Mối nguy từ sự vô cảm

Trong clip, bốn nữ sinh thay phiên nhau đánh một nữ sinh khác tới tấp và liên tục chửi thề. Dù nạn nhân đã ngã quỵ xuống đất nhưng nhóm này vẫn dùng chân giẫm, đạp lên người bạn học nhiều lần. Đáng nói, các em chỉ mới học lớp 7.

Trước đó, clip bạo lực cũng của HS lớp 7 đánh bạn dã man bằng ghế tại Trà Vinh cũng đã khiến không ít người phẫn nộ. Mặc dù ngành giáo dục những địa phương này đã có những biện pháp xử lý kịp thời với những cá nhân liên quan, thế nhưng dư âm của nó sẽ còn để lại nhiều suy ngẫm cho các bậc cha mẹ và những người làm công tác giáo dục.

Bạo lực học đường không phải là vấn đề mới nhưng đang ngày càng trở nên  nhức nhối trong ngành giáo dục. Nhiều người tự hỏi điều gì đang xảy ra đối với giới trẻ? Sau những vụ việc, đáng báo động nhất là sự vô cảm của một bộ phận HS. Điều này từng được xã hội lên án trong các vụ tại nạn giao thông. Nhiều người đã làm ngơ để mặc người bị nạn cũng được coi như đồng lõa với cái ác. Phải chăng căn bệnh vô cảm đó của xã hội đang dần xâm nhập vào cơ thể học đường?

Không chỉ những “đòn tra tấn” vô hồn, hình ảnh chửi bới, đấm đá… mà ngay cả việc ghi hình cảnh đánh hội đồng bạn rồi tung lên mạng như một thú vui cũng đã thể hiện rõ mức độ của bệnh. Xung quanh đó còn là sự theo dõi một cách thờ ơ của hàng chục áo trắng vây quanh. Thậm chí có nhiều vụ cướp đi sinh mạng của bạn chỉ vì những lý do được cho là lãng xẹt. Những hình ảnh vô cảm đến độ khi xem nhiều người phải thốt lên “HS hiện nay đang quá thiếu sự thấu cảm (đặt mình vào người khác)”.

Một chuyên gia giáo dục cũng thẳng thắn: “Không nói đến những em đang trực tiếp đánh nhau, nhìn các em đứng vây quanh, cổ vũ, quay clip hay đơn thuần chỉ là đứng xem kia mới thấy đau lòng. Chúng ta dạy cho các em rất nhiều kiến thức mà không hình thành được cho các em lòng yêu thương, vị tha và sự thấu cảm thì giáo dục là vô nghĩa. Không thể nào HS trong trường khá giỏi tràn lan nhưng khi ra khỏi trường lại chửi thề, đấm đá hay bàng quan với tội ác như thế được!”.

Đã đến lúc phải xem lại cách đo lường chất lượng giáo dục, sản phẩm từ giáo dục rồi mới nói đến những giải pháp cụ thể để loại trừ bạo lực học đường. Tất nhiên, không phải loại trừ HS bạo lực ra như một số trường đã làm mà phải làm sao loại trừ ý thức bạo lực và vô cảm trong các em. Nếu không sự vô cảm trong HS không chỉ là nỗi lo trong học đường mà nó sẽ sớm trở thành mối nguy cho cả xã hội.

Thêm một nữ sinh bị đánh, phải chuyển trường

Sau khi clip bốn nữ sinh đánh hội đồng nữ sinh Nguyễn Thị Hoàng H. dã man được báo chí phản ánh, chị Nguyễn Thị Chinh, phụ huynh em TTTN (học sinh lớp 7/4 Trường THCS Trần Phú, Thừa Thiên-Huế), cho biết con gái chị cũng từng bị nhóm bốn nữ sinh nói trên đánh đập dã man.

Theo thông tin từ chị Chinh, con gái chị bị nhóm bốn nữ sinh đánh hội đồng ngay sau khi sự việc nhóm này đánh em Nguyễn Thị Hoàng H. (học sinh lớp 7/1) hai ngày. Nguyên nhân được em N. kể với chị là do can ngăn nhóm nữ sinh đánh em H.

Chị Chinh đã đưa con đi khám sức khỏe và được bác sĩ kết luận tổn thương vùng đầu, máu chảy lỗ tai. Chị Chinh cũng đã phản ánh sự việc lên lãnh đạo Trường THCS Trần Phú, đồng thời xin rút học bạ chuyển con ra Quảng Bình học vì lo sợ con mình tiếp tục bị đánh.

Ngày 13-1, ông Trần Hữu Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú, thừa nhận sự việc trên.

Trước đó, vào ngày 28-12, tại Trường THCS Trần Phú, TP Huế, bốn nữ sinh lớp 7 của trường đã đánh hội đồng nữ sinh H. rất dã man.

Ngay sau đó, đoạn clip quay lại cảnh này đã truyền tải trên mạng xã hội Facebook khiến nhiều người phẫn nộ.

VẠN AN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm