‘Đấu trí’ để giành vé vào ĐH

Chỉ còn ba ngày nữa công tác tuyển sinh đợt 1 vào ĐH-CĐ sẽ kết thúc. Lần đầu tiên Bộ GD&ĐT cho thí sinh (TS) đặc ân thay đổi nguyện vọng trong 20 ngày xét tuyển.

Rút hồ sơ thuận lợi

Sáng 17-8, TS, phụ huynh từ các địa phương đổ về các trường ĐH tại TP.HCM rút hồ sơ, điều chỉnh nguyện vọng khá đông. Tại hai trường ĐH KHXH&NV TP.HCM và ĐH Kinh tế TP.HCM, số TS điều chỉnh nguyện vọng tăng vọt. Theo đó, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM bố trí hội trường lớn, máy lạnh phục vụ nhu cầu rút hồ sơ đăng ký xét tuyển của TS. Dù TS tập trung khá đông nhưng khâu xử lý hồ sơ vẫn đảm bảo tiến độ trả cho TS không chờ đợi quá lâu.

Theo ghi nhận, số TS rút hồ sơ có điểm khá cao (từ 22 đến 23,75 điểm). Tuy nhiên, do ngại điểm tiếp tục bị tụt sâu so với chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 4.400 nên TS nhanh chóng rút ra để nộp vào trường khác vì thời hạn cuối (ngày 20-8) nộp hồ sơ đã cận kề, trở tay không kịp.

Còn tại Hà Nội, trong sáng 17-8, TS rút hồ sơ tại các trường cũng diễn ra rất thuận lợi. Dự đoán tình hình TS
rút-nộp hồ sơ đông cho nên các trường đều bố trí thêm nhân lực, máy móc để tạo điều kiện cho TS rút, nộp hồ sơ hoặc thay đổi nguyện vọng.

Tại trường ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm Hà Nội…, TS chỉ phải chờ đợi 30 phút đến một tiếng là có thể rút được hồ sơ. Trong khi đó, tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, TS sau khi có đầy đủ giấy tờ theo quy định của Bộ GD&ĐT chỉ mất hai phút để rút hồ sơ. TS nộp vào hay điều chỉnh nguyện vọng cũng mất chưa đầy ba phút.

Thí sinh rút hồ sơ và điều chỉnh nguyện vọng tại Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Ảnh: P.ĐIỀN

Nín thở nộp vào trường khác

Thấp thỏm ngồi chờ con ở hành lang ĐH Kinh tế TP.HCM, anh Quý quê Bình Định cho hay hơn hai ngày nay cha con anh lặn lội từ quê vào để chờ đầu tuần rút hồ sơ nộp sang trường khác có mức điểm chuẩn tạm thời thấp hơn. Anh Quý dự tính sau khi rút hồ sơ ở đây xong sẽ sang Trường ĐH Tôn Đức Thắng để nộp luôn trong ngày, nếu bị chậm thì đợi hai hôm nữa nghe ngóng thêm tình hình rồi mới nộp, vì nộp vào lỡ không được rút ra rất phiền hà. Anh bảo con gái anh thi được 23 điểm, đăng ký xét tuyển vào ngành kế toán. Ban đầu nộp vào thấy thứ hạng mấy chục nhưng càng theo dõi càng thấy bị tụt vài trăm bậc rồi bật ra vị trí hơn 5.000. “Mỗi lúc vào website của trường tâm trạng cả nhà luôn nơm nớp lo bị rớt nên tôi tranh thủ sắp xếp việc nhà đưa con vào TP.HCM rút hồ sơ cho con yên tâm” - anh Quý nói.

Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, TS Lê Mạnh Tuấn cũng đến rút hồ sơ vì thứ hạng nằm ngoài chỉ tiêu của trường. “Những ngày vừa qua hôm nào em cũng phải canh máy tính để xem thứ hạng thế nào. Mỗi lần cập nhật thứ hạng em bị tụt xuống 200-300 bậc em cảm thấy rất sốc. Thấy nguy cơ trượt cao nên em phải rút để nộp sang trường khác” - Tuấn chia sẻ.

Điểm chuẩn không biến động nhiều

Đại diện các trường tốp đầu đều cho rằng điểm chuẩn sẽ không có biến động nhiều. Tiến sĩ Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng giờ đã tuyển đủ chỉ tiêu, điểm vào trường thấp nhất là 21,5, trong những ngày tới TS điểm cao sẽ nộp vào, vì vậy sẽ có biến động về điểm chuẩn. “Điểm chuẩn sẽ gia tăng một chút so với đợt công bố trước (công bố ngày 16-8), chỉ tăng nhẹ chứ không thể có đột biến” - ông Dong dự báo.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thắng - Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết điểm chuẩn khoảng 10-12 ngày đầu tăng lên rất nhanh, khoảng 3-4 ngày gần đây tăng lên ít. Điểm chuẩn mỗi ngày tăng chỉ 0,01 đến 0,02 điểm (điểm chuẩn đã quy đổi sang thang điểm 10), thậm chí có ngày giữ nguyên, không tăng.

“Chắc chắn những ngày tới sẽ có biến động về điểm chuẩn, những TS ra khỏi trường tốp 1 sẽ nộp sang các trường tốp 2. Trường tốp đầu sẽ không biến động nhiều mà chủ yếu là trường tốp 2 và trường tốp dưới sẽ có biến động lớn” - ông Thắng nói.

Ông Dong cho biết hiện nay vẫn có nhiều hồ sơ chưa nộp, mà để đến ngày 19, 20-8 mới nộp, điều này sẽ gây bất lợi cho TS. “Tôi khuyên các vị phụ huynh có con chưa nộp hồ sơ thì ngày 18-8 nhanh chóng đăng ký vào các trường mình mong muốn để khi các trường cập nhật thứ hạng còn có thông tin để tham khảo. Nếu ngày 19 các em mới nộp thì ngày 20 mới có cập nhật xếp hạng của TS, lúc đó nếu thứ hạng có vượt quá chỉ tiêu có rút ra nộp sang trường khác cũng không kịp” - ông Dong khuyến cáo.

Diễn biến ngày cuối sẽ khó lường

Chiều 17-8, Tiến sĩ Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo-Công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết số TS đến rút và nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển tăng đột biến, trong đó số hồ sơ rút ra là 700, số hồ sơ nộp vào là 340. Cuối giờ chiều các bộ phận nhận và trả hồ sơ đã giải quyết xong cho TS. Dự kiến ngay sau khi nhập liệu xong trường sẽ công bố điểm chuẩn tạm thời theo quy định của Bộ GD&ĐT để TS tính toán thứ hạng điểm của mình có an toàn hay không.

Theo ông Hoàng, trong số 340 hồ sơ đăng ký xét tuyển nộp trong ngày đều có điểm từ 24 trở lên, số TS này đổ từ Trường ĐH Ngoại thương cơ sở II tại TP.HCM sang. Như vậy số TS có ngưỡng điểm 23 kém an toàn, cần theo dõi sát thông tin trên website của trường để cân nhắc rút hồ sơ. Dự kiến trong hai ngày 18 và 19-8 sẽ tiếp tục có đợt TS điểm cao từ Trường ĐH Ngoại thương cơ sở II tại TP.HCM và Đại học Kinh tế Quốc dân từ Hà Nội “Nam tiến”, diễn biến ngày cuối sẽ gây xáo trộn khó lường hơn đối với TS mấp mé điểm chuẩn tạm thời.

Tại Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang Dong cho biết nhà trường đã nhận được 5.300 hồ sơ. Ngày 17-8, có khoảng 400 em đến rút hồ sơ nhưng cũng khoảng 300 em nộp vào, số TS thay đổi nguyện vọng cũng khoảng 200 em. Còn Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thắng cho biết Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhận tổng số hơn 10.600 hồ sơ, số hồ sơ rút ra là hơn 3.100. Mỗi ngày có khoảng 400-600 hồ sơ rút ra, nộp vào khoảng 200-300 hồ sơ. “Chỉ tiêu của nhà trường là 6.000, vì vậy dự đoán sẽ có khoảng hơn 1.500 hồ sơ rút ra” - ông Thắng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm