Kiến thức sinh viên cách xa thực tiễn

Ngày 16-6, tại TP.HCM, hơn 100 đại biểu gồm các nhà lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp (DN) và trường đại học (ĐH), cùng các nhà nghiên cứu và học giả đến từ Vương quốc Anh, Việt Nam và các nước ASEAN đã thảo luận những phương thức đổi mới để thúc đẩy hợp tác giữa trường ĐH và DN hiệu quả hơn trong cả việc tạo ra những cử nhân có trình độ lẫn thúc đẩy sáng tạo.

Đề cập đến quan hệ giữa ĐH và DN về đào tạo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đánh giá: “DN chưa tham gia nhiều vào quá trình đào tạo nhân lực nên kiến thức của sinh viên trong nhà trường thường cách xa thực tiễn”.

Theo ông Ga, trong nền kinh tế thị trường, DN cần tham gia vào quá trình đào tạo, đóng góp về trang thiết bị hoặc chuyên gia tham gia giảng dạy. Với DN Việt Nam, đây vẫn là điều mới mẻ; nhà trường đôi khi vẫn cần trả tiền cho DN để sinh viên thực tập thay vì DN trả tiền cho sinh viên như ở nước ngoài. Hy vọng quan niệm đó sẽ được thay đổi qua những đối thoại thế này”.

Giải thích về việc Việt Nam có 450 ĐH và cao đẳng nhưng tại sao ít bằng sáng chế và thành tựu khoa học, ông Ga nói thêm: “Muốn có những phát minh, sáng chế đăng ký quốc tế, chúng ta cần phải có nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản. Hiện nay đầu tư cho nghiên cứu khoa học cho các trường ĐH rất hạn chế. Trong những năm vừa qua, nhờ sự hỗ trợ của nhiều nguồn, chúng ta đã có nhiều đổi mới trong nghiên cứu nhưng vẫn chưa đủ để thực hiện những công trình nghiên cứu lớn”.

Các đại biểu dự hội nghị Đối thoại giáo dục toàn cầu diễn ra sáng 16-6. Ảnh: CTV

Đồng thời, ông Ga cũng cho hay hiện nay Bộ GD&ĐT đang đẩy mạnh công tác nghiên cứu trong các trường ĐH, xem đó là công tác bắt buộc với tất cả giảng viên. Chỉ có như vậy chúng ta mới hy vọng có thể có nhiều hơn các phát minh hay sáng chế bởi phần lớn các công trình sáng tạo trên thế giới đều xuất phát từ các trường ĐH”.

Tại hội thảo, đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Giles Lever đã chỉ ra trong một báo cáo mới đây của Ủy ban Kỹ năng, Việc làm và ĐH Vương quốc Anh, nước Anh hiện đang đối mặt với một thách thức lớn về kỹ năng. Vào năm 2022, hai triệu việc làm mới sẽ đòi hỏi những kỹ năng nâng cao. Bên cạnh đó, các DN Anh cũng nói rằng có nhiều kỹ năng và bằng cấp nhân viên của họ hoàn toàn không được sử dụng.

Tại Việt Nam, 6,3% những người trong độ tuổi 15-25 đang thất nghiệp. Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra rằng một trong năm người thất nghiệp ở Việt Nam có bằng ĐH hoặc thạc sĩ trong khi 62% các DN được khảo sát nói rằng họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng. Thách thức này cần cách tiếp cận mới, sáng tạo hơn và hiệu quả hơn để đẩy mạnh hợp tác giữa ĐH và DN, hướng tới việc xây dựng một lực lượng lao động có năng lực và kỹ năng. Hội nghị sẽ diễn ra đến hết hôm nay (17-6).

Với chủ đề “Đổi mới sáng tạo hay kỹ năng nghề nghiệp: Hợp tác trường ĐH và DN hướng tới kinh tế phát triển bền vững”, hội nghị Đối thoại giáo dục toàn cầu diễn ra trong hai ngày 16 và 17-6 tại TP.HCM. Gần 130 đại biểu gồm các nhà lãnh đạo chính phủ, DN và trường ĐH, cùng các nhà nghiên cứu và học giả đến từ Vương quốc Anh, Việt Nam và các nước ASEAN đã tham dự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm