Món quà không chỉ trong ngày Nhà giáo

Nó cũng là khoản thu nhập nho nhỏ cho những sinh viên, học sinh tranh thủ ngày Nhà giáo để kiếm tiền trang trải bao nhiêu chi phí khác.

Chuyện đời bao giờ cũng có tính hai mặt, món quà bày tỏ lòng tri ân trong ngày Nhà giáo cũng vậy. Ngay trong giai thoại con thuồng luồng nghe lời thầy Chu Văn An làm mưa cứu dân rồi phải chịu chết vì phạm luật trời cũng có mặt tôn vinh cái nghĩa thầy trò nhưng cũng có mặt bất nhẫn vì sự hy sinh nghiệt ngã. Không phải thầy ác, nguyên nhân thuộc về khách quan, nắng hạn, nói cách nào đó là luật trời.

Những món quà thời nay, nếu đẹp đẽ, trong sáng về tinh thần, nâng cao phẩm giá thì lại không thể giúp người thầy vượt qua khó khăn thường nhật của đồng lương còm cõi. Ngược lại, bao thư nặng tính thực dụng, vật chất lại phần nào có ích cho người thầy. Làm thế nào để người thầy tốt, trò tốt thoát ra khỏi mâu thuẫn khó xử đó? Cũng là chuyện khách quan, là cơ chế, chính sách tiền lương. Người ta vẫn còn nhớ và vẫn chờ đợi lời hứa của nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân “Hy vọng năm mới, giáo viên sẽ sống được bằng đồng lương”. Năm mới đó sắp hết nhưng ước mơ ấy vẫn chưa có dấu hiệu thành sự thật. Đành phải chờ năm khác vậy.

Nâng lương giáo viên đòi hỏi phải có tiền, đòi hỏi sự đồng thuận của các ngành có liên quan, khả năng của ngân sách…, người thầy, xã hội có thể thông cảm chờ. Nhưng có những chuyện thuộc thẩm quyền của Bộ vẫn đang là gánh nặng đè lên trên cuộc sống, công việc người thầy hoàn toàn có thể tháo gỡ được. Đó là căn bệnh hình thức trong quản lý, thi đua khen thưởng. Đó là chương trình học quá tải làm thầy và trò vật vã đánh vật chí chết với thời gian. Tháo gỡ những trói buộc ấy để người thầy có không gian thoáng đãng, tự do với phấn trắng, bảng đen thực hiện thiên chức kỹ sư tâm hồn một cách thong dong, đó không chỉ là món quà lớn cho người thầy mà cho cả xã hội. Đó là món quà mà người thầy có thể thụ hưởng cả đời chứ không chỉ trong ngày Nhà giáo.

ANH THƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm