Khi nào mới học gì thi nấy?

Thậm chí nhiều giáo viên còn cho rằng “thầy cô sẽ phải làm công tác tâm lý đối với học sinh”. Vì sao lại có chuyện lạ thường như vậy? Không lẽ thi hai môn sử, địa là chuyện bất thường?

Những phản ứng như trên của cả thầy và trò phần nào nói lên tình trạng dạy và học đối phó với thi cử. Thực tế, sau khi biết chính xác các môn thi, không ít trường sẽ ngưng dạy những môn không thi, thay vào đó, các môn thi tốt nghiệp sẽ được tăng tiết tối đa! Hiệu trưởng nhiều trường còn cho biết sẽ tăng tiết hai môn sử và địa từ một đến hai tiết/tuần lên 5-6 tiết/tuần ngay trong tuần này.

Trước đây, khi thực hiện thí điểm phân ban (1993-2000), học sinh đã học gì thi nấy. Khi đó ban A, B sẽ thi toán, lý, hóa, sinh, văn, ngoại ngữ; ban C, D thi văn, sử, địa, ngoại ngữ, triết học, toán. Khi đó học sinh biết mình mạnh, yếu ở điểm nào, phù hợp với ngành nghề nào theo đúng khối thi ĐH là A, B, C, D. Đến nay, phân ban đi theo một hướng khác thì phần lớn học sinh chỉ chọn ban cơ bản mà ngó lơ hai ban khoa học xã hội, khoa học tự nhiên. Vì sao không học gì thi nấy để rồi giáo viên và học sinh các trường THPT lại phải “đoán mò” môn thi tốt nghiệp?

Còn nhớ cuối tháng 4-2009, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo Xây dựng quy chế kỳ thi THPT quốc giađưa ra dự kiến từ năm 2010 sẽ thi tốt nghiệp THPT tám môn: văn, ngoại ngữ, toán, vật lý, hóa, sinh, sử, địa; những năm sau có thể thêm các môn khác như tin học, giáo dục công dân… Như vậy, học sinh sẽ học gì thi nấy và lấy kết quả đó xét tuyển vào ĐH, CĐ. Tuy nhiên, thời điểm tổ chức kỳ thi này vẫn chưa được quyết định bởi năm 2010 được cho là “chưa chín muồi” do xã hội vẫn chưa tin cậy kết quả của kỳ thi tốt nghiệp. Và đến nay, mọi chuyện vẫn không thay đổi.

Một khi việc dạy và học cứ phải đoán mò, cứ chạy theo thành tích, cứ dạy học đối phó thì không biết đến bao giờ học sinh thực sự thu nạp kiến thức thật và có những kỳ thi đúng nghĩa. Khi nào thì hết cảnh học sinh thờ ơ với những môn học tự cho là “vô dụng”?

QUỐC DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm