Người lớn cũng cần giữ lễ với người nhỏ

Cuốn truyện có tựa rất dài và khá lạ: “Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy”. Truyện viết về lứa tuổi tiểu học ở một xóm nhỏ Sài Gòn thời đầu những năm 1960, trong đó có anh và đám bạn trẻ con hồn nhiên với biết bao trò nghịch ngợm đáng yêu.

Những kỷ niệm thời tuổi nhỏ đã làm tác giả xúc động không kìm được nước mắt - theo lời kể của phóng viên báo Thể Thao &Văn Hóa trong bài viết: Khi nhà văn trào phúng… bật khóc. Nhưng tôi thật sự xúc động khi xem bức ảnh nhà văn cúi mái đầu bạc trắng, trân trọng tặng sách cho từng em nhỏ bằng cả hai tay, thể hiện cái tâm và sự tôn trọng dành cho một lớp người của tương lai. Ôi cái hình ảnh quá hiếm hoi, quá đẹp và đáng trân trọng. Bức ảnh cũng gợi ra bao điều. Ấy là không chỉ người nhỏ tuổi kính trọng, lễ phép với người lớn, mà người lớn cũng cần tôn trọng và giữ lễ đối với người nhỏ tuổi. Không nên nghĩ rằng mình lớn là có quyền đối xử sao cũng được.

Người lớn cũng cần giữ lễ với người nhỏ ảnh 1
Ảnh minh họa

Bức ảnh làm nhiều người còn nặng lòng với vấn đề đạo đức hôm nay suy nghĩ. Bởi hằng ngày, trên đường phố hay những nơi công cộng, nhan nhản những điều chướng tai gai mắt, kệch cỡm, có khi hỗn láo của bao người trẻ - trong đó một bộ phận không nhỏ là sinh viên, học sinh - đối với những bậc đáng tuổi cha chú. Có thể kể vài trường hợp mà chính người viết không ít lần là nạn nhân. Như có lần chạy xe trên đường vào giờ khá vắng, khi gặp đèn vàng phản ứng tự nhiên của tôi là chạy chậm và dừng lại, suýt bị những người đồng hành trẻ tuổi tông khi vượt qua. Họ còn quay lại mắng: “Đồ khùng. Đường vắng tanh mà dừng!”. Hoặc có lần trên đường đi gặp đám ma, cũng do phản ứng tự nhiên được thầy dạy từ thuở tiểu học, tôi dừng lại ngả mũ chào, nhiều người - hầu hết là các bạn trẻ - quay nhìn tôi như một sinh vật ngoài Trái đất!

Tôi xin kể một câu chuyện có vẻ lạc đề nhưng thật ra cũng là một chuyện về chữ Tâm. Một người bạn thân của tôi ở Đà Lạt vốn là một nhà điêu khắc tài tử. Gọi là “tài tử” vì những tác phẩm điêu khắc hay phù điêu anh làm chủ yếu để tặng bạn bè. Tuyệt đối không bán, dù anh rất nghèo. Anh bảo, nghệ thuật không để bán. Dĩ nhiên đó là ý tưởng gàn nhưng được nhiều người tôn trọng. Từ sau năm 1975, anh chủ yếu sống bằng nghề khắc mộ bia cho những người yên nghỉ ở nghĩa trang trên đồi Du Sinh. Bia mộ anh khắc rất đẹp nhưng giá cả rất mềm. Vợ chồng anh và đứa con trai nhỏ sống trong một căn nhà thuê tuềnh toàng ven đường lên nghĩa trang, cũng là nơi anh làm “xưởng” điêu khắc. Anh chẳng làm quan chức gì, cũng chẳng nổi tiếng. Thế nhưng hơn 10 năm trước, anh bị tai nạn giao thông đột ngột qua đời ở tuổi mới ngoài 50, nhiều người ngạc nhiên khi đám ma anh dòng người đưa tiễn kéo dài đến mấy cây số, đi vòng qua nhiều đường phố Đà Lạt trước khi lên yên nghỉ ở nghĩa trang Du Sinh. Bởi bạn tôi đã sống hết lòng với mọi người, từ người lớn tới đứa con nít, từ người có máu mặt tới kẻ khố rách áo ôm, anh chia sẻ tới đồng bạc cuối. Anh sống tận cùng chữ Tâm. Chữ Tâm viết hoa. Chứ không phải như nhiều người mua chữ “Tâm” thư pháp về treo trang trọng trong phòng khách, cốt để khoe rằng mình có tâm. Có khi chữ “Tâm” lại treo bên cạnh chữ “Nhẫn” thành ra“Nhẫn Tâm”.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm