mang tên “Chuyền đuốc” sẽ được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 21-7 và tại Hà Nội vào 22-7-2012. Để tham gia hội thảo, học sinh phải hoàn tất đơn đăng ký tham dự hội thảo (website www.vietabroader.org) trước ngày 7-7. Sinh viên, học sinh sẽ được yêu cầu viết luận bằng tiếng Anh và trình bày một số thông tin về bản thân mình. Dựa vào bài luận và những thông tin các bạn cung cấp trên đơn đăng ký, hội thảo sẽ yêu cầu một số bạn chưa có kiến thức vững vàng về du học Mỹ tham dự Orientation day (ngày định hướng) để các bạn có những thông tin cơ bản, có nền tảng để hiểu được thông tin chuyên sâu trong Conference day (ngày hội thảo).

HỒNG ÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm