Thi cao đẳng 2010: Kinh - tài chen chúc, nghệ thuật vắng hoe

Hôm nay (15-7), hơn 480.000 thí sinh dự thi các trường CĐ bước vào ngày thi đầu tiên cho tất cả các khối A, B, C, D và năng khiếu.

Theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, các trường có số thí sinh dự thi đông và điểm chuẩn hằng năm ở mức 18-21 vẫn hút thí sinh. Trong khi những trường, ngành điểm chuẩn hằng năm chỉ ở mức 10-12 rất ít thí sinh dự thi, có trường số dự thi thấp hơn chỉ tiêu tuyển.

Có thương hiệu, điểm chuẩn cao ngất

Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM luôn dẫn đầu cả nước trong suốt nhiều năm cả về số thí sinh dự thi và điểm chuẩn cao. Thí sinh đến làm thủ tục dự thi sáng 14-7 cao hơn năm ngoái. “Năm nay trường có 39.087 thí sinh đăng ký dự thi với 1.380 chỉ tiêu, “chọi” trung bình là 1/28. Nếu tính theo tỉ lệ trong ngày làm thủ tục dự thi là 22.840 thì “chọi” cũng ở mức 1/16” - ông Vũ Văn Hòa, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết.

Năm 2009, số thí sinh dự thi thực tế là 22.886 và một thí sinh chỉ còn “chọi” với 15 thí sinh! “Chọi” cao, điểm chuẩn cũng cao, khối A là 21 điểm và khối D1 là 18 điểm. Phó Hiệu trưởng Phan Thành Nguyên cho biết: “Với mức chuẩn cao như vậy nên không năm nào trường phải tuyển thêm nguyện vọng 2, mặc dù đã tính các phương án thí sinh đã trúng tuyển ĐH”.

Ông Trần Tấn Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cũng cho biết thí sinh dự thi vào trường ảo không nhiều nên trường khá ổn định nguồn tuyển. “Hằng năm trường cũng không xét tuyển thêm nguyện vọng 2, số thí sinh không đậu CĐ sẽ được hướng dẫn chuyển sang hệ trung cấp chuyên nghiệp” - ông Dũng nói. Điểm chuẩn hằng năm của trường dao động 14-15, năm nay tỉ lệ “chọi” cũng tương đương năm ngoái là 1/6.

Thi cao đẳng 2010: Kinh - tài chen chúc, nghệ thuật vắng hoe ảnh 1

Trường CĐ Nguyễn Tất Thành dựng hẳn lều bạt để che nắng mưa cho phụ huynh đứng chờ thí sinh dự thi. Ảnh: QUỐC DŨNG

Tương tự, ông Giang Văn Kịp, Hiệu trưởng Trường CĐ Tài chính hải quan TP.HCM, cho biết tỉ lệ thí sinh đến làm thủ tục dự thi chỉ đạt 56% nhưng trong bốn năm qua, số thí sinh đến dự thi thực tế luôn đạt 78%-80%. “Tỉ lệ “chọi” vào trường cũng chỉ ở mức 1/8 nhưng điểm chuẩn luôn là 17-21,5 và không phải tuyển thêm nguyện vọng 2” - ông Kịp nói.

Chỉ tiêu cao hơn đăng ký dự thi

Đây là năm đầu tiên Trường CĐ Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tổ chức thi tuyển sinh sau nhiều năm xét tuyển. Ông Tôn Thất Lãng, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết: “Thi tuyển sẽ giúp trường chủ động chọn lựa đầu vào chất lượng hơn tuy có hơi vất vả. Nhưng nhờ vậy mà trường biết thí sinh chọn học ngành nào nhiều hơn, ngành nào ít thí sinh để có phương án xét tuyển hợp lý”. Theo ông Lãng, các ngành quản lý đất đai, công nghệ kỹ thuật môi trường, quản trị kinh doanh có số thí sinh dự thi 600-2.000 nhưng ngành thủy văn chỉ có hơn 20 thí sinh dự thi. “Trường vẫn xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 như mọi năm và các ngành chắc chắn tuyển là thủy văn, hệ thống thông tin địa lý, cấp thoát nước” - ông Lãng nói.

Ông Lê Ngọc Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM, cũng cho biết đây là năm đầu tiên trường tổ chức thi tuyển tất cả ngành thay vì xét tuyển ở khối C từ kết quả thi ĐH và chỉ tổ chức thi các khối năng khiếu như các năm trước. “Vì là trường năng khiếu nên chúng tôi tổ chức thi để lựa chọn tốt hơn, đúng theo yêu cầu của trường hơn. Tuy nhiên, ngành nhiếp ảnh số thí sinh dự thi rất thấp nên sẽ vừa thi vừa xét để tuyển đủ chỉ tiêu”.

Tình trạng thí sinh đổ dồn vào các ngành “thời thượng”, bỏ qua những ngành có tên “không đẹp” cũng làm cho nhiều trường lao đao nguồn tuyển. Ông Bùi Mạnh Tuân, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công thương TP.HCM, cho biết: “Không biết vì lý do gì mà các ngành công nghệ dệt, công nghệ sợi, công nghệ da giày, công nghệ sản xuất giấy chỉ nhận 15-30 hồ sơ đăng ký dự thi, chưa đủ chỉ tiêu tuyển. Trong khi đó, nếu tốt nghiệp các ngành này, sinh viên sẽ có việc làm ngay”. Được biết, điểm chuẩn hằng năm của trường dao động 10-12, trừ một số ngành như kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, công nghệ ôtô có điểm 13-18.

Ông Hồ Văn Sỹ, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng TP.HCM, cũng cho biết: “Hai ngành công nghệ kỹ thuật nhiệt-lạnh, công nghệ may của trường quanh năm đều khó tuyển. Chúng tôi đang muốn đổi tên ngành công nghệ may thành thiết kế thời trang vì nếu không, thí sinh sẽ nghĩ học ngành này chỉ để may vá. Hoặc ngành nhiệt-lạnh là một ngành đang rất cần trong đời sống hằng ngày, sinh viên có ngay chỗ nhận thực tập và ra trường có việc làm ngay mà thí sinh vẫn cứ chê”.

Bi đát nhất là Trường CĐ bán công Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp tuyển 800 nhưng chỉ có 546 thí sinh dự thi. Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân cũng tuyển 1.080 nhưng chỉ có 800 hồ sơ đăng ký dự thi. Ông Nguyễn Việt Hải, Phó Hiệu trưởng trường này, cho biết có 81% thí sinh đến làm thủ tục dự thi nhưng trong số này chỉ có thể tuyển khoảng 30%, phần lớn chỉ tiêu còn lại phải trông chờ vào việc xét tuyển nguyện vọng 2, 3.

QUỐC DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm