Nhận định đề thi môn địa lý: Học sinh khá mới kiếm được điểm 7

Câu 3 phân hóa khá rõ rệt 
Cô Hoàng Thị Hiền, nguyên giáo viên dạy địa lý, Trường THPT Trần Khai Nguyên, TP.HCM, cho biết đề thi năm nay so với đề các môn học khác thì dễ thở hơn. Đề ra hay vì bám được các vấn đề thời sự, tính phân hóa cao, phù hợp cho cả HS thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH. Tuy nhiên, đề dễ nhưng không phải quá dễ, đòi hỏi khả năng vận dụng kiến thức, phân tích và tổng hợp của HS. Với đề này các em dễ dàng lấy điểm 5 và 6, riêng điểm 7 phải là những HS khá và những HS thực sự giỏi mới đạt được 8 đến 9 điểm, riêng điểm tuyệt đối sẽ rất khó để đạt được.
Cụ thể, theo phân tích của cô Hiền, ở câu một nói về biện pháp để bảo vệ tài nguyên và đa dạng sinh học đã có trong sách giáo khoa, đề cương cũng có sẵn cho HS ôn. Hơn nữa câu này mang tính thời sự liên quan đến môi trường biển nên hầu hết giáo viên đều ôn kỹ cho các em, vì thế các em sẽ dễ dàng làm được.
Ở ý hai của câu một nói về ảnh hưởng tích cực của quá trình đô thị hóa cũng là câu trong sách giáo khoa nên cũng khá dễ. Tóm lại, với câu một, chỉ cần HS chăm chỉ học bài là có thể làm được.
Ở câu 2, liên quan đến Atlat nên rất dễ lấy điểm, ở ý một nói về quy mô khu công nghiệp và giá trị sản xuất công nghiệp từ 9.000 tỉ đồng trở lên là dạng câu khó hơn so với mọi năm. Câu này đòi hỏi HS phải liên kết nội dung trong Atlat, nắm tốt kỹ năng đọc Atlat. Ngay cả ở ý hai cũng vậy, HS chỉ cần nắm tốt kỹ năng đọc Atlat là có thể làm được. 

Theo cô Hiền, câu một và câu 2, HS sẽ dễ dàng ghi điểm.

Với câu 3 vẽ biểu đồ, theo cô Hiền, biểu đồ tròn không phải là biểu đồ lạ với HS, hầu hết các em đã được cho sẵn rồi. Tuy nhiên, trong câu này có sự phân hóa nên nếu HS không để ý kỹ đề sẽ dễ mất điểm. Cụ thể là câu này đề yêu cầu vẽ biểu đồ thể hiện cả quy mô và cơ cấu lao động nhưng thông thường HS đọc đề này sẽ nhảy vào vẽ luôn nên sẽ vẽ hai biểu đồ bằng nhau hoặc cái lớn cái nhỏ.

Tuy nhiên, khi đề nói đến quy mô và cơ cấu thì HS phải tính bán kính R trước rồi mới vẽ, chứ không chỉ vẽ là đủ. Theo cô Hiền, đây là tính phân hóa dành cho HS thi ĐH và rất phù hợp. Câu này đòi hỏi HS phải cẩn thận khi làm bài vì rất dễ mất điểm.

"Trong câu này cũng đề cập đến vấn đề việc làm, đây là vấn đề thời sự gần đây, nhất là số liệu khá cập nhật so với trong sách giáo khoa, tức từ năm 2013 còn trong sách là năm 2005. Câu này còn lồng yêu cầu giải thích nên nhìn chung câu 3 này HS sẽ khó đạt điểm trọn vẹn vì tính phân hóa khá rõ rệt" - cô Hiền nói.

Với câu 4, đòi hỏi HS phải biết phân tích, tổng hợp và giải thích nên không phải câu mà HS dễ lấy điểm. Riêng ý hai, HS có thể lấy điểm được vì đã được học rất rõ về tài nguyên đất. Nhưng HS phải biết phân tích để làm rõ phát triển nông nghiệp là như thế nào. Ngoài ra, câu này còn đề cập đến vấn đề xâm nhập mặn lại là vấn đề thời sự chủ điểm của năm nên hầu hết giáo viên đều ôn cho các em. HS nào chịu khó theo dõi thông tin và nắm bài thì sẽ làm tốt.

"Nhìn chung, đề thi này hay, có tính phân hóa để có nhiều mức điểm cho HS thi tốt nghiệp và xét ĐH. Kiến thức của đề trong sách giáo khoa nhiều và đòi hỏi nhiều khả năng phân tích, tổng hợp của các em và kỹ năng sử dụng Atlat của HS, số liệu cũng cập nhật, cho thấy cách ra đề thi năm nay mới hơn" - cô Hiền nói.

Nhận định đề thi môn địa lý: Học sinh khá mới kiếm được điểm 7 ảnh 1Thí sinh thi mộn địa lý tại điểm thi Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: PHI HÙNG 

Thí sinh dễ đạt điểm 6

Thầy Đặng Văn Lợi, giáo viên môn địa lý, Trường THPT Vĩnh Viễn, TP.HCM, đánh giá: Cấu trúc đề thi giống cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT năm 2015. Đề thi vừa sức thí sinh, nội dung nằm trong chương trình sách giáo khoa địa lý lớp 12.

“Với đề thi này, học sinh trung bình và chịu học bài có thể đạt 6 điểm, học sinh khá - giỏi có thể đạt 7 - 8 điểm”, thầy Lợi nhận xét.

Cụ thể câu I: Học sinh chỉ cần học thuộc các kiến thức trong sách giáo khoa dễ dàng làm được. Câu này hướng tới mức độ nhận biết như: các biện pháp bảo vệ đa dạng sinh học và ảnh hưởng tích cực của đô thị hóa phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam.

Câu II: Học sinh trung bình dễ dàng làm được, vì đề thi yêu cầu sử dụng Atlat địa lý Việt Nam và ghi rõ số trang trong Atlat. Đề thi yêu thí sinh xác định tên và quy mô của từng trung tâm công nghiệp có giá trị sản xuất từ 9.000 tỉ đồng trở lên ở đồng bằng sông Hồng và kể tên các khu kinh tế ven biển ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Câu III: Vẽ biểu đồ mang tính phân hóa về trình độ thí sinh trong đề thi năm nay, mặc dù yêu cầu vẽ biểu đồ tròn nhưng thí sinh phải nắm vững các kỹnăng trong việc vẽ biểu đồ tròn như tính quy mô, gồm: bán kính, xử lý số liệu phần trăm, phải vẽ biểu đồ của năm 2013 lớn hơn biểu đồ của năm 2000.

Trong câu IV gồm: Câu 1 thể hiện tính chất phân hóa trong đề thi, trong đó yêu cầu thí sinh phải có tính tổng hợp về kiến thức để phân tích được các tiềm năng tạo ra thế mạnh về nguồn nguyên liệu tại chỗ của ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm ở nước ta. Tính mở trong đề thi thể hiện ở nội dung hỏi vì sao các sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực ở Việt Nam.

Câu 2 thuộc địa lý vùng kinh tế, trong đó đề thi yêu cầu nêu thế mạnh và hạn chế về tài nguyên đất đối với việc phát triển nông nghiệp ở vùng chuyên canh cây lương thực lớn nhất cả nước là đồng bằng sông Cửu Long. Tính thời sự thể hiện ở nội dung hỏi về tình hình xâm nhập mặn diễn ra rất nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm