Quốc hội nóng chuyện bạo lực học đường

Sáng 16-11, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đăng đàn trả lời chất vấn QH. Một trong những vấn đề được các ĐBQH quan tâm là tình trạng bạo lực học đường đang gia tăng và trách nhiệm của tư lệnh ngành giáo dục.

ĐBQH Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) đặt câu hỏi: “Sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm gây lãng phí. Trách nhiệm của Bộ trưởng và giải pháp thời gian tới thế nào? Bộ trưởng sẽ làm gì để giải quyết vấn đề dạy thêm học thêm, bạo lực học đường...?”.

ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) chất vấn bộ trưởng GD&ĐT. Ảnh: QH

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng việc sinh viên ra trường không có việc làm có trách nhiệm của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, vấn đề này xuất phát từ các yếu tố trong và ngoài trường học. Tuy nhiên, với tư cách bộ quản lý, bộ trưởng nhận trách nhiệm chứ không né tránh.

Nhìn nhận thực tế, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá chương trình học hiện nay ở các trường ĐH, CĐ khiến sinh viên ra trường thiếu kỹ năng trải nghiệm thực tế. Sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh nội dung bám sát thực tế hơn.

Cụ thể là tham vấn ý kiến nhà tuyển dụng để nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nhu cầu lao động. Cùng với đó, Bộ sẽ bố trí chương trình giảng dạy tương thích, tránh hiện tượng làm qua loa, xây dựng chương trình hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.

Về dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ đã hướng dẫn, ban hành chỉ thị để uốn nắn việc này đúng hướng. Đến nay vấn đề dạy thêm học thêm có xu hướng đi vào ổn định hơn. Đề nghị địa phương phối hợp giám sát mạnh hơn để chấn chỉnh dạy thêm học thêm biến tướng.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đưa môn học GDCD vào thi tốt nghiệp sẽ giảm bạo lực học đường. Ảnh: QH

Về bạo lực học đường, Bộ trưởng Nhạ nhìn nhận đây là vấn đề gây bức xúc, có thật và có hướng gia tăng. Số sinh viên, học sinh có hành vi bạo lực là bộ phận nhỏ nhưng làm cho xu hướng đạo đức lối sống của một bộ phận có nguy cơ không kiểm soát được.

Nguyên nhân của vấn đề này được Bộ trưởng chỉ ra có cả từ gia đình, xã hội nhưng trách nhiệm của Bộ quản lý, bộ trưởng nhận trách nhiệm đầu tiên.

Theo ông Nhạ, lâu nay chúng ta chưa chú trọng các môn học về đạo đức, GDCD. Việc Bộ GD&ĐT đưa môn GDCD vào thi tốt nghiệp cũng là giải pháp để giảm bạo lực học đường.

"Sắp tới, Bộ sẽ xây dựng chương trình môn học GDCD thực tế hơn, đào tạo giáo viên chuyên nghiệp hơn. Phương châm là đào tạo toàn diện về học lực và nhân cách. Khi trở thành môn thi tốt nghiệp bộ môn này sẽ được học sinh quan tâm hơn" - ông Nhạ nêu giải pháp.

Tuy nhiên, trao đổi bên hành lang QH, ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, cho rằng không hẳn đưa GDCD vào thi tốt nghiệp thì bạo lực học đường sẽ giảm đi.

Quan trọng hơn, ông Lợi nói: "Cần có phương pháp giáo dục tại gia đình, nhà trường và giảm bớt tác động tiêu cực xã hội như game, phim bạo lực... phải đồng bộ nhiều giải pháp. Giáo dục các em từ gia đình, nhà trường, đạo đức xã hội con người chứ không phải từ môn học này".

Bình luận thêm về bạo lực học đường, ông Lợi đánh giá đây là vấn đề gây nhức nhối. Trước đây bạo lực thường rơi vào nam sinh nhưng nay lại xuất hiện ở nữ sinh rất nhiều, không phải một hai người mà đánh nhau tập thể, theo nhóm lan rộng. Đây là biểu hiện xuống cấp, thiếu đạo đức, kém văn hóa của học sinh.

“Phải là giáo dục nhân cách con người đi từ mẫu giáo tới các cấp học, được chuyển biến thông qua rèn luyện của thầy, quan tâm theo dõi chăm sóc của gia đình. Chúng ta sợ giáo dục giới tính nhạy cảm nhưng điều này lại rất quan trọng, càng cấp cao thì phải cung cấp kiến thức tăng dần. Phổ cập phải làm sao theo hướng chậm dần đều, ở độ tuổi nào giáo dục ở mức độ đó, càng cao thì phải tiệm cận tới vấn đề tâm lý nếu không rất nguy hiểm” - ĐB Lợi nêu quan điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm