Thủ khoa Phạm Thái Sơn: Cai game để học giỏi

Con đường đất chạy dọc thôn Cao Cựu (xã Quảng Hòa, Quảng Trạch, Quảng Bình) nhộn nhịp hẳn lên vì nhiều người trong thôn kéo đến nhà cậu học trò Phạm Thái Sơn chúc mừng tân thủ khoa ĐH Y Dược Huế.

Anh Phạm Văn Bảo, bố Sơn, đi làm phụ hồ từ sáng sớm hay tin cũng tất tả đội nắng chạy về mừng cho con. Gạt mồ hôi trên mặt, anh cười ngượng nghịu trước lời khen của họ hàng. “Vậy là thằng cu Sơn làm sướng cả họ ta rồi” - ông Phạm Văn Huyến, ông nội của Sơn, phấn khởi xoa đầu đứa cháu nội.

Từng mê game trốn học!

Trong nhà, Sơn là con trai lớn, sau còn em Hải (năm nay học lớp 11) và em Hà (học lớp 4). Là anh lớn nên Sơn cũng phải tranh thủ việc học và phụ giúp bố mẹ việc gia đình. Nhà làm nông, có được năm sào ruộng, những khi “nông vụ tấn thời” cần nhân lực, Sơn phải ra đồng làm cỏ, bón phân, gặt hái cùng bố mẹ. Chị Nguyễn Thị Quyên, mẹ Sơn, kể: “Sơn hiền đến mức thường xuyên bị bạn bè bắt nạt, thậm chí đi học còn bị bạn gái… đánh đòn!”.

Thủ khoa Phạm Thái Sơn: Cai game để học giỏi ảnh 1

Sơn bên góc học tập ở căn nhà bếp. Ảnh: PHONG NHA

Hồi Sơn học lớp 7, lúc đó game tràn về xóm Cao Cựu, mấy hôm đầu tiếp cận, Sơn khoái lắm. Dần ham, cậu chàng trốn học bỏ chơi suốt. Bố bắt được, mắng Sơn một trận, bắt viết bản kiểm điểm dán vào chiếc tủ đặt giữa nhà. Nhưng tờ kiểm điểm cũng không ngăn được cảm giác sướng khi ngồi trước bàn phím vi tính, vậy là Sơn vẫn trốn học tìm đến quán “nét”. Cho đến khi chiếc tủ dán đến bản kiểm điểm thứ ba kèm mấy roi vào mông của bố thì Sơn mới “cai” được. Lúc đó tay chơi game của Sơn cũng đã có “thương hiệu” trong giới bạn bè. Đổi lại, từ học sinh giỏi, học lực Sơn tụt xuống sém trung bình. Bố Sơn không nặng tay với con mà chỉ khuyên bảo hằng đêm. Dần dần Sơn thức tỉnh, lao vào học. Kết quả là một thời gian sau, món quà Sơn mang về quà tặng bố mẹ để chuộc lỗi là giải nhì môn toán, hóa kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Quảng Bình!

Học tùy hứng

Hồi học lớp 10, môn sinh học, Sơn thường chú trọng phần bài tập mà bỏ bê phần lý thuyết. Có lần cô giáo gọi Sơn lên bảng truy lý thuyết và cho con điểm 1 to tướng với lời nhắc: “Em sao nhãng lý thuyết thì khó mà học nên được”. Sau bận đó, Sơn bỏ công “cày” lại những bài đã học trước đây để củng cố lại kiến thức lý thuyết. Bài học kinh nghiệm của Sơn về môn sinh học là học kiến thức giáo khoa cho vững là cơ bản. Phần bài tập làm hết những bài cô, thầy ra và cố gắng làm thêm những bài tập các tài liệu tham khảo. Khi thi khối B, làm bài thi môn sinh, Sơn làm đúng 40 phút, còn dư 50 phút để xem lại bài. “Vậy mà vẫn còn một câu bị sai, không thì đạt được điểm mười rồi” - Sơn tiếc rẻ.

Trong nhà Sơn chẳng có tài sản gì đáng giá. Sơn học ở gian nhà bếp, kệ sách được bố đóng cho bằng mấy tấm gỗ gắn lên tường. Bàn học là tấm phản gỗ nhỏ dùng để chất đồ lặt vặt của cả nhà. Theo Sơn, học không theo thời khóa biểu mà tùy hứng, nghĩa là thấy hứng khởi môn nào thì học luôn môn đó. Rất dễ nhớ, dễ vào đầu. Hỏi Sơn có tham gia học thêm không, Sơn từ tốn trả lời: “Em tự học là chính. Trên lớp thì tập trung nghe thầy cô giảng và học kỹ trong sách giáo khoa. Khi nắm vững kiến thức từ sách giáo khoa thì việc làm bài tập ở sách tham khảo có tính chất nâng cao cũng không mấy khó khăn”.

Khi tôi hỏi đã chuẩn bị gì cho Sơn nhập học, mẹ Sơn nói nhỏ: “Cả xóm nghèo như nhau, làm ruộng đủ ăn là gắng lắm rồi. Của để dành thì chẳng lấy đâu ra. Hôm trước dành dụm cả năm được khoảng chục triệu thì chi phí hết đi bệnh viện cho Sơn và hai bố con đi thi. Chắc mấy hôm nữa tui bán tạm vài tạ thóc lấy lộ phí cho cháu vào Huế nhập trường. Thiếu ăn thì cũng vay tạm thóc của bà con vụ mùa sau sẽ trả. Còn lại các khoản học phí chắc sẽ vay được ngân hàng...”.

“Tai nạn” trước kỳ thi

Trước lúc ra TP Vinh, Nghệ An thi khối A (vào ngành Điện tử viễn thông - Công nghệ thông tin Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và đạt 27 điểm), Sơn đã nằm bệnh viện gần chục ngày vì bị nhọt đinh ở chân. Thuốc thang ở nhà gần 10 ngày không khỏi và chân sưng tím lên, không đi được, bố Sơn phải đưa con đi phẫu thuật ở BV huyện. Vết mổ nhiễm trùng chưa khỏi thì hai bố con phải ra Vinh để kịp thi. Hai hôm thi, Sơn đau nhức cả người, ngồi run và ho khản giọng. Sau khi thi về lại phải một đợt điều trị kháng sinh để tiếp tục vào Huế dự thi khối B. “Mấy hôm con thi, thấy mặt nó cứ tái dại vì còn đau và ho cảm, tôi sợ cháu không làm nổi bài thi. Nhưng thật may, cháu đã vượt qua được” - anh Bảo kể trong niềm vui.

PHONG NHA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm