Năm học mới: Giảm học gắn với giảm thi

Ngày 31-8, Bộ GD&ĐT đã tổ chức họp báo chuyên đề về khai giảng năm học mới 2011-2012. Hàng loạt vấn đề nóng trước thềm năm học mới đã được đề cập: đổi mới chương trình, tình trạng lạm thu ở các trường phổ thông và những bất cập của tuyển sinh ĐH, CĐ.

Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, ngày 3-9, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành văn bản chính thức hướng dẫn thực hiện việc giảm tải chương trình học của các lớp thuộc bậc học phổ thông. Ông Chuẩn khẳng định hướng dẫn này theo hướng đơn giản, rõ ràng, dễ triển khai thực hiện. Bộ sẽ gửi email hướng dẫn tới các sở GD&ĐT, sở gửi xuống các trường và in thành từng bản, phát cho giáo viên. Trước thắc mắc cho rằng việc thực hiện giảm tải chương trình liệu có gắn với việc điều chỉnh, giảm áp lực các kỳ thi hay không, ông Chuẩn cho rằng những bài học đã được chuyển sang đọc thêm hoặc không dạy thì chắc chắn sẽ không nằm trong đề thi.

Năm học mới: Giảm học gắn với giảm thi ảnh 1

Giảm tải chương trình học của các lớp thuộc bậc học phổ thông là một trong những chương trình được thực hiện trong năm học mới. Ảnh: HTD

Về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết Bộ sẽ vẫn tiến hành nghiên cứu xây dựng đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015”. Tuy nhiên, ông Hiển thừa nhận đề án này chỉ được hoàn thiện và công bố sau khi Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo giai đoạn 2011-2020.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc một số trường ĐH, CĐ lợi dụng quy định cho phép “đào tạo theo địa chỉ sử dụng” để trục lợi từ những thí sinh điểm thấp, ông Ngô Kim Khôi, Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH, cho biết: “Chỉ các tỉnh, TP ở khu vực vùng cao, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn mới được liên kết với các trường để đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Các địa phương phải có văn bản hợp đồng với các cơ sở đào tạo; địa phương phải cam kết hỗ trợ kinh phí cho người học; hỗ trợ tiếp nhận, bố trí công tác cho sinh viên sau khi tốt nghiệp”.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, đã có 25 trường ĐH, CĐ được Bộ GD&ĐT duyệt cho phép đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Về hệ “đào tạo ngoài ngân sách”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định năm nay Bộ không cho phép bất cứ trường nào đào tạo hệ ngoài ngân sách, các trường chỉ được phép tuyển thí sinh, điểm từ cao đến thấp sao cho đủ chỉ tiêu đã được giao với một mức điểm chuẩn. Thứ trưởng khẳng định chỉ có một hệ đào tạo nên sẽ không có chuyện điểm chuẩn hệ ngoài ngân sách thấp hơn điểm chuẩn hệ trong ngân sách.

8 điểm đỗ ĐH: Ưu tiên tối đa vùng sâu, vùng xa

Mặc dù có những thí sinh chỉ 8 điểm đã đỗ ĐH nhưng đây là những trường hợp đặc biệt. Chỉ các trường ĐH ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa như ĐH Tây Bắc, ĐH Tây Nguyên... mới được áp dụng khoản 1 Điều 33 Quy chế tuyển sinh. Như thế, chênh lệch điểm chuẩn giữa khu vực I và khu vực III là 5 điểm. Nếu trường lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn thì các em là người dân tộc thiểu số sẽ chỉ cần 8 điểm là đỗ khối A, B. Đây là chính sách ưu tiên tối đa dành cho các em ở miền cao, vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông NGÔ KIM KHÔI, Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH

Không sử dụng quỹ phụ huynh để thưởng cho giáo viên

Bộ GD&ĐT vừa có Công văn số 5584 gửi UBND các tỉnh, TP về việc tiếp tục chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục. Trong công văn này, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: Không sử dụng kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh để hỗ trợ các hoạt động dạy học và giáo dục, khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Việc chi tiêu quỹ này phải được lập kế hoạch và được thông qua trong cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm học và công khai kết quả sử dụng tại cuộc họp cuối học kỳ, cuối năm học.

BẢO PHƯỢNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm