Những ghi nhớ quan trọng trước kỳ thi THPT 2016

Cho đến thời điểm này, tất cả cụm thi cả nước đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, lực lượng coi thi, an ninh trật tự,… nhằm đảm bảo cho kỳ thi THPT diễn ra một cách an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sáng 28-6, PGS-Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (ĐHBK), cho biết năm nay trường được giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức cụm thi số 1.

Hà Nội: 12 trường tuyển sinh chung

Cụm thi số 1 có tổng cộng 12.623 thí sinh (TS) đã đăng ký dự thi thuộc bốn quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và ba huyện Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên, bao gồm 16 điểm thi với tổng số 946 cán bộ, giảng viên tham gia công tác coi thi. Trường được giao nhiệm vụ in sao đề thi với số lượng trên 250.000 đề thi.

Ngày 15-6, nhóm GX gồm 12 trường ĐH trong khu vực Hà Nội (bao gồm Trường ĐHBK, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Xây dựng, ĐH Ngoại thương, ĐH Thủy lợi, ĐH GTVT, ĐH Mỏ-Địa chất, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Công nghệ GTVT, ĐH Thăng Long, Học viện Ngân hàng và Học viện Chính sách và Phát triển) đã thành lập ban chỉ đạo tuyển sinh nhóm trường.

Nhóm GX đã lập một website chung để công bố các thông tin tuyển sinh của nhóm cho TS với địa chỉ http://tsgx.vn. Ngay sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia, tiểu ban chuyên môn của nhóm sẽ họp và cho chạy thử nghiệm phần mềm xét tuyển.

Cũng theo ông Điền, trong nhóm GX TS có thể sử dụng số nguyện vọng tối đa được phép của từng đợt xét tuyển (bốn nguyện vọng trong đợt 1 và sáu nguyện vọng trong các đợt xét tuyển bổ sung) để đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào nhiều trường trong nhóm. Ngoài ra, TS có thể ĐKXT vào một trường trong nhóm và một trường ngoài nhóm GX. Tuy nhiên, nếu TS đã ĐKXT vào hai trường trong nhóm ở đợt 1 hoặc ba trường trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung thì không được ĐKXT vào trường ngoài nhóm (do vượt số trường tối đa được phép ĐKXT theo quy định của quy chế tuyển sinh).

Các sinh viên tình nguyện đón thí sinh về TP.HCM dự thi. Ảnh: P.ĐIỀN

TP.HCM: Đảm bảo chấm thi công bằng

Kỳ thi THPT năm 2016, tại các tỉnh, thành đều bố trí hai loại cụm thi (để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH) do các trường ĐH chủ trì. Do vậy, các trường ĐH đã điều động hàng trăm cán bộ coi thi về các địa phương do trường chủ trì. Tuy nhiên, khu vực TP.HCM chịu nhiều sức ép trong việc chấm thi do các trường ĐH tổ chức cụm thi ở các tỉnh từ Tây Nguyên, Đông Nam Bộ hay Tây Nam Bộ đều đổ dồn bài về TP.HCM để chấm. Chẳng hạn ĐH Kinh tế TP.HCM phụ trách coi thi tỉnh Bình Phước nhưng khi có bài thi vẫn chuyển về TP.HCM để làm phách rồi sau đó mời giáo viên chấm bài. Tương tự, ĐH GTVT TP.HCM cũng sẽ cho xe vận chuyển bài với quãng đường gần 300 km để về TP.HCM chấm thi. Các trường khác như ĐH Luật TP.HCM chủ trì tỉnh Bến Tre, Kinh tế - Luật chủ trì cụm Bình Dương, Công nghiệp thực phẩm TP.HCM chủ trì cụm thi Tây Ninh… đều sẽ chuyển bài về TP.HCM để chấm.

Do đó, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường phải chủ động, trực tiếp liên lạc với giáo viên chấm thi ở TP.HCM để qua đó nắm được tình hình, đảm bảo công tác chấm thi phải công bằng, đúng tiến độ nhằm tránh thiệt thòi cho TS.

Sáu lưu ý cần thiết đối với thí sinh

Thủ tục dự thi: Ngày 30-6, các TS sẽ đến địa điểm thi để làm thủ tục dự thi. Khi đi, TS mang theo giấy báo dự thi, chứng minh nhân dân để được cấp thẻ dự thi có dán ảnh. Khi kiểm tra thông tin nếu phát hiện sai sót phải báo cáo ngay cho cán bộ của hội đồng thi để xử lý.

Thời gian đến phòng thi: TS có mặt tại phòng thi trước thời gian quy định khoảng 30 phút. TS đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi thi đó.

Những vật dụng không thể thiếu: Theo quy định, những vật dụng được mang vào phòng thi gồm: bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat địa lý Việt Nam đối với môn thi địa lý (do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì).

Những vật dụng không được mang vào phòng thi: TS không được phép mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, đồ uống có cồn, giấy than, bút xóa, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi. Đặc biệt tuyệt đối không được mang điện thoại di động vào phòng thi dù có tắt nguồn hay không. Nếu bị phát hiện, TS sẽ bị đình chỉ thi.

Khi làm bài thi: Khi vào phòng thi, TS ngồi theo số báo danh của mình. Khi nhận được đề thi cần tận dụng thời gian để kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in để tránh trường hợp đề thi bị mờ hoặc không đủ số trang. Trước khi làm bài thi phải ghi đầy đủ số báo danh cả phần chữ và phần số vào đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm và giấy nháp. Trong quá trình làm bài, cần tuyệt đối tránh ghi các ký hiệu riêng cũng như không được viết bằng hai màu mực trong một bài thi. Đối với bài thi trắc nghiệm, phải làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm được in sẵn theo quy định của Bộ GD&ĐT. Chỉ được tô bằng bút chì đen các ô số báo danh, ô mã đề thi và ô trả lời. Trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, phải tẩy sạch chì ở ô cũ rồi tô ô mà mình lựa chọn.

Khi nộp bài thi: Sau khi hoàn thành bài thi hoặc hết giờ làm bài, TS lên nộp bài thi và nhớ ghi rõ số tờ đã nộp và ký xác nhận vào phiếu thu bài thi. Trong trường hợp không làm được bài cũng phải nộp giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia 2016 tổ chức thi tám môn gồm: toán, ngữ văn, sử, địa, lý, hóa, sinh, ngoại ngữ. Trong đó, các môn toán, ngữ văn, sử, địa thi theo hình thức tự luận; các môn lý, hóa, sinh thi theo hình thức trắc nghiệm; riêng môn ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm.

Kỳ thi sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 1-7 đến hết ngày 4-7. Từ ngày 30-6, TS trong cả nước sẽ tập trung tại các địa điểm thi để nhận phòng thi, nghe phổ biến quy chế thi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm