Khi các bậc phụ huynh “thi” tốt nghiệp

Thí sinh trao đổi bài sau giờ thi

Thí sinh trao đổi bài sau giờ thi

Chỉ thiếu mỗi …thi cùng

“Ăn cùng, ngủ cùng, lo lắng thao thức cùng, buồn vui cùng…, chỉ thiếu mỗi thi cùng” – đó là tâm sự của nhiều bậc phụ huynh. Họ sẵn sàng làm tất cả để con em của mình có thể thi tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua.

Chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, đưa đón các em, rồi động viên, chia sẻ…là những việc thường nhật của các bậc phụ huynh những ngày qua. Cô Dung (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) kể : “Tôi phải dậy từ 5 giờ sáng để đánh thức con dậy và chuẩn cho con những món nó thích ăn nhất. Vì muốn con có đủ sức khoẻ. Phải thường xuyên nhắc nhở con mang đủ các giấy tờ cần thiết trước khi đi thi rồi dặn con bình tĩnh khi làm bài”.

Hầu hết phụ huynh đều đưa thí sinh đi thi sớm, trước giờ vào phòng thi ít nhất 30 phút. “Đi sớm như vậy cho chắc ăn, kẻo nhỡ có sự cố còn kịp thời xử lý, tránh tình trạng con bị muộn giờ thi”- bác Trần Thế Quang (Cầu Diễn, Hà Nội), có con trai thi ở điểm thi Tây Mỗ, nói.

Đưa con, em đến cổng trường và dặn dò những điều quen thuộc “bình tĩnh làm bài con nhé”, “Chúc em thi tốt nhé”, “cố gắng lên nhé” …và nhìn các em đi khuất vào khu vực thi, họ mới yên tâm phần nào.

Chờ con ngoài cổng trường dưới cái nắng gay gắt của mùa hè, nhiều phụ huynh nhấc nhổm, bồn chồn, đi đi, lại lại, hồi hộp không kém gì người trong cuộc.. Một số phụ huynh thì thào với nhau “chẳng biết con nhà tôi có làm được bài hay không”; “Học 12 năm trời mà thi không đỗ tốt nghiệp thì gay, sang năm cải cách rồi có thi cũng khó mà đỗ”.

Bác Vũ Thị Mỹ là công nhân giầy da Thuỵ Khuê có con học trường THPT Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội tâm sự: “Mình đi cùng để động viên thôi, nó là đứa con đầu đi thi nên cả nhà đều lo lắng cho nó từng ly, từng tý, từ bữa ăn đến giấc ngủ phải chu đáo. Nuôi con ăn học 12 năm trời chỉ mong đến mấy ngày này. Vì thời buổi này làm công nhân cũng phải có bằng cấp III”.

Không phải là những người đang thi nhưng xem ra các phụ huynh còn nóng lòng chờ kết quả thi hơn cả thí sinh. Họ mong thời gian nhanh hết không phải vì muốn về nhà sớm cho đỡ mệt mà để xem con em mình có làm được bài không. Họ cầu nguyện cho con làm bài tốt mà quên đi sự mệt mỏi của bản thân. Họ vui cùng con và buồn cũng cùng…con.

Dành tất cả cho con

Là người có hơn 20 năm công tác trong quân đội tại Hà Nội, mới đây Thiếu tá Lưu Quang Trung được điều đi Sơn Tây (Hà Tây) công tác. Mặc dù trường của con học ở cách nơi làm việc của mình khoảng 40 km, công việc bận rộn nhưng anh vẫn sắp xếp thời gian để đều đặn đưa, đón con hàng ngày trong suốt những ngày thi vừa qua.

Lưu Thị Thuỷ (Lớp 12A4 trường THPT Đại Mỗ) –cô con gái đầu của anh Trung tâm sự : “Bố em thường tranh thủ từ Hà Tây về đón em rồi lại đi làm. Nhà em ở gần trường ĐH mỏ địa chất, Từ Liêm, Hà Nội, cách chỗ em thi 10 km nhưng mẹ em cũng bận nên bố em đã phải bố trí thời gian hợp lý nhất. Các chú ở đơn vị gọi điện bảo bố em về đơn vị liên tục nên em cảm thấy thương bố lắm ”.

Anh Trung chia sẻ : “Nói chung đi lại nhiều cũng mệt nhưng tất cả vì con. Đưa con đi cho con nó yên tâm mà làm bài”.

Cũng như anh Trung, nhiều phụ huynh khác cũng rất bận việc ở cơ quan nhưng họ vẫn tranh thủ đưa con đi thi rồi mới về đi làm, hết giờ thi lại đến đón con, có người xin nghỉ làm 3 ngày liên tiếp. “Mình phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho con trong 3 ngày thi này”-một phụ huynh có con học ở trường Trí Đức nói.

Bên cạnh đó, có những gia đình kinh tế còn khó khăn nhưng vẫn dành cho con những gì tốt nhất có thể. Tại địa điểm thi trường THPTCS Tây Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội), bác Lưu Thị Lan (Đội 5, Nhân Mỹ, Mỹ Đình, Hà Nội) là người duy nhất đi đón con bằng xe đạp.

Mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt khắc khổ vì đạp xe vội, bác Lan tỏ ra ngậm ngùi “Nhà người ta đưa con đi thi toàn bằng xe máy còn nhà mình thì chỉ có xe đạp thôi. Nhà tôi mất sớm, chỉ còn lại tôi nuôi 3 đứa con, tôi lại không có nghề chỉ trông vào số tiền gửi tiết kiệm ít ỏi nên chi tiêu phải dè dặt. Hoàn cảnh có khó khăn, vất vả nhưng cũng phải cố gắng nuôi con cho nó bằng bạn, bằng bè”.

“Nhà tôi cách đây hơn 6km thôi nhưng không dám để nó đi xe đạp. Tôi phải thuê xe ôm cho con lúc đi, ngày 2 lần với giá 20.000 đồng /lần. Còn lúc đón thì mình chịu khó đạp xe”- bác Lan tâm sự.

Trải qua nhiều ngày liên tiếp với bao nỗi vất vả, lo lắng, đến thời điểm này, các phụ huynh đều có thể tạm thở phào nhẹ nhõm khi mà kỳ thi tốt nghiệp THPT đã kết thúc. Mặc dù, trước mắt họ vẫn còn phải lo lắng nhiều cho con cái nhưng được chia sẻ khó khăn, vui buồn cùng con cái là niềm vui, là hạnh phúc của những bậc làm cha, làm mẹ.

Theo Bích Huệ ( VnMedia)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm