Tiến sĩ, cử nhân từ làng “ăn cơm trốn gió”

Bây giờ đang mùa mưa lũ, nước sông Trà Khúc đổ về, làng trở thành “ốc đảo”. Khách muốn đến làng phải “lụy đò”.

Tiến sĩ, cử nhân từ làng “ăn cơm trốn gió” ảnh 1

Mùa lũ về, làng bị cô lập vì nước sông Trà Khúc dâng cao, người làng qua sông phải “lụy đò” .

“Cơm” của người làng

Ông Đồng Lương Cúc, người làng nói với tôi: “Ở cái làng giữa sông, gần phố này mùa mưa thì sông Trà Khúc cuồn cuộn chảy gây xói lở dữ dội, còn mùa hạ thì trơ ra cồn cát, nắng rát bỏng. Làng không có ruộng nương, muốn kiếm cái ăn cứ phải lăn ra đồng cát...” .

Sau những ngày nắng nóng nung người, khi trời mưa xuống là già trẻ, gái trai đều ùa ra đồng cát bồi, dùng cuốc đánh rãnh rồi tra (gieo) hạt bắp xuống đất cát... Sau ba tháng ròng bỏ công chăm bón, đến kỳ thu hoạch, dân làng bẻ bắp phơi khô, rồi lẩy hạt để nấu hoặc rang ăn thay cơm. Nhưng người già, trẻ nhỏ có răng đâu mà nhai nên dân làng nghĩ ra cách đem rang hạt bắp, bỏ vào cối đá rồi dùng chày gỗ giã cho thật mịn gọi là lớ bắp. Nếu cho thêm chút muối vào thì trở thành món lớ bắp mặn thay “cơm” cho người già và thêm ít đường sẽ thành lớ bắp ngọt làm “cháo” cho trẻ nhỏ.

Ăn lớ bắp, người làng chẳng quen dùng muỗng mà lấy lá mít cuộn tròn thành hình cái phễu để xúc bỏ vào miệng. Người làng ai cũng biết rõ là ăn lớ bắp phải “trốn” vào một nơi nào đó để tránh gió lùa, nếu quên mà đứng theo chiều gió thì sẽ bị “hóc” vào cổ, gió thổi lớ bay vào khí quản dễ bị sặc. 

Ăn lớ bắp lâu dần nên quen và cái tên làng “ăn cơm trốn gió” vận vào làng từ lúc nào chẳng rõ mà người làng cho dù có thành danh, có phiêu bạt nơi xa nào cũng chẳng bao giờ quên được. 

Tìm “cơm” trên cát

Nhưng để có “cơm” ăn trốn gió thật không dễ dàng. Làng có 250 hộ với trên 1.000 nhân khẩu nhưng đất sản xuất chỉ bình quân 250 m2/đầu người. Đã vậy, hầu như năm nào thiên tai cũng không bỏ qua vùng đất này. Mùa mưa lũ, con nước hung hãn từ thượng nguồn sông Trà Khúc đổ về cướp dần đất đai. Năm 1986, nước cuốn phăng những bụi tre làng trôi ra biển. Nghĩa địa Vườn Phu là nơi cao ráo cũng bị xói lở nhiều chỗ nên lộ ra quan tài. Người làng chỉ kịp kéo nhau lên gò cao giữa làng tránh lũ. Nước rút, nhà cửa bị xô nghiêng, đất đai nơi xói lở thành hầm hào, nơi thì bồi cao hơn cả mét đất. Rồi đến năm 1999, lũ lớn khiến 5 ha đất bị xóa sổ bởi cát bồi đến ngực. Năm nay, sau cơn bão số 9, số 11, nước sông Trà Khúc dâng cao vượt mức báo động 3 trên 1,2 m, cát lại bồi lấp hết thảy.

Trước sự xói lở ngày một dữ, nhiều năm trước người làng đổ xô đi trồng tre để giữ đất và trồng bói để cải tạo đất đai. 

Cây bói trồng trên đất này cũng chịu cực như người, có năm nắng kéo dài cành lá héo queo. Rồi khi lũ xuống, nước lại cuốn trôi ra biển khiến dân làng phải bỏ công dặm tới dặm lui nhiều lần. Cây bói dường như cũng hiểu lòng người nên dù nắng cháy, mưa lũ cũng cố gắng ngoi lên. Rồi một năm, hai năm và nhiều năm sau đó, cồn cát trắng biến thành đất sản xuất trong niềm vui của người làng.

Đất được mở rộng rồi, dân làng Ân Phú thấy nhiều nơi đào giếng đóng, sắm môtơ điện lấy nước, nhiều người làng cũng cố gắng gom góp tiền của để làm theo...

Trên cánh đồng bắp bạt ngàn xanh sắp đến kỳ thu hoạch, chị Phạm Thị Thơi trẩy những lá còn xanh để dành nuôi bò. Chị tươi cười, nói: “Bây giờ có giống bắp lai nên dân ở đây trồng bắp năng suất cao hơn. Cứ mỗi năm dân làng trồng liên tiếp ba vụ bắp. Năng suất bắp ở đây cao nhất toàn tỉnh, bình quân đạt 70 tạ/ha. Bắp cho năng suất cao, bà con bán bắp mua gạo”.

Cũng từ việc trồng bắp, dân làng nghĩ đến chuyện nuôi bò. Nếu như trước đây chỉ tra mỗi lỗ một hạt bắp thì bây giờ dân làng cải tiến bằng cách khi trồng mỗi lỗ trỉa đến ba hạt bắp. Sau khi bắp lên xanh thì chọn cây lớn nhất, tốt nhất để lại, còn hai cây nhỏ nhổ làm thức ăn cho bò. Tính ra, cây bắp trồng ở đất này được tận dụng tất cả từ thân, lá, quả, không bỏ phí thứ gì. Cây con, lá già làm thức ăn cho gia súc. Mùa thu hoạch thì thân cây, cùi bắp thay củi nấu ăn.

Ông Phạm Tấn Đi kể: “Năm 2000, nghe bà con bảo ở Đức Lân (huyện Mộ Đức) người dân nuôi bò lai mà khá lên nhanh chóng, tui bỏ công vào xem rồi trở về gom góp được bốn chỉ vàng đem bán lấy tiền mua con bò lai Sind bảy tháng tuổi dắt về. Sau 17 tháng nuôi bán được cả cây vàng. Thấy nuôi bò lai sống được, người làng bảo nhau làm theo...”.

Hiện giờ ở làng nhà ai cũng nuôi bò lai, ít thì vài con, nhiều như ông Đi trong chuồng có đến mười con.

Tiến sĩ, cử nhân “lớ bắp”

Tiến sĩ, cử nhân từ làng “ăn cơm trốn gió” ảnh 2

Chăn nuôi bò - một hướng mở của làng “ăn cơm trốn gió”.

Khó khăn, cơ cực, tìm từng hạt “cơm” trong gió cát nhưng người làng “ăn cơm trốn gió” luôn khát khao tìm đến cái học.

Một người học hành đỗ đạt, thành tài dân làng lấy đó làm gương. Họ trông mong cho làng có nhiều cử nhân, tiến sĩ, những người mà họ vẫn tự hào và gọi thân mật là những tiến sĩ, cử nhân “lớ bắp”. Ông Huỳnh Châu, anh ruột của Giáo sư  - Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Phiên, nguyên là giáo viên Trường THPT Tư Nghĩa, kể: “Hồi đó (và cả bây giờ) ở làng cũng chỉ có trường tiểu học. Muốn học lên bậc trung học cơ sở phải cực khổ nhiều, bắt đầu từ việc lụy đò qua sông”. Nhưng rồi như đã thành nếp, người đi trước nâng bước người đi sau, vượt qua những khó khăn để lo chuyện đèn sách.

Rời xa quê lên thành phố học, những trái bắp, mớ rau không nuôi nổi con em người làng. Vừa học vừa làm như dạy kèm, làm thuê là chuyện con em trong làng đã quen thuộc từ lâu lắm. Cũng nhờ vậy ba anh em ông Châu đều học xong bậc đại học. Riêng ông Huỳnh Ngọc Phiên đi học rồi đi du học ở nước ngoài. Ông đậu thạc sĩ khoa học ở AIT Thái Lan năm 1976, bảo vệ xong luận án tiến sĩ khoa học năm 1978, được phong hàm giáo sư năm 1990 và hiện là tổng giám đốc Công ty Amata ở Đồng Nai. Không chỉ Giáo sư Phiên mà ở làng còn có cố Giáo sư Bùi Ca và nhiều doanh nhân thành đạt như ông Huỳnh Đô, Phạm Xuân Hồng...

Với nếp học này, nhiều năm rồi cứ mỗi mùa tựu trường làng có thêm khoảng 30 em vào đại học, cao đẳng.

Theo hướng dẫn của Trưởng thôn Bùi Tỏi, tôi tìm đến nhà anh Từ Văn Thoàng. Nhà anh Thoàng có ba đứa con. Hai cháu lớn là Từ Văn Thiện, Từ Văn Thông đang học Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức. Khi cháu đầu thi đậu đại học thì vợ anh - chị  Phạm Thị Lê phải rời làng vào TP.HCM bán đậu hũ để nuôi con ăn học. Nơi quê nhà, anh vừa trồng bắp, chăn nuôi bò, vừa đi làm thợ hồ để kiếm tiền cùng vợ nuôi con.

Làng bây giờ khá hơn xưa trong sự chắt chiu nhọc nhằn của người làng và một phần do sự đóng góp của những đứa con xa làm ăn thành đạt. Ông Huỳnh Đô, nguyên tổng giám đốc một doanh nghiệp xây dựng ở Đồng Nai, thấy quê mình cực quá đã hỗ trợ trên 100 triệu đồng để làng đúc đan làm đường từ thôn Ngọc Thạch về làng Ân Phú. Giáo sư - Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Phiên cũng đóng góp trên 30 triệu đồng để xây dựng con đường này. Con đường lót bằng những tấm đan trên cát. Hết mùa nắng chuyển sang mùa mưa lũ, dân làng kéo nhau khuân đan về cất để nước khỏi cuốn trôi. Rồi mùa nắng mang ra lát lại. Các bà mẹ đưa con đi học vượt qua con đường này luôn nhắc con mình: “Đây là con đường của bác Đô, bác Phiên đó!”. Và cứ thế cái nếp ở, nếp ăn, cái sự học ở làng “ăn cơm trốn gió” như một mạch nối để các thế hệ học trò ở nơi này cố gắng học hành vươn lên...

VÕ QUÝ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm