Mầm non quốc tế: Những đứa trẻ không rành "tiếng mẹ"

Với mong muốn con mình sớm trở thành một “công dân toàn cầu,” nhiều phụ huynh đã cho con em đi học trường song ngữ hay trường quốc tế ngay từ nhỏ với quan niệm sẽ là bước đệm học ngoại ngữ tốt hơn.

Khi trẻ không biết nói tiếng Việt

Theo báo cáo, toàn thành phố có 36 trường mầm non có yếu tố nước ngoài; trong đó có những trường do Ủy ban Nhân dân thành phố cấp phép, cũng có những trường do Bộ Bộ Giáo dục-Đào tạo và các bộ, ngành khác cấp phép. Thậm chí có cả những trường do Ủy ban Nhân dân quận, huyện cấp phép.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Bộ Giáo dục-Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết có trường hợp một học sinh năm tuổi khi tham gia khảo sát trình độ tiếng Anh của Đại học Cambrige đã đạt đến trình độ PET (tương đương trình độ B). Thế nhưng khi bảo em viết tên mình, em lại không viết được vì ngay từ nhỏ em đã được cho học trường quốc tế, chỉ giao tiếp bằng tiếng Anh. Do đó, tên của em bằng tiếng Việt phải nhờ người lớn viết giùm.

Với 36 trường mầm non có yếu tố quốc tế, trong đó có những trường do Ủy ban Nhân dân thành phố, Bộ Giáo dục-Đào tạo và các bộ, ngành khác cấp phép; thậm chí có trường do các quận, huyện cấp phép đã làm đa dạng các trường mầm non trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đáp ứng phần nào nhu cầu của một bộ phận người dân có điều kiện kinh tế khá giả mà ngành giáo dục-đào tạo thành phố chưa đáp ứng hết.

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Liên Hoan, Phó trưởng phòng Giáo dục Mầm non Thành phố Hồ Chí Minh, do các trường mầm non nước ngoài chỉ trú trọng dạy ngoại ngữ mà không dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh Việt Nam đã làm một bộ phận trẻ rành tiếng nước ngoài hơn nói tiếng Việt.

Tại Trường mầm non, tiểu học quốc tế Anglophone, số trẻ quốc tịch Việt Nam so với số trẻ có quốc tịch nước ngoài chiếm tỷ lệ 50/50; trong khi chương trình học ở đây hoàn toàn là chương trình bằng tiếng Anh.

Còn tại Trường mầm non, tiểu học quốc tế Fosco, theo hiệu trưởng La Ánh Mai, trường này dạy hoàn toàn theo chương trình nước ngoài. Chỉ đến dịp Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi... nhà trường mới tổ chức để các em hiểu về lễ hội Việt Nam. Văn hóa ứng xử, mối quan hệ ông bà, cha mẹ... của người Việt được dạy theo chuyên đề.

Bà Nguyễn Thị Kim Nhung, Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Banh và Bi (dạy chương trình tiếng Pháp) cho biết trong thực tế, nhiều phụ huynh dù mong muốn con giỏi ngoại ngữ nhưng vẫn muốn con rành tiếng mẹ đẻ. Vì vậy, có phụ huynh mỗi ngày vẫn đưa con qua trường Việt Nam để học từ một đến hai tiết Tiếng Việt.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, ở các nước trên thế giới (trừ một số nước lấy tiếng Anh làm tiếng bản xứ) họ đều buộc trẻ em nước họ phải được học tiếng bản xứ trước hoặc song song với ngôn ngữ khác.

“Vì vậy, các trường nên dạy thêm chương trình tiếng Việt cho các cháu là người Việt, không nên dạy hoàn toàn bằng ngôn ngữ nước ngoài. Trường nào chỉ được phép nhận học sinh Việt Nam, dạy chương trình Việt Nam mà đưa chương trình nước ngoài vào dạy, không được Bộ Giáo dục-Đào tạo cho phép thì Sở sẽ kiểm tra và xử phạt. Trong đó, biện pháp cuối cùng sẽ là đình chỉ hoạt động,” ông Đạt nhấn mạnh.

Chất lượng chưa xứng tầm quốc tế

Một thực tế khác khiến nhiều người không khỏi giật mình là chất lượng của các trường mầm non nước ngoài vẫn chưa đạt chuẩn. Cụ thể, cơ sở vật chất không rộng thoáng, đội ngũ giáo viên thiếu nghiệp vụ sư phạm, học phí cao nhưng chương trình học bình thường, chưa thể gọi là trường quốc tế.

Đại diện Trường mầm non nước ngoài Việt Thanh thừa nhận rằng vì trường sử dụng chương trình nước ngoài nên phải tuyển giáo viên nước ngoài. Những giáo viên này chỉ có một số bằng cấp về ngoại ngữ, được cấp phép lao động ở Việt Nam nhưng thiếu phương pháp sư phạm mầm non.

Theo Sở Bộ Giáo dục-Đào tạo Thành phố Hồ chí Minh, qua kiểm tra các trường mầm non nước ngoài trên địa bàn thành phố, các trường do các quận, huyện cấp phép đều đang sử dụng các giáo viên nước ngoài nhưng không có nghiệp vụ sư phạm mầm non.

“Tệ hơn có trường còn sử dụng giáo viên người Philippines dạy tiếng Anh cho trẻ, điều này có thể ảnh hưởng đến phát âm tiếng Anh cho trẻ. Nếu trẻ phát âm sai từ nhỏ thì lớn lên rất khó sửa,” ông Đạt lo lắng.

Bà Hoàng Thị Anh Minh, Trường Mầm non tư thục Montessori thừa nhận rằng nhu cầu mở trường quốc tế hiện nay rất đông, tuy nhiên hiện chúng tôi rất khó khăn trong việc tuyển và giữ chân giáo viên.

Theo các trường, nguyên nhân là do xin giấy phép lao động cho giáo viên mầm non người nước ngoài hầu như không thể xin được vì theo quy định của Sở Lao động, Thương binh-Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, giáo viên người nước ngoài dạy học tại Việt Nam được cấp phép phải có bằng đại học. Trong khi đó, có cô có bằng trung cấp sư phạm mầm non hoặc chứng chỉ Montessori (chứng chỉ quốc tế về mầm non được công nhận trên thế giới) nhưng vẫn không xin được giấy phép.

Bà Nguyễn Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Bộ Giáo dục-Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Sở sẽ tham mưu và kiến nghị với Sở Lao động, Thương binh-Xã hội cấp phép lao động cho những giáo viên người nước ngoài có trình độ trung cấp sư phạm hoặc chứng chỉ Montessori vì đây là chứng chỉ mầm non đã được công nhận trên thế giới mà không cần bằng đại học.

Trên thực tế, các trường công lập có giáo viên bằng cao đẳng, trung cấp sư phạm mầm non là đã đạt chuẩn.

Sở Giáo dục-Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi các trường mầm non quốc tế, trường mầm non dạy chương trình nước ngoài.

Theo văn bản, Sở yêu cầu các trường phải báo cáo hoạt động giáo dục trong trường như số lượng giáo viên (nếu là giáo viên nước ngoài phải ghi rõ quốc tịch, đã được cấp giấy phép lao động chưa); số học sinh Việt Nam; học phí.

Về cơ sở vật chất phải ghi rõ diện tích phòng học, diện tích sân chơi, phòng chức năng. Đặc biệt, đối với chương trình giảng dạy phải báo cáo tên chương trình, tên cơ quan kiểm định chương trình (nếu có), giấy phép sử dụng chương trình...

“Sở Bộ Giáo dục-Đào tạo phải được biết về chương trình của các trường nước ngoài để thẩm định xem nội dung có vi phạm các quy định của Việt Nam không,” bà Lê Thị Liên Hoan, Phó trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố nhấn mạnh.

Theo Hải Yên (Báo Tin tức/Vietnam+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm