Người thầy trong ký ức học trò thành đạt

Chắc hẳn trong mỗi con người đều lưu dấu hình ảnh một người thầy đó là ấn tượng sâu sắc về kiến thức, là tấm gương mẫu mực về lối sống, là bài học về đạo lý, là sâu thẳm tình thương sự hy sinh. Đằng sau sự thành công của mỗi con người ít nhiều có công lao, tâm huyết của những người thầy.

Tấm lòng thương trẻ

Ấn tượng sâu sắc nhất thường gặp ở người thầy là tình thương. Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Sách Thái Hà, kể về người thầy thời thơ ấu: “Tôi nhớ mãi hình ảnh người thầy dạy tôi năm lớp 7: Thầy Liễn. Nhà thầy ở Hà Nội nhưng thầy đạp xe đạp đến khắp các xã, huyện của Thái Bình để dạy học cho chúng tôi. Ở Thái Bình, thầy có một căn nhà nhỏ bằng rạ, trong nhà thầy không có thứ gì đáng giá ngoài chiếc xe đạp Thống Nhất. Chiếc xe đạp không có chắn bùn, chắn xích, mỗi lần đi thầy phải lấy cái cặp, cặp túm ống quần gọn lại để không bị vướng vào xích. Bàn đạp của chiếc xe chỉ còn là hai cái cọc sắt nhỏ như cái kim. Buổi tối, thầy còn kêu gọi chúng tôi cầm đèn dầu đến lớp học để thầy hướng dẫn làm bài tập và ôn luyện thi lên cấp 3 mà không nghĩ ngợi đến thù lao hay đáp trả gì của học trò”.

GS-BS Nguyễn Văn Truyền kể về tấm lòng, tình thương của người thầy là GS-BS Phạm Biểu Tâm: “Năm 1965, tôi đến từ giã thầy để đi làm việc tỉnh xa, thầy đã viết tặng tôi câu đầy tình nghĩa thầy trò trên một tờ giấy mà tôi vẫn giữ đến ngày hôm nay: “Với những lời mong chúc thành thật cho tương lai của anh 30/10/65”.

Người thầy trong ký ức học trò thành đạt ảnh 1

Thăm lại thầy cũ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Ảnh: HTD

Năm 1978, tôi vừa du học bên Pháp trở về. Một hôm, nhà tôi, BS Tô Thị Ngân Hà, cũng là học trò cũ của thầy Tâm, bị viêm ruột thừa cấp vào BV Bình Dân. Mặc dù bận nhiều công việc, nghe học trò mình bệnh, thầy liền đến khám cùng với anh BS Văn Tần. Thầy bảo BS Văn Tần chuẩn bị đem nhà tôi vào phòng mổ gấp và thầy trực tiếp mổ với BS Văn Tần”.

Hết lòng dạy nghề

Người thầy mà đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (Dũng khùng) có ấn tượng nhất là đạo diễn Lê Dũng. “Điều tôi tâm đắc nhất ở thầy là cách dạy mang xu hướng mở. Thầy không bao giờ áp đặt ý kiến của thầy lên chúng tôi mà luôn tạo điều kiện để chúng tôi phát triển, thể hiện hết cá tính của mình. Dịp làm bài tập tốt nghiệp, có nhiều bạn trong lớp chọn kịch bản phim ma, phim kinh dị, những tưởng sẽ bị thầy ngăn cản hoặc đặt những câu hỏi đại loại: Ý nghĩa của kịch bản là gì? Tại sao chọn thể loại phim này… Nhưng thầy tôn trọng ý tưởng của từng sinh viên và hướng dẫn mỗi người đi đến tận cùng của mỗi thể loại đã chọn. Thầy cũng không bao giờ tỏ ra uy quyền của một ông thầy để làm sinh viên phải e sợ. Ngược lại, ông bình đẳng, gần gũi, bình dân, thân thiện với tụi tôi. Thời đi học, mấy đứa sinh viên dám rủ thầy giáo ngồi nhậu lề đường? Nhưng lớp tôi rủ thầy ngồi nhậu, hay uống cà phê ngoài lề đường là thầy cũng không nề hà gì. Thầy lắng nghe từng đứa như nghe những người bạn cũ đi xa lâu ngày về”.

Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu dành sự kính trọng cho thầy Trần Quốc Vượng về nhiều mặt nhưng quan trọng nhất là chuyện truyền nghề. “Những giờ học thầy Vượng - những buổi trò chuyện vô cùng thú vị về mọi vấn đề. Giờ thầy Vượng nghe thì thật thích nhưng ghi thì thật khó vì hình như chẳng có gì liên quan đến khảo cổ, để khi “đốn ngộ”thìmọi cái đều là khảo cổ!

Hầu như tất cả di tích khảo cổ ở vùng đất Sài Gòn mà chúng tôi phát hiện và nghiên cứu đều đã được thầy đến tận nơi, có khi ngay trong lúc khai quật để “thăm thú”, để hỏi han, để khơi gợi cho chúng tôi một ý tưởng nào đó. Ở thầy không chỉ có kiến thức rộng lớn, sâu sắc, tư duy linh hoạt, sắc sảo mà thầy còn có cả một nỗi lòng lắng đọng, ẩn sâu bên trong cái vẻ “bạc đời” đôi khi đến mức kỳ cục!”.

Người truyền đạo

Điều quan trọng nhất mà người thầy, theo quan niệm Đông phương truyền lại cho học trò là đạo lý sống, đạo lý nghề nghiệp. GS-BS Nguyễn Văn Truyền dành tất cả sự tôn kính cho GS Phạm Biểu Tâm - Khoa trưởng của Trường ĐH Y Sài Gòn thập niên 1960. Ông Truyền nhớ lại ngày khai giảng: “Khởi đầu buổi sinh hoạt, thầy Tâm với giọng hiền hòa nói: “Bắt đầu từ hôm nay, các anh chị đi vào y đạo rồi đó. Học y là học nghề, khác hẳn với học kiến thức tổng quát ở trung học. Học nghề phải đi và hành. Ngành y chúng ta không chỉ là khoa học tự nhiên đơn thuần, mà là khoa học vừa tự nhiên vừa có tính nhân bản. Ngành y phải tiếp xúc giữa người với người. Con người có cả thân và tâm là một. Các anh nên nhớ điều đó”. Trong thời gian dài học tập ở trường, tôi chỉ gặp thầy một vài lần. Năm tôi đi thực tập ngoại tổng quát ở BV Bình Dân, tôi biết rõ thời gian làm việc rất khoa học của thầy. Lúc đó, thầy vừa là khoa trưởng ĐH Y, vừa là giám đốc BV Bình Dân, vừa là thầy dạy môn ngoại khoa. Thầy không có phòng mạch tư nên dành tất cả thời gian cho công việc. Buổi sáng sớm thầy đến trường làm việc; 9 giờ 30, thầy đến bệnh viện dạy thực hành hoặc mổ đến 1, 2 giờ chiều rồi thầy về trường hoặc lên lớp dạy lý thuyết. Thầy không kể ngày đêm, giờ giấc, tận tụy với bệnh nhân, với đàn em, với học trò bằng cả tấm lòng.

Trong bất cứ cuộc giải phẫu nào dù lớn hay nhỏ, thầy đều tự mình thực hiện mọi giai đoạn của phẫu thuật từ lúc rửa sát trùng đường mổ, trải khăn mổ, rạch vết dao đầu tiên, khâu mũi chỉ cuối cùng, rồi băng bó vết thương. Thầy thường nói với chúng tôi: “Nếu các anh, các chị chữa bệnh mà cư xử với bệnh nhân như người thân trong gia đình mình thì tôi mãn nguyện lắm rồi”.

TRÀ GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm