Mỏi mòn chờ hỗ trợ học phí

Năm học 2010-2011 đã kết thúc nhưng nhiều sinh viên (SV) thuộc diện khó khăn ở các trường ĐH-CĐ-TCCN và TC nghề vẫn chưa được hưởng chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định.

Điệp khúc “chờ”

Nộp hồ sơ miễn, giảm học phí lên Phòng LĐ-TB&XH huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) từ tháng 5-2011 nhưng đến nay, Hồng Thơm, SV năm 4 Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, vẫn chưa được giải quyết. Thơm cho biết lý do địa phương đưa ra để giải thích là chưa nhận được chỉ thị, hướng dẫn từ Bộ. “Em đã đóng đầy đủ học phí cả hai học kỳ là 3,2 triệu đồng. Ở huyện nói khi nào giải quyết xong sẽ đưa tiền về xã, SV cứ lên xã mà lấy. Nhưng với tình hình này thì có lẽ đến lúc xét tốt nghiệp (tháng 8-2011) vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ” - Thơm nói.

Tương tự, Trần Thị Bé Vững, SV ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cũng bị gặp khó. Tháng 10-2010, sau khi Vững đã nộp học phí 1,7 triệu đồng, gia đình em đã làm hồ sơ hỗ trợ học phí gửi Phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Đại (Bến Tre) và cơ quan này trả lại hồ sơ với lý do “chưa có công văn từ trên”. Đến học kỳ 2, sau khi đóng học phí 2 triệu đồng cho trường, Vững gộp cả hai biên lai học kỳ 1 và 2 gửi về địa phương để nhận tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, gia đình Vững vẫn chỉ nhận được câu trả lời là “chờ”.

Nộp học phí cả năm học là 2,1 triệu đồng, Nguyễn Hoài Nam (huyện Cư M.Gar, Đắk Lắk), SV khoa Tài chính-Ngân hàng, Trường CĐ Tài chính Hải quan TP.HCM, cũng nộp hồ sơ xin hỗ trợ học phí về địa phương vào tháng 6-2011. Tuy nhiên, Nam và gia đình vẫn chỉ biết chờ vì địa phương “phải giải quyết trường hợp các hộ nghèo xong mới đến các đối tượng ưu tiên ở vùng cao, vùng khó khăn”.

Mỏi mòn chờ hỗ trợ học phí ảnh 1

Em Vững đang làm thêm tại một siêu thị ở quận 10, TP.HCM. “Mỗi tháng nếu làm đủ giờ, tiền lương của em khoảng 2 triệu đồng. Nhưng em thường đi làm sớm khoảng 30 phút. Cuối tháng nếu dư giờ, được tính thêm 10.000 đồng/giờ” - Vững cho biết.

Đẩy cái khó cho SV

Được biết Nghị định Quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 (gọi tắt là Nghị định 49) có hiệu lực từ 1-7-2010. Tuy nhiên, phải chờ đến sáu tháng sau, tức ngày 1-1-2011, thông tư liên tịch hướng dẫn nghị định trên (gọi tắt là Thông tư 29) mới có hiệu lực khiến không chỉ SV mà chính các trường cũng gặp khó khăn.

Trước đây, chỉ cần SV nộp hồ sơ đầy đủ cho trường sẽ được miễn, giảm học phí trực tiếp. Theo quy định mới, SV phải nộp học phí cho trường trước, sau đó mới làm hồ sơ để nhận tiền miễn, giảm tại Phòng LĐ-TB&XH địa phương. Quy trình này đã vô tình nhường cái khó lại cho SV, không hỗ trợ giải quyết được khó khăn trước mắt của người học.

Khi biết thông báo thu học phí của nhà trường, Thơm đã phải chạy vạy vay mượn bạn bè gần 2 triệu đồng để đóng. Còn gia đình Vững cũng đã phải đi vay nóng của hàng xóm, định sau khi nhận lại tiền hỗ trợ sẽ trả lại. Nhưng chờ mãi vẫn không được giải quyết, cha Vững phải tiếp tục đi vay một chỗ khác để trả nợ.

Tình trạng này khiến hầu hết các SV đều bức xúc. “SV khó khăn cần được hỗ trợ ngay từ đầu chứ để SV phải đi vay tiền để đóng rồi nhận lại như mình thì việc hỗ trợ đâu còn ý nghĩa. Chưa kể quy trình nhận lại tiền chậm chạp cũng gây phiền phức và rắc rối. Thật khó chấp nhận chuyện một bên (nhà trường) giữ tiền, còn một bên (địa phương) lại không chi trả như vậy” - Thơm nói.

Sẽ đề xuất sửa Thông tư 29 trong quý II

Điểm tích cực của Thông tư 29 là hướng dẫn chuyển trực tiếp tiền cho người học. Mặt khác, chuyển tiền hỗ trợ về Phòng LĐ-TB&XH cũng giúp địa phương thuận lợi hơn về mặt quản lý nhà nước (nắm được là địa phương có bao nhiêu đối tượng chính sách). Tuy nhiên, thực tế nảy sinh vấn đề học sinh cứ đi học là phải đóng tiền trước cho trường. Nhiều em diện khó khăn đã phải vay mượn để đóng học phí rồi mới nhận được hỗ trợ từ ngân sách.

Trong chương trình xây dựng văn bản pháp luật sáu tháng cuối năm, chúng tôi sẽ đề nghị sửa đổi, bổ sung Thông tư 29 theo hướng: Trường xác nhận cho người học thuộc đối tượng được miễn, giảm; người học nộp xác nhận này cho Phòng LĐ-TB&XH địa phương để nhận tiền hỗ trợ rồi nộp học phí cho trường. Các trường có quyền đình chỉ học hoặc không cấp bằng cho những SV nợ học phí, do vậy người làm chính sách không phải lo SV sẽ không đóng học phí cho trường.

Ông ĐÀO MẠNH THỦY, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh-SV, Tổng cục Dạy nghề

B.PHƯỢNG ghi

Phải giải quyết trong vòng 15 ngày

Theo Thông tư 29, chậm nhất trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Phòng LĐ-TB&XH có trách nhiệm thanh toán, chi trả tiền cấp bù học phí miễn, giảm cho gia đình người học. Nếu hồ sơ không hợp lệ, Phòng LĐ-TB&XH phải thông báo cho gia đình người học biết trong vòng bảy ngày sau khi nhận.

KHẮC HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm