GV nhận định: Tổ hợp KHXH chỉ là kiến thức đơn thuần

Đề sử: Chưa kiểm tra được kỹ năng của học sinh 

Nhận xét đề thi môn lịch sử, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, cho rằng đề thi đảm bảo tính cơ bản, có thể vì lần đầu thi trắc nghiệm và tổ hợp nên ban ra đề cũng chưa mạnh dạn đổi mới cách ra đề. Các câu hỏi dàn đều trong chương trình lớp 12 nhưng độ phân hóa năng lực học sinh (HS) rất thấp.

Thầy Du cho rằng hầu hết các em chỉ học theo sách giáo khoa cũng có thể được 5 điểm. Phổ điểm nhiều nhất cũng 5-7 điểm, 10 điểm có nhưng ít. Theo thầy Du, cách ra đề trắc nghiệm môn này vẫn theo đề mẫu của Bộ và an toàn. Các câu hỏi đều mang tính kiểm tra kiến thức đơn thuần chứ chưa kiểm tra được kỹ năng của HS.

Ngay cả những câu tưởng chừng có tính phân hóa dành cho HS giỏi nhưng chỉ là tập trung kiểm tra kiến thức, tuy có sâu hơn và rộng hơn nhưng không đòi hỏi HS tư duy nhiều.

Cụ thể, thầy Du ví dụ ở câu hỏi về lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là dạng câu phân hóa, nhưng thay vì đưa ra câu nói quen thuộc lâu nay thì đề đưa ra một câu nói khác để dành cho những em nào đã đọc toàn bộ lời kêu gọi này sẽ làm được. Còn em nào chỉ học qua kiến thức cơ bản thì sẽ không nhận ra được.

Hay như một số câu hỏi các em cho là liên hệ thực tiễn bên ngoài nhưng thực chất cũng đã có trong sách, chỉ do nó nằm ở một số bài cuối chương trình nên các em không học kỹ sẽ không biết, ví dụ như bài Việt Nam trên đường đổi mới...

Môn địa lý: Không quá khó so với đề minh họa 

Tổ giáo viên địa lý thuộc Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận xét: Phạm vi đề thi có dạng thức tương tự đề thi minh họa, thử nghiệm và đề thi tham khảo. Nội dung các câu hỏi đều thuộc các vấn đề quen thuộc mà các em được học trong chương trình phổ thông. Ví dụ như địa lý tự nhiên, địa lý kinh tế, vùng kinh tế cùng với thực hành kỹ năng địa lý.

Việc Bộ xây dựng ngân hàng câu hỏi để mỗi một thí sinh có một mã đề thi riêng và có độ trùng lặp câu hỏi không nhiều cho thấy công tác biên soạn đề thi công phu. 24 mã đề được xây dựng từ khoảng 4-5 đề hoàn toàn khác biệt nên về cơ bản đề thi đảm bảo độ công bằng tương đối giữa các thí sinh. Việc này cũng góp phần hạn chế gian lận và tiêu cực, đòi hỏi HS phải học rộng, hạn chế học tủ, học lệch.

Mỗi mã đề thi đều xuất hiện các câu hỏi có tính thời sự hoặc các câu hỏi đòi hỏi khả năng vận dụng và tổng hợp kiến thức cao như câu 66 mã 319 về vấn đề xuất nhập khẩu sau đổi mới; vấn đề biển đảo (câu 64 mã 319; câu 76 mã 301); vấn đề phát triển cây công nghiệp ở Tây Nguyên (câu 76 mã đề 302). Tuy nhiên, các chủ đề xuất hiện trong đề thường là các chủ đề quen thuộc, không xa lạ với quá trình ôn tập của HS.

Nhìn chung, đề thi môn địa lý không quá khó so với đề thi minh họa, thử nghiệm và tương đương đề thi tham khảo, phát huy được ưu điểm của hình thức thi trắc nghiệm, có độ phân hóa.

Đề thi giáo dục công dân: Học sinh lười biếng cũng dễ đạt từ 4 điểm

 Nhận xét đề thi giáo dục công dân, cô Nguyễn Thị Hồng Châu, giáo viên dạy giáo dục công dân Trường THPT Lê Quý Đôn, cho rằng đề thi hay và phân hóa tốt, vừa kiểm tra được kiến thức đã học của các em vừa gắn với thực tiễn cuộc sống. Theo cô Châu, đề thi cũng khá dễ, chỉ có khoảng 30% câu hỏi dạng nâng cao để phân hóa nên ngay cả HS có lười biếng cũng có thể dễ đạt 4-6 điểm, em nào khá và chịu khó học cũng sẽ đạt 7 điểm trở lên. Còn 9 và 10 điểm sẽ khó vì đòi hỏi các em phải nắm kiến thức và biết suy luận.

Cô Châu cho rằng đề không khó nhưng có chút lắt léo ở một số câu, nếu em nào vội vàng mà không đọc kỹ đề rất dễ bị nhầm lẫn. Ví dụ, câu nói về công dân tham gia quản lý nhà nước ở cơ sở hoặc câu nói về cơ quan nào tuyên án... Theo cô Châu, vì đề này tương đương đề mẫu của Bộ nhưng khác là thông thường các đề ra dạng xuôi thì dễ nhận biết kiến thức nhưng đề này có nhiều câu ra dạng ngược khiến HS lúng túng và dễ nhầm lẫn.

Theo cô Châu, cách đặt câu hỏi ngược như vậy cũng rất hay vì nó sẽ đòi hỏi HS phải đọc kỹ và suy luận chứ không phải nhìn vào biết đáp án ngay. Và cách ra đề dạng này cũng như có nhiều câu gắn với thực tiễn như quyền công dân, quản lý nhà nước... sẽ có tác động lớn đến các giáo viên để thay đổi phương pháp dạy.

Giáo viên phải cập nhật kiến thức hơn và nhất là các cơ quan quản lý nên tập huấn bổ sung kiến thức về luật cho các giáo viên dạy giáo dục công dân. Vì nếu dạy môn này mà không nắm chắc luật sẽ rất khó dạy cho các em. Nhất là khi môn học này được chú trọng hơn.

Theo cô Châu, các câu hỏi trong đề đều là những kiến thức quen thuộc và các em khi chọn tổ hợp môn này chắc chắn đã học và luyện tập kỹ nên có thể xem đề này là dễ. Quan trọng là đáp án của Bộ phải chính xác để không thiệt thòi cho các em.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm