Sẽ xây dựng 4 trường đại học đẳng cấp quốc tế

Hội thảo giữa kỳ xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam do Bộ GD-ĐT, Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đồng tổ chức tại TP Đà Nẵng ngày 12-9.

Tại hội thảo, những kinh nghiệm hay về xây dựng và quản lý các trường đại học đẳng cấp thế giới của các chuyên gia quốc tế đã được chia sẻ, qua đó các nhà quản lý giáo dục nước ta có thể lựa chọn những kinh nghiệm quý báu này để áp dụng triển khai xây dựng 4 trường đại học đẳng cấp quốc tế. Việt Nam chọn 4 nước phát triển là Mỹ, Đức, Pháp và Nhật là đối tác chiến lược để phối hợp xây dựng đại học quốc tế. Trong số này, đã có Đại học Việt – Đức tại TP.HCM tuyển sinh và hoạt động tốt.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu vấn đề: Làm thế nào để 15 năm tới Đại học Việt Nam có tên trong danh sách 200 trường đại học hàng đầu thế giới? Đây không chỉ là mong muốn của Chính phủ, của Bộ Giáo GD-ĐT mà còn là khát khao của thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.

Thông qua sự đầu tư của Chính phủ Việt Nam và vốn vay của các tổ chức quốc tế (WB, ADB) và hỗ trợ của Chính phủ các nước đối tác, sự tham gia hỗ trợ trực tiếp của các đại học hàng đầu của các nước này (khoảng 100 đại học), các đại học đẳng cấp quốc tế ngay từ đầu sẽ thực hiện 4 hiện đại và 1 liên kết. Cụ thể là chương trình đào tạo và phương pháp đào tạo hiện đại, cơ sở vật chất hiện đại, quản lý hiện đại, giảng viên hiện đại. Liên kết với doanh nghiệp và các đại học, viện nghiên cứu khác với trình độ hiện đại tương đương ở các nước đối tác chiến lược.

Về nguyên tắc xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế, Phó Thủ tướng nêu rõ: Các đại học đẳng cấp quốc tế sẽ được thành lập mới, không phải là nâng cấp đại học sẵn có, tuy nhiên sẽ có sự tham gia hỗ trợ mạnh mẽ từ các đại học và cơ quan nghiên cứu tốt nhất của Việt Nam, đó là sự chia sẻ nguồn lực (con người, cơ sở nghiên cứu khoa học) của các đại học và viện nghiên cứu có sẵn.

Thời gian qua, Việt Nam đã chọn 15 trường để xây dựng trường đại học trọng điểm (trong tổng số 150 trường đại học của hệ thống giáo duc đại học). Nhưng đến nay vẫn chưa có trường đại học nào được xếp hạng trong Top 500 trường hàng đầu châu Á.

Ông Ayumi Konishi, Giám đốc Ngân hàng ADB tại Việt Nam đánh giá cao sự vận động tích cực trong hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam trong 3 năm gần đây, đặc biệt chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ và quyết tâm xây dựng 4 trường đại học đẳng cấp quốc tế sẽ là bản lề cho sự phát triển giáo dục đào tạo của Việt Nam.

Để hình thành một trường đại học đẳng cấp quốc tế có năng lực nghiên cứu thực sự, đòi hỏi một nguồn lực tài chính rất dồi dào. Giai đoạn đầu tiên, mỗi trường đại học sẽ được cung cấp 100 triệu USD. Giai đoạn tiếp theo, Chính phủ Việt Nam sẽ phải đầu tư nhiều hơn nữa, có thể lên tới 500 triệu đến 1 tỷ USD/trường đại học.

Các tổ chức quốc tế, trong đó có ADB và WB cam kết sẽ ủng hộ tuyệt đối Việt Nam trong việc xây dựng những trường đại học quốc tế theo mô hình hiện đại, vì đó là con đường tốt nhất đưa Việt Nam phát triển bền vững.

“Tiền không phải là tất cả, việc tham gia tích cực của Chính phủ, của các trường đại học, đặc biệt vai trò của địa phương nơi xây dựng những trường đại học quốc tế cũng đóng góp vị trí đặc biệt quan trọng”, Giám đốc ADB - Việt Nam nhấn mạnh.

Tính đến ngày 10-8-2009, cả nước có 376 đại học, học viện, trường đại học và cao đẳng. Trong đó có 150 trường đại học và 226 trường cao đẳng. Số trường đại học và cao đẳng ngoài công lập trong cả nước là 81 trường, chiếm 22% tổng số trường với 1.719.499 sinh viên.

Trong đó 56 trường đại học đã được giao đào tạo tiến sĩ, 82 trường đại học (trong đó có 4 trường ngoài công lập) được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ.

Tổng số giảng viên cơ hữu trong các trường đại học, cao đẳng là 61.190 người, trong đó giáo sư, phó giáo sư là 2286 người (3,73%), tiến sĩ là 6.217 người (13,86%), thạc sĩ là 22.831 người (51,2%). Riêng các trường đại học, giảng viên có trình độ tiến sĩ là 19,73%, thạc sĩ là 61,3%.

Theo TỪ LƯƠNG (Chinhphu.vn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm