GÓP Ý ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN TRƯỜNG CHUYÊN

Người giỏi là người biết hợp tác, chia sẻ

. Phóng viên:Kết quả đề tài nghiên cứu khoa học “Đánh giá chất lượng và hiệu quả giáo dục của các trường THPT chuyên tại TP.HCM” do bà làm chủ nhiệm cho thấy học sinh trường chuyên có chỉ số thông minh (IQ) cao nhưng chỉ số cảm xúc (EQ) thấp hơn. Nguyên nhân của việc chỉ số EQ thấp hơn IQ của học sinh trường chuyên là do đâu?

+ TS Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM): Khi nghiên cứu về thái độ của học sinh trường chuyên, chúng tôi có làm một so sánh với học sinh trường THPT đại trà, cho thấy chỉ số EQ của học sinh chuyên thấp hơn chỉ số IQ của chính mình nhưng không thấp lắm. Các nghiên cứu của thế giới cho thấy người có trí tuệ thông minh cao chỉ có thuận lợi trong học tập, nghiên cứu khoa học. Các nghiên cứu cũng lưu ý rằng nếu chỉ số IQ cao không đồng hành với chỉ số EQ thì sự thành công trong cuộc sống không thuận lợi như họ mong muốn. Thực tế ở Việt Nam, chúng ta chưa có nghiên cứu sâu về học sinh trường chuyên thành công như thế nào trong cuộc sống sau khi rời ghế nhà trường nhưng kinh nghiệm cho tôi thấy người có chỉ số EQ cao dễ thành công hơn.

Dạy các em biết hợp tác

. Vậy chương trình học tại các trường chuyên hiện nay thiếu yếu tố gì để học sinh hình thành tâm lý, tính cách cân bằng?

+ Cái thiếu ở các trường hiện nay là chưa dạy học sinh biết chấp nhận thất bại. Con người chúng ta cần biết trải qua cảm giác thất bại để thấy mình lớn lên trong suy nghĩ, chín chắn trong hành động, nhận thấy thất bại là khởi nguồn của thành công.

Người giỏi là người biết hợp tác, chia sẻ ảnh 1

Áp lực của kỳ vọng thi đậu vào đại học đã khiến các em trường chuyên mất cân bằng trong nhận thức và thái độ sống. Ảnh minh họa: HTD

Các em nghĩ rằng học sinh trường chuyên là phải thi đậu đại học. Khi các em thất bại, các em coi như là cái tội lớn. Áp lực của sự kỳ vọng đã khiến các em mất cân bằng trong nhận thức và thái độ sống.

Một số các nhà quản lý giáo dục, giáo viên và gia đình lại quan niệm sự thành công của trường chuyên là các giải quốc gia, quốc tế, vào đại học. Các trường chưa dạy kỹ cho các em đó chỉ là những bước đệm để hoàn thiện mình hơn, phục vụ cho mục tiêu, lý tưởng sâu xa hơn.

Lo lắng nhất của chúng tôi đối với học sinh chuyên hiện nay là khi tiếp xúc với các bạn cùng trang lứa, các em luôn đặt mình vào vị trí khác, cao hơn bạn. Các em quá kỳ vọng vào bản thân mình, quên mình là những thanh thiếu niên cũng cần có những hoạt động bình thường của con người. Từ đó, thay vì hợp tác thì các em cạnh tranh. Nghiên cứu của chúng tôi và thực tế cho thấy môi trường trường chuyên tồn tại nhiều sự cạnh tranh không lành mạnh: giữa học sinh, giữa các trường, giữa thầy cô giáo. Vô tình học sinh trường chuyên rơi vào vòng xoáy cạnh tranh gay gắt, áp lực. Con người giỏi của thế giới hiện nay là biết hợp tác, không biết hợp tác sẽ cô độc. Cảm giác cô độc của học sinh trường chuyên là thường xuyên xảy ra.

Phải thay đổi triết lý trường chuyên

. Vậy chúng ta cần phải thay đổi mục tiêu của trường chuyên, thưa bà?

+ Đúng vậy, cần thấy rằng mục tiêu của trường chuyên là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chứ không phải là những giải quốc gia, quốc tế, vào đại học bằng được. Chúng ta thiếu những chương trình giúp các em các lĩnh vực này. Số lượng học sinh đoạt giải cao ở những kỳ thi quốc tế trở thành những nhà chuyên môn, khoa học lớn thực sự đóng góp cho Việt Nam và thế giới là còn hạn chế.

. Thế thì bà có ủng hộ hệ thống trường chuyên?

+ Tôi không ủng hộ trường chuyên mà ủng hộ đầu tư cho những nhân tố mở rộng, cho tài năng, thiên tài. Chúng ta phải xây dựng chương trình học để các nhân tố nổi bật đó phục vụ tốt cho đất nước, nhân loại hơn là hình thành lớp “gà nòi”, cạnh tranh như hiện nay. Cần đào tạo lớp người tài năng, có đạo đức, biết cân bằng về tâm lý.

Sự bất cập trong hệ thống giáo dục của ta là thiếu trang bị kỹ năng sống cho học sinh. Nghiên cứu về thái độ, kỹ năng của học sinh trường chuyên cho thấy các em lạc quan nhưng sự lạc quan ấy là thuộc về tính cách chứ không dựa trên cái nền vững chắc của giáo dục nhận thức.

Tầm nhìn xa của nhà quản lý là phải giúp các em hình thành các lựa chọn, các em phải biết nếu không đạt được cái này thì lên kế hoạch cho cái khác. Đừng chỉ đặt ra một mục tiêu và phải chỉ cho các em có nhiều con đường dẫn đến mục tiêu. Chương trình chúng ta có vẻ như đang thiếu cái này.

Ngay chính phụ huynh cũng không trang bị cho các em thái độ đúng với tương lai mà cứ đặt ra mục tiêu duy nhất là vào đại học, làm gương cho em út, dòng họ, thực hiện những gì mà bố mẹ đã làm, hoặc chưa làm được mà quên đi mỗi cá nhân đều có sự lựa chọn, có đời sống riêng.

. Đề án mới của Chính phủ về trường chuyên có gây hiệu ứng tích cực cho chỉ số EQ của học sinh?

+ Tôi nghĩ những con số của đề án đặt ra bao nhiêu phần trăm học sinh đạt loại giỏi mà không mang thông điệp gì là vô nghĩa. Học sinh giỏi phải đạt những yếu tố gì, có những phẩm chất, trí tuệ như thế nào và có những thái độ ứng xử ra sao… chúng ta phải định nghĩa được.

Như đã nói ở trên, để đào tạo lớp người biết chia sẻ, biết hợp tác cần phải thay đổi triết lý về trường chuyên, thay đổi mục tiêu cuối cùng và thay đổi chương trình học: Các em phải biết xây dựng tinh thần hợp tác, đừng để học sinh trường chuyên nghĩ mình đang đứng ở vị tri chóp đỉnh, một thế giới cô độc mà cần dẫn dắt để học sinh phải nghĩ mình là một bộ phận của cộng đồng, phục vụ cộng đồng, chứ không phải cộng đồng phục vụ mình.

. Xin cảm ơn bà.

Hội thảo về đối diện với thất bại

Sáng 31-7 tới đây, Trường Quản trị cuộc đời LiMA và Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM tổ chức hội thảo “Tuổi trẻ - đâu là lẽ sống” nhằm giúp các bạn trẻ biết cách vượt qua những áp lực của việc học nói riêng của cuộc sống nói chung và quan trọng hơn là giúp các bạn trẻ biết cách đối diện với thất bại.

Trong thông cáo báo chí, ban tổ chức đưa bối cảnh của hội thảo là “Một trong những đề tài nổi trội sau kỳ thi đại học năm nay mà các phụ huynh bàn luận với nhau, các bạn trẻ trao đổi trên diễn đàn, báo chí đưa tin là vấn đề tự tử của các bạn trẻ. Tại sao như vậy? Sau cú ngã đầu đời - rớt đại học (thậm chí mới chỉ có nguy cơ rớt) mà đã xảy ra nhiều việc đau lòng: thất vọng, trầm cảm, stress, tự tử... Áp lực từ gia đình, thầy cô, bạn bè, xã hội làm cho các bạn trẻ ngày càng cảm thấy căng thẳng, sợ hãi, suy sụp tinh thần, bế tắc dẫn đến những hậu quả đau lòng”.

Tại hội thảo, các bạn trẻ sẽ được các chuyên gia tâm lý, giáo dục đưa ra nhiều phương pháp đối diện và ứng phó trước những áp lực học hành, thi cử.

QUỐC VIỆT thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm