Ngôi trường cổ nhất miền Tây đang được… hiện đại hóa

Gian nhà cổ, nơi làm việc của hiệu trưởng người Pháp, hiện Ban Giám hiệu trường THPT Nguyễn Đình Chiểu đang sử dụng để làm việc tạm thời. Tới đây khi khu hành chính hoàn thành, gian nhà này sẽ chỉ được lưu giữ với mục đích bảo tồn.

Nhiều thế hệ học sinh xem trường như ngôi nhà thứ 2

Collège de My Tho, được Pháp xây dựng vào năm 1879. Đây là ngôi trường cổ nhất ở ĐBSCL, đồng thời nằm trong tốp những ngôi trường cổ của Việt Nam.
Ngôi trường tọa lạc trên thửa đất rộng hơn 2 ha. Buổi ban sơ, trường chỉ được xây dựng một dãy trệt với 8 phòng học và cổng trường lần đầu tiên hướng ra đường Lê Lợi (phường 1, TP.Mỹ Tho) ngày nay. Về sau có thêm dãy lầu sắt dùng làm phòng học và phòng nội trú cho học sinh…

Năm 1919, hai dãy lầu Bắc và lầu Nam được dựng lên khang trang hơn theo lối kiến trúc Roma, có chỉnh sửa pha trộn thêm đôi chút, để thích nghi với điều kiện khí hậu bản địa. Cửa sổ kiểu mái vòm, hành lang rộng, có nhà cầu che mưa, nắng… Đây là nét đặc trưng đồng nhất với nhiều ngôi trường cổ khác mà Pháp xây cất tại Việt Nam.

Hành lang và 40 gian phòng kiên cố trong dãy phòng học cao tầng của trường, chỉ còn thấy đôi chút nét xưa qua những ô cửa sổ, khung vòm… cách điệu theo lối xây dựng hiện đại.

Trải qua ít nhất sáu đợt xây dựng mở rộng và trùng tu (kể từ năm 1919 đến năm 1974), sau năm 1975 ngôi trường này có một cảnh quan tuyệt đẹp từ nét cổ kính… đến rừng cây xanh cổ thụ đầy thơ mộng. Năm 1957, cổng chính của trường được chuyển sang phía đường Hùng Vương và sử dụng cho đến hôm nay.

Bao thế hệ cựu học sinh đã xem ngôi trường từng gắn bó một thời áo trắng, như ngôi nhà thứ hai của mình. Dù đi xa hơn nửa vòng trái đất, và thành đạt trên mọi lĩnh vực… nhớ ngày kỷ niệm thành lập trường (17-3), mọi người cùng quay về đây thể hiện tấm lòng tri ân và hoài niệm...

Một dãy phòng học cao tầng của trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho) đã được khánh thành đưa vào sử dụng trong năm 2014.

Giáo sư Lê Quang Vinh, một trong số những cựu học sinh của trường này, hiện là cựu giáo chức giảng dạy tại thành phố Perth, tiểu bang Tây Úc (Australia), trong một lần trở lại thăm trường xưa (năm 2010), ông tỏ ra xúc động, khi ngắm lại ngôi trường vẫn còn nguyên vẹn và đầy ắp những cảnh quan cổ kính.
Giáo sư Vinh lo ngại một ngày không xa chúng ta sẽ không thể giữ nổi nét cổ kính của ngôi trường hơn trăm năm tuổi này. “Trường vốn đã xuống cấp, nếu xây dựng lại nên tái tạo nguyên mẫu và bảo tồn một số công trình kiến trúc đúng với tuổi đời của nó…” - ông nói.

Mối lo ngại ấy đã và đang xảy ra. Với kinh phí đầu tư trên 154 tỉ đồng, dự án cải tạo và xây dựng trường THPT Nguyễn Đình Chiểu khởi động từ năm 2012, kéo dài đến nay. Dự án này đang từng ngày làm biến dạng toàn bộ cảnh quan nơi đây.

Ngôi trường cổ nhất miền Tây đang được… hiện đại hóa ảnh 4
Khu hành chính mới của trường là một tòa nhà cao tầng khác đang mọc lên cạnh cổng chính.

Chỉ tôn tạo, bảo tồn... một dãy phòng học
Năm 2014, một dãy phòng học mới ở phía Nam của trường (gồm một tầng trệt, ba tầng lầu - 40 phòng) được khánh thành đưa vào sử dụng, trên nền của dãy phòng học cổ (lầu Nam) cả trăm năm tuổi đã bị đập bỏ.
Hiện tại một số phòng học và khu hành chính ngày xưa của trường cũng bị xóa bỏ và nhường chỗ cho hai dãy kiến trúc cao tầng khác (một tầng trệt, ba tầng lầu) mọc lên. Các công trình này đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Ban Giám hiệu nhà trường xác nhận chỉ giữ lại để tôn tạo, bảo tồn một dãy phòng học cổ ở phía Bắc (lầu Bắc, gồm: một tầng trệt, một tầng lầu, với 14 phòng).

Dãy lầu Bắc (gồm 14 phòng) nằm trong phương án trùng tu, bảo tồn. Nhưng trong tương lai sẽ không phục vụ cho những nhóm học sinh, khách tham quan.

Nhà giáo Lê Bá Ngọc, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), cho biết: “Tính đến nay trường đã có quá trình xây dựng và phát triển xuyên suốt 136 năm. Phía Pháp nhiều lần gửi thông báo, khuyến cáo ngôi trường này đã quá niên hạn sử dụng. Vì thế ngành giáo dục tỉnh Tiền Giang buộc phải lập phương án để xây dựng lại gần như toàn bộ”.

Theo thầy Ngọc, không ai không tiếc nuối những kiến trúc cổ xưa, đặc biệt từng gian phòng học, hành lang, hội trường, mái vòm rêu phong,… đều lưu giữ những dấu ấn không thể xóa được trong lòng nhiều thế hệ cựu học sinh của trường. Tuy nhiên, hầu hết các dãy phòng học cổ đều đã xuống cấp rất nghiêm trọng, không thể đảm bảo an toàn cho công tác giảng dạy.

Thư viện cũ của trường, hiện đang bị bỏ hoang phế, xuống cấp… rất khó trùng tu.

Thầy Ngọc cho biết trong phương án xây dựng mới và cải tạo cảnh quan cho trường, dãy phòng học cổ ở phía Bắc dù được trùng tu giữ nguyên trạng, song tới đây sẽ chỉ tận dụng làm phòng truyền thống, trưng bày và lưu giữ các học cụ… Tuyệt đối không cho học sinh và những đoàn khách đông người lên tham quan trên lầu vì lo sẽ xảy ra nguy hiểm.

“Riêng gian nhà làm việc của hiệu trưởng thời Pháp (một trệt, một lầu), xây dựng trong khuôn viên trường - nằm ở phía đường Lê Lợi và gian nhà thư viện cũ của trường, chúng tôi sẽ trùng tu giữ lại” - thầy Ngọc nói .

Ngôi trường cổ nhất miền Tây đang được… hiện đại hóa ảnh 7
Mai này, lớp học sinh mới sẽ chỉ cảm nhận được ngôi trường trên trăm năm tuổi và tự hào về truyền thống của trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Collège do My Tho), thông qua những hình ảnh lưu lại qua các tư liệu lịch sử…

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

(PLO)- Học sinh Hà Nội sẽ thi 3 môn vào lớp 10 là Toán, Văn, Ngoại ngữ trong kỳ thi vào THPT công lập, không có môn thứ tư. Hà Nội có khoảng 135.000 học sinh lớp 9, nhưng chỉ có khoảng 81.000 chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công lập. 

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

(PLO)- Sáng 23-3, Ngày hội tuyển sinh do Hệ thống giáo dục Victoria School tổ chức đồng loạt tại Trường: Victoria Nam Sài Gòn, Trường Victoria Riverside và Trường Mầm non Victoria - SwanBay với chủ đề “Khám phá ngôi trường hạnh phúc tại Victoria 360 Showcase” đã thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh đến tham dự và trải nghiệm.