Hai nguyên tắc của một ĐH phi lợi nhuận ở Hà Nội

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một trong số ít những trường ngoài công lập cam kết ngay từ ngày đầu thành lập là không vì mục tiêu lợi nhuận, đến nay trường phát triển khá tốt và ổn định. GS Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, chia sẻ: Năm đầu tiên trường thành lập, tổng vốn góp chỉ đạt 500 triệu đồng. Đến nay, sau gần 20 năm hoạt động, với vốn góp và vốn tích lũy không chia của trường đạt trên 800 tỉ đồng.

Thực hiện đúng nguyên tắc

GS Trần Phương cho rằng khi thành lập trường ngoài công lập, người ta thường có hai lựa chọn hoặc là trường lợi nhuận (trường theo đuổi mục tiêu lợi nhuận) hoặc là trường phi lợi nhuận (trường hoạt động không vì lợi nhuận). Trường lợi nhuận do các nhà đầu tư lập ra. Khi bỏ vốn đầu tư, họ mong muốn tìm kiếm lợi nhuận từ hoạt động giáo dục. “Vì vậy chúng tôi từ chối những khoản góp vốn lớn của những nhà đầu tư mà dựa vào những khoản góp vốn nhỏ bé của các sáng lập viên, các cán bộ, nhân viên và cộng tác viên của trường” - GS Phương cho biết.

Theo GS Phương, để đảm bảo tính chất phi lợi nhuận của trường phải thống nhất hai nguyên tắc. Thứ nhất, vốn góp vào trường không được chia lợi nhuận, chỉ được hưởng lãi suất hằng năm bằng lãi suất trái phiếu chính phủ. Thỏa mãn được điều này thì tính chất phi lợi nhuận của trường được pháp luật thừa nhận.

Kiểm tra họ tên và hình ảnh thí sinh trước khi vào phòng thi ĐH 2014. Ảnh: HUYỀN VI

“Ví dụ Trường Harvard, ông Harvard ủng hộ 4 triệu USD để xây trường đầu tiên nhưng ông ta tặng không, lấy danh dự thôi và tên ông được đặt cho ngôi trường. Nhưng Việt Nam thường không thích vinh danh, người ta thích tôi góp thì phải cho tôi hưởng lợi tức. Bây giờ lãi suất bằng lãi suất Chính phủ là được rồi” - GS Phương nói.

Điểm thứ hai, mỗi cổ đông/một phiếu biểu quyết. Để trở thành cổ đông phải có mức góp tối thiểu là 10 triệu đồng. Không hạn định mức góp tối đa. Đã là cổ đông thì không phân biệt vốn góp ít hay nhiều, đều là thành viên của tập thể chủ nhân của trường. “Trường chúng tôi không chấp nhận nguyên tắc biểu quyết theo trọng lượng vốn. Lý lẽ ở chỗ: Nguyên tắc mỗi cổ đông/một phiếu biểu quyết cho phép thực thi dân chủ đối với toàn thể cổ đông, từ đó bầu ra người có tâm và có tài vào các vị trí lãnh đạo của trường. Sự thành công của một trường ĐH không phụ thuộc vào những người có nhiều vốn góp mà phụ thuộc vào những người có tâm và có tài” - GS Phương nhấn mạnh.

GS Phương cho rằng trong quy chế trường ĐH tư thục do Thủ tướng Chính phủ ban hành có quy định một nguyên tắc “biểu quyết theo trọng lượng của vốn”. “Theo tôi, nguyên tắc này chỉ thích hợp với những trường do các nhà đầu tư lập ra, không thể là nguyên tắc áp dụng cho tất cả trường tư thục”, GS Phương nói tiếp: “Từ hai nguyên tắc cơ bản trên, chúng tôi đưa ra một nguyên tắc thứ ba là giấy chứng nhận vốn góp phải là giấy chứng nhận ghi danh, không cho phép tự do chuyển nhượng như cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Người sở hữu vốn góp của trường có quyền chuyển nhượng vốn góp của mình với điều kiện việc chuyển nhượng phải được hội đồng quản trị chấp nhận”.

Ba điểm mạnh của trường phi lợi nhuận

Theo GS Phương, chỗ yếu của trường phi lợi nhuận là vốn hoạt động trong những năm đầu tương đối hạn chế. Phải sau 5-10 năm thì mới đủ vốn để xây dựng trường. Tuy nhiên, loại trường phi lợi nhuận có nhiều điểm mạnh.

Một là, không có tranh giành quyền lực giữa các nhà đầu tư. Đối với trường vì lợi nhuận thì quyền quyết định phụ thuộc vào những người có vốn lớn, khó tránh khỏi sự tranh chấp quyền lực thông qua việc góp vốn và chuyển nhượng vốn. Điều này khiến cho nội bộ trường thiếu ổn định.

Hai là, đảm bảo sự hài hòa lợi ích của người góp vốn, lợi ích của học viên, lợi ích của cán bộ, nhân viên và giảng viên làm việc cho trường và lợi ích lâu dài của trường. Nếu chỉ một chiều, bảo đảm lợi ích của những người góp vốn (nhà đầu tư) thì các lợi ích khác khó lòng đảm bảo được một cách thỏa đáng.

Ba là, vì không phải nộp lợi nhuận cho ai và không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Nhà nước cho nên quỹ tích lũy không chia của trường ngày càng lớn mạnh, cho phép tái đầu tư vào sự nghiệp giáo dục đào tạo. Qua đó, nâng cao chất lượng đào tạo, cải thiện điều kiện học tập cho học viên, cải thiện điều kiện làm việc và thù lao cho cán bộ, nhân viên.

HÀ PHƯƠNG

Cần điều chỉnh hai điểm

Theo GS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, trong quy chế cụ thể của trường ĐH tư thục do Thủ tướng Chính phủ ban hành nên điều chỉnh hai điểm. Thứ nhất, nguyên tắc biểu quyết theo trọng lượng vốn chỉ nên áp dụng đối với trường do nhà đầu tư lập ra. Đối với trường phi lợi nhuận thì nguyên tắc mỗi cổ đông/một phiếu biểu quyết mới là thích hợp (thực tế Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đã thực hiện theo nguyên tắc này). Thứ hai, hội đồng quản trị của trường ĐH tư thục ngoài chức năng hội đồng quản trị còn phải đảm nhiệm vai trò của hội đồng trường. Vì vậy, không nên khống chế số thành viên của nó trong phạm vi 11 người như đã ghi trong Quy chế trường ĐH tư thục. Số thành viên của hội đồng quản trị là bao nhiêu, nên dành cho đại hội cổ đông của trường quyết định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm