Sẽ kéo dài chính sách hỗ trợ học tập cho học sinh dân tộc ít người

Cụ thể, trong tờ trình số 1309/TTr-BGDĐT ngày 25/12/2015 của Bộ GD&ĐT, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý kéo dài việc thực hiện chính sách hỗ trợ học tập đối với trẻ em, học sinh, sinh viên (gọi tắt là học sinh) dân tộc rất ít người, quy định tại khoản 4 mục IV Điều 1 Quyết định số 2123/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ kể từ ngày 1-1-2016. Theo đó, các học sinh dân tộc ít người (dân số dưới 10.000 người) phân bố tại sáu tỉnh gồm: Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum sẽ hưởng chính sách nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại cơ sở trường học.

Trong đó, đối với trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi được chăm sóc, giáo dục tại các trường, lớp mẫu giáo thôn bản; Với đối tượng là học sinh tiểu học sẽ được nuôi, dạy tại trường tiểu học tùy theo điều kiện thực tế mà học sinh có thể học tại các điểm trường hoặc tại các trường phổ thông dân tộc bán trú ở nơi gần nhất. Với đối tượng học sinh THCS và THPT được nuôi, dạy tại các trường phổ thông dân tộc nội trú huyện, trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh.

Khi đã hoàn thành tốt nghiệp THPT, học sinh dân tộc các dân tộc này được ưu tiên xét tuyển vào học tại các trường, khoa dự bị các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cơ sở dạy nghề theo khả năng và nhu cầu của từng học sinh. Đồng thời được hỗ trợ tối đa là 60% mức lương tối thiểu chung/học sinh/tháng.

Ngoài ra, trẻ em dân tộc rất ít người thuộc diện hộ nghèo học mẫu giáo tại các trường, lớp mầm non công lập được hưởng mức hỗ trợ bằng 30% mức lương tối thiểu chung/trẻ/tháng. Học sinh các dân tộc rất ít người thuộc diện hộ nghèo cấp tiểu học: theo học tại các điểm trường ở thôn bản được hưởng mức hỗ trợ bằng 40% mức lương tối thiểu chung/học sinh/tháng.

Học sinh học tại trường phổ thông dân tộc bán trú và ở bán trú được hưởng mức hỗ trợ bằng 60% mức lương tối thiểu chung/học sinh/tháng.

Đối với cấp học THCS, học sinh dân tộc rất ít người thuộc hộ nghèo, học tại trường phổ thông dân tộc bán trú và ở bán trú được hưởng mức hỗ trợ bằng 60% mức lương tối thiểu chung/học sinh/tháng. Học tại THPT dân tộc nội trú cấp huyện được hưởng học bổng bằng 100% mức lương tối thiểu chung/học sinh/tháng.

Đối với học sinh dân tộc rất ít người cấp THPT, học sinh dân tộc rất ít người thuộc hộ nghèo, học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh và trường phổ thông dân tộc nội trú liên cấp THCS và THPT được hưởng học bổng bằng 100% mức lương tối thiểu chung/học sinh/tháng. Được ưu tiên xét tuyển vào các trường, khoa dự bị ĐH, CĐ.

Sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh có thể tiếp tục được dự kỳ thi tuyển sinh quốc gia vào các trường ĐH, CĐ, … Nếu không đủ điểm vào các trường ĐH, CĐ theo nguyện vọng thì được xét tuyển vào học tại các trường, khoa dự bị ĐH (1 - 2 năm). Hoặc trong trường hợp không vào học tại các trường ĐH, CĐ, dự bị ĐH sẽ  được tuyển thẳng các trường trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề.

Đối với học sinh, sinh viên dân tộc rất ít người học tại các trường, khoa dự bị ĐH, ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề: Học sinh, sinh viên dân tộc rất ít người thuộc hộ nghèo, học tại các trường, khoa dự bị ĐH, các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề sẽ hưởng học bổng bằng 100% mức lương tối thiểu chung/sinh viên/tháng. Mức hỗ trợ cho các học sinh là 12 tháng/năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm