Muốn ‘cắt’ dạy thêm phải đổi cách đánh giá học sinh

Mới đây tại cuộc họp với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng khẳng định nhất quyết trong năm nay phải dứt khoát bỏ dạy thêm, học thêm. Mổ xẻ về những vấn đề sâu xa trong dạy thêm, cô Tô Thụy Diễm Quyên, cựu giáo viên Trường THCS Đức Trí (quận 1, TP.HCM), từng là một trong 250 người được Microsoft chọn là chuyên gia cố vấn giáo dục toàn cầu, cho rằng: “Đánh giá học sinh (HS) theo thang giỏi, đánh giá qua điểm, qua bài thi... là nguyên nhân của nạn dạy thêm, học thêm. Muốn chấm dứt dạy thêm, học thêm, phải thay đổi từ gốc rễ là cách đánh giá HS”.

Thay đổi quan điểm về “học sinh”

. Phóng viên:Thưa cô, khi đặt vấn đề cấm dạy thêm, học thêm, nhiều ý kiến cho rằng chương trình học rất nhiều, rất nặng, không học thêm thì HS sẽ không theo kịp. Quan điểm của cô như thế nào?

+ Cô Tô Thụy Diễm Quyên: Tôi cho rằng vấn đề không chỉ nằm ở chương trình học. Tệ nạn của dạy thêm, học thêm nằm ở ba vấn đề: tiền lương, chương trình cách đánh giá HS.

Muốn thay đổi việc dạy thêm, học thêm thì phải thay đổi từ gốc rễ. Chúng ta sẽ bàn về “chiếc rễ” thứ ba trước bởi nó nguy hiểm nhất. Đó là cách đánh giá giáo viên, HS hiện nay. Nếu thay đổi được điều này thì nhu cầu học thêm sẽ tự giảm đáng kể (chỉ giảm vế học, vế dạy chưa giảm).

. Thay đổi cách đánh giá như thế nào thì HS sẽ không còn phải học thêm, thưa cô?

+ Hiện nay, HS giỏi phải đạt các môn đều trên 8,0. Trong đó học sinh chỉ được phép có một trong hai môn toán hoặc văn trên 6,5. Điều này dẫn đến việc các em phải cố lấy điểm cao cho tất cả môn. Chính cách đánh giá HS kiểu này đã phạm phải triết lý giáo dục Einstein đã từng nói: “Nếu bạn bắt một con cá leo cây thì suốt đời nó sẽ nghĩ rằng nó là kẻ ngu dốt”.

Có những em không thể giỏi toán hay hóa nhưng các em lại rất xuất sắc môn văn hay tiếng Anh. Thế nhưng chỉ cần bị 6,4 một môn học nào đó là HS ấy mất danh hiệu. Đầu vào là những HS với năng lực khác nhau nhưng giáo dục và đánh giá đầu ra cùng một cách với yêu cầu sản phẩm giống hệt nhau, không chấp nhận sự khác biệt về năng lực và phủ nhận rằng trẻ có thể có những cách thông minh khác nhau mà thuyết đa trí tuệ đã chỉ ra. Cách đánh giá này phải thay đổi để có thể phát huy tốt nhất năng lực HS, đồng thời chấp nhận sự khác biệt của các em.

Tôi có ba con và không hề lo lắng về điểm số nên đã không cho các con đi học thêm mặc dù các con tôi chỉ đạt HS tiên tiến. Thậm chí con trai lớn nhất của tôi từ nhỏ từng bị giáo viên xem là “tự kỷ”. Cháu học chỉ xếp trung bình trong suốt những năm phổ thông nhưng tôi tin con mình thông minh theo cách riêng của cháu. Và tôi đã đúng vì bây giờ khi được học đúng ngành nghề phù hợp cháu đã phát huy năng lực cực tốt và thành công.

Con gái tôi thường bị làm kiểm điểm vì môn hóa điểm quá thấp trong khi tôi là giáo viên hóa và có nhiều HS giỏi cấp thành phố. Tôi không hề lo lắng về việc này bởi nếu tôi mắng nhiếc cháu thì chính là tôi lo cho sĩ diện của mình nhiều hơn là lo cho tương lai con mình. Lý do con tôi điểm kém chỉ có thể bởi cháu là con cá và cá thì không thể leo cây. Hoặc lý do khách quan là bởi giáo viên dạy cháu chưa tạo được hứng thú của môn học mà điều này quyết định 90% hiệu quả việc học tập của HS. Tôi chủ trương để các con tự học, tự thất bại và tự đề xuất cha mẹ giúp đỡ. Do đó tôi không hề ép con học. Môn nào con tôi tự học sẽ có điểm cao rõ rệt. Tôi không đặt mục tiêu cho con mình là phải đạt bất kỳ danh hiệu nào. Tôi chỉ đưa các con đi học bóng rổ, bóng bàn, cờ vua, vẽ... và dạy con nấu ăn, sắp xếp nhà cửa, tự lên kế hoạch. Với quan điểm dạy con thành Nhân quan trọng hơn thành Tàinên tôi rất yên tâm về nhân phẩm các con mình. Chúng còn cả đời để học kiến thức.

Muốn thay đổi việc dạy thêm, học thêm thì phải thay đổi từ gốc rễ. Ảnh minh họa: HTD

Không cần điểm cao mà cần phát triển được cách tư duy

. Thưa cô, nếu không đánh giá bằng danh hiệu, bằng điểm thì đánh giá bằng gì ạ?

+ Người ta nói rằng: “Nếu bạn được làm điều bạn thích thì suốt đời bạn sẽ không cảm thấy đó là lao động”. Giáo dục đang bắt đầu có định hướng đánh giá năng lực HS và trong thời kỳ “quá độ” này mọi người phải bình tĩnh chờ đợi các chuyên gia đưa ra các tiêu chí đánh giá phù hợp với khung năng lực thế kỷ 21. Về phía phụ huynh phải bình tĩnh và thay đổi quan điểm về “HS giỏi”. Phụ huynh nào cũng muốn con mình giỏi và thành đạt nhưng nếu năng lực trẻ có giới hạn thì chúng ta phải nhìn nhận điều ấy và chọn cho con hướng đi phù hợp nhất để tránh gây áp lực cho trẻ, đồng thời áp lực cho chính chúng ta.

Quay lại với vấn đề định hướng học tập, ở các nước khi HS học xong lớp 9 và rẽ sang học nghề thì điều ấy hoàn toàn bình thường. Trong lúc học nghề và đi làm các em vẫn tiếp tục học tiếp. Cha mẹ các em không ngại việc con mình không vào được đại học. Lương của người học trung cấp hay đại học chẳng chênh lệch bao nhiêu. Hiện nay ở Việt Nam cũng không có sự chênh lệch về học hàm học vị, không hiểu phụ huynh có biết điều này không.

. Cô nói vấn đề chính không ở chương trình. Vậy thì vì sao nhiều phụ huynh nói rằng con họ nhờ học thêm mới theo nổi chương trình, thưa cô?

+ Đó là do cách giảng dạy, cách đánh giá giáo viên mà ra.

Bộ Giáo dục cho phép giáo viên thống nhất nội dung chương trình, chọn lọc nội dung thành các chủ đề nhằm giúp việc triển khai kiến thức có hệ thống và giảm bớt gánh nặng chương trình. Tuy nhiên, vì lý do nào đó (giáo viên máy móc trong việc sử dụng sách giáo khoa, người đánh giá giáo viên không cho phép sáng tạo, nhà trường không ủng hộ...) mà hiện nay giáo viên vẫn luôn cho rằng chương trình quá nặng và không đủ thời gian chuyển tải. Do đó cần dạy thêm để đảm bảo chương trình.

Ngoài ra cách ra đề không khai thác tư duy tổng hợp và sáng tạo của HS, chỉ đánh đố hoặc chọn những chi tiết nhỏ trong chương trình để kiểm tra khiến giáo dục đang đi theo hướng “thi gì học nấy” rất bất cập. Nếu không có thời gian luyện thi thì HS không thể làm nổi bài thi.

Mới đây đề thi vào lớp 10 của TP.HCM rất hay đã được các thầy cô giáo lẫn HS ủng hộ. Tôi tin việc thay đổi cách ra đề, cách đánh giá đang dần làm giảm áp lực của việc học tập, đồng thời khai thác được sự sáng tạo của HS.

. Xin cám ơn cô.

Dạy cho học sinh đối phó với các cuộc thi chứ không dạy tư duy

Khi HS đi học thêm với chính thầy cô của mình thường các em sẽ được học tủ. Do đó điểm số này không đánh giá đúng năng lực HS.

Nhiều nơi đề thi mang tính đánh đố nhau là chính, chưa thực sự khơi gợi được tư duy, tính sáng tạo và khả năng tổng hợp kiến thức của HS dẫn đến việc giáo viên phải dạy cho HS của mình đối phó với các cuộc thi, vượt qua các đề thi, dạy mẹo, dạy kỹ thuật làm bài chứ không dạy tư duy.

Các kỳ thi HS giỏi hiện nay được giáo viên gọi là “luyện gà”: Muốn giải được đề thi học sinh giỏi của cấp II giáo viên phải lấy bài cấp III xuống dạy cho các em. Dạy kiểu đó cả giáo viên và HS đều rất đuối. Tất cả kỳ thi HS giỏi đều chỉ làm bài viết, kể cả những môn khoa học thực nghiệm. Điều này dẫn đến HS chỉ giỏi lý thuyết và kém thực hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm