“Hiệu trưởng cũng phải cho con học thêm mới đảm bảo kiến thức“

Theo bà Sương, những năm qua trường có tổ chức dạy thêm cho HS vì có dạy thêm trong nhà trường mới đảm bảo chất lượng giáo dục và đảm bảo đời sống cho giáo viên.
Bà Sương cho rằng chương trình THCS hiện nay rất nặng. Ví dụ như môn tiếng Anh ở lớp 9, các em chỉ có hai tiết/tuần. Với thời lượng đó thì chỉ đảm bảo việc dạy bài mới cho HS chứ các em không thể có thời gian luyện tập được. Trong khi các em phải học rất nhiều kiến thức vì còn lo để thi tuyển sinh vào lớp 10, chỉ tiêu vào công lập của TP cũng bị hạn chế. Vì vậy, nhờ có dạy thêm học thêm thì tỉ lệ HS đậu vào lớp 10 công lập mới cao.

“Hiệu trưởng cũng phải cho con học thêm mới đảm bảo kiến thức“ ảnh 1
Đại diện lãnh đạo các trường THCS ý kiến tại buổi làm việc.

Bà Sương nói thêm, dạy thêm trong trường thì trường cũng sẽ quản lý được mức thu hợp lý với phụ huynh. Cụ thể, trường thu mỗi tiết học thêm là 5.000 đồng. Với HS lớp 8 và 9 thường học thêm, nếu mỗi em học năm môn trong năm buổi học, mỗi buổi học bốn tiết thì tổng tiền các em phải đóng trong một tháng khoảng 200.000 đồng. Nếu các em phải học bên ngoài với từng đó môn thì có thể lên đến tiền triệu một tháng. Như vậy rất khó khăn cho phụ huynh HS.

"Như tôi đây, dù là hiệu trưởng nhưng tôi vẫn cho con đi học thêm. Lý do thì chắc chắn tôi không phải sợ con bị trù dập nếu không học thêm vì không ai trù dập con hiệu trưởng làm gì. Thế nhưng tôi vẫn cho con đi học thêm vì dù con không quá yếu nhưng chắc chắn vẫn có những nội dung kiến thức con cần phải bù đắp" - bà Sương nói.
Hơn nữa, theo bà Sương, dạy thêm trong trường sẽ hạn chế được tình trạng "trù dập" trong việc giảng dạy của thầy cô. Một lý do nữa theo bà Sương nên duy trì việc dạy thêm trong trường là sẽ đảm bảo tăng thu nhập cho giáo viên.
Cụ thể, bà Sương tính toán, nếu không dạy thêm, giáo viên sau năm năm làm việc với hệ số lương là 2,67, cộng với phụ cấp này nọ thì tổng thu nhập là 3,8 triệu đồng/tháng. Còn với giáo viên làm thâm niên 20 năm, có hệ số lương là 4,32, cộng với các phụ cấp ưu đãi thì tổng lương cũng chỉ hơn 6,68 triệu đồng. Trong khi đó, nếu dạy thêm trong trường thì mỗi tháng, mỗi giáo viên tăng thêm được 2-4 triệu đồng.
Với những lý do đó thì theo bà Sương, nên duy trì dạy thêm trong trường và giao trách nhiệm cho hiệu trưởng quản lý. Còn nếu để dạy thêm ngoài nhà trường thì rất khó quản lý cả về chương trình lẫn giáo viên.
Tại đây, nhiều ý kiến khác từ các trường cũng cho rằng nên duy trì dạy thêm trong nhà trường mới đảm bảo kiến thức cho các em. Bà Vũ Thị Phương Chi, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Lang, quận 1, cho rằng dạy thêm trong nhà trường xuất phát từ nhu cầu của cha mẹ HS, tuy không phải tất cả nhưng cũng phần lớn HS. Theo bà Chi, cái lợi của dạy thêm trong trường là đảm bảo đủ về cơ sở vật chất, quản lý được giáo viên giảng dạy và HS được học một cách an toàn và theo đúng năng lực. 

Báo cáo với đoàn khảo sát, bà Lê Thị Bình, Trưởng phòng GD&ĐT quận 1, cho hay trong năm qua, quận có 9/9 trường THCS được cấp giấy phép dạy thêm trong nhà trường. Đến nay, giấy phép của 8/9 trường đã hết hiệu lực, còn giấy phép của Trường THCS Chu Văn An đến tháng 8-2017 mới hết.

Theo bà Bình, việc dạy thêm trong nhà trường đều theo tinh thần tự nguyện của cha mẹ HS để đảm bảo việc học của các em. Riêng các trường đều có phương án riêng để phụ đạo cho HS yếu và bồi dưỡng HS giỏi.

Thuận lợi của việc dạy thêm trong nhà trường là đảm bảo lịch học và phòng học cho các em, thuận tiện cho việc đưa đón HS của phụ huynh và quản lý theo dõi của nhà trường. Học phí thu theo khung quy định nên phù hợp với hầu hết đối tượng phụ huynh HS. Vì thế, bà Bình cho rằng, dạy thêm ngoài nhà trường sẽ khó kiểm soát được mọi mặt vì không có cơ sở tập trung, cơ sở vật chất chật hẹp, gây khó khăn cho đưa đón con của phụ huynh và khó quản lý mức thu, cũng như năng lực người dạy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm