Giáo khoa và người thầy

Bộ trưởng GD&ĐT xác nhận trong công cuộc mà toàn ngành đang ra sức thực hiện đổi mới GD&ĐT, yếu tố con người có vai trò quan trọng nhất. Cụ thể, với việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở nhà trường phổ thông thì vai trò của GV mang yếu tố quyết định. Tuy nhiên, hiện không phải mọi GV đều đáp ứng được yêu cầu này. Bởi vậy, song song với việc tổ chức biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới, Bộ GD&ĐT cũng đang khẩn trương thực hiện hai đề án: Một là nâng chuẩn đào tạo GV trong các trường sư phạm; hai là đào tạo lại, bồi dưỡng GV đang làm việc trong các trường phổ thông.

Theo Bộ trưởng, yêu cầu sau đợt nâng chuẩn GV này là tự bản thân GV và GV có thể hỗ trợ đồng nghiệp cùng thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới một cách tốt nhất, đồng thời có thể tham gia trực tiếp vào các hoạt động đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đem thực tiễn, hơi thở cuộc sống vào chương trình, sách giáo khoa mới.

Theo quan sát của các nhà giáo dục, đây là một nhiệm vụ khá nặng nề mà ngành giáo dục phải đương đầu trong thời gian tới. Thực tế trong nhiều thập niên qua cho thấy xuất phát điểm của đội ngũ GV không phải ở mức cao, đầu vào các trường sư phạm luôn là vấn đề trăn trở của các nhà quản lý giáo dục.

Bởi vậy, các nhà giáo dục đề xuất bên cạnh việc thực hiện các đề án trên, Bộ GD&ĐT cần có một giải pháp căn cơ, lâu dài hơn. Đó là làm sao để ngày càng có nhiều người giỏi vào trường sư phạm. GV phải được chọn từ thành phần ưu tú của xã hội. Thật ra giải pháp này không phải là mới. Nó đã được Bộ GD&ĐT tính đến trước đây với việc ra đời chủ trương miễn học phí cho sinh viên sư phạm. Chủ trương này đã phát huy tác dụng tích cực những năm đầu, điểm chuẩn đầu vào các trường sư phạm tăng lên. Nhưng những năm sau thì không còn hiệu quả do sinh viên sư phạm ra trường ngày càng khó xin việc làm, cộng với đồng lương còn thấp.

Vì thế, để thu hút người giỏi vào trường sư phạm, các nhà giáo dục cho rằng việc điều chỉnh chế độ tiền lương của GV kèm theo các chế độ phụ cấp, chính sách ưu đãi mới là giải pháp có tính bền vững. Thiết nghĩ đây là nhiệm vụ cấp bách vì thời gian triển khai biên soạn, áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới không còn xa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm