Trường công “né” trò “quốc tế”

Nhiều phụ huynh có con học ở các trường có tính quốc tế vì nhiều lý do phải tìm cách chuyển con sang trường công lập. Tuy nhiên, rất ít trường hợp được giải quyết vì đa phần trường công lập dường như “né” khi nghe đến các em từng học trường mang danh quốc tế.

Rục rịch “chạy ra”

Chị Nhâm (phường 5, quận Bình Thạnh) đang tính sẽ cho con nghỉ học tại Trường quốc tế A. để xin ra trường công lập mà chưa xin được. Vợ chồng chị đều làm kế toán cho công ty nước ngoài. Mỗi tháng chị tốn khoảng 11 triệu đồng cho con học và có xe đưa đón thường xuyên. Do chị đã nghỉ làm nên không còn đủ khả năng cho con học trường này. Chị tính nhờ các mối quan hệ để xin cho con vào học tại Trường Tiểu học Đ. (quận 1) nhưng đến nay chưa có phản hồi.

Chị Phan Thị Ngoan (quận Tân Bình) có con học Trường quốc tế T. được năm năm với mức đóng một tháng hơn 13 triệu đồng (năm học trước chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng). Thấy con học rất tốt tiếng Anh nhưng tốn kém quá, chị đang tìm cách xin cho con vào học lại tại Trường THCS N.G.T. (quận Tân Bình). “Trường cũ yêu cầu đóng tiền theo năm hoặc theo học kỳ chứ không theo tháng, trong khi đến nay mình mới đóng cho con được một nửa học kỳ. Nếu ở lại học tiếp lớp 6 thì phải theo hết bậc THCS, tôi sợ theo không nổi nên tính chuyển con ra trường công còn ngoại ngữ thì học ở trung tâm cũng được” - chị Ngoan tính toán.

Trường công “né” trò “quốc tế” ảnh 1

“Trò học đâu quen nếp đó” là lý do khiến các trường công lập ngại nhận học sinh từ các trường quốc tế chuyển về. Trong ảnh: Tiết học tại một trường có tính quốc tế. Ảnh: PA

Khác với hai phụ huynh trên, chị TL (quận 7) vừa bỏ lại toàn bộ số tiền đóng trong một học kỳ hơn 50 triệu đồng tại Trường THCS-THPT Đ.T.L. (khu Phú Mỹ Hưng) để cho con ra học một trường THPT công lập ở quận 7. Chị cho biết trước đây con chị học trường công, lên THPT, muốn con giỏi ngoại ngữ, có môi trường học vừa tốt vừa nhẹ nhàng nên nhờ người quen giới thiệu xin vào trường nửa quốc tế này. Được nửa học kỳ, chị thấy điểm thi của con thấp hơn nhiều, lại hay bị trầm cảm. Dò hỏi, chị mới biết con mình hay bị các bạn cùng lớp bắt nạt, cô giáo dạy vừa khó hiểu vừa rập khuôn theo phương pháp khác lạ. Chị quyết định cho con nghỉ học để kịp học tiếp chương trình ở một trường công lập.

Trường công “né” nhận vào

Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Gò Vấp) vừa nhận một số học sinh đang theo học tại các trường quốc tế chuyển qua nhưng do lãnh đạo giới thiệu xuống. Bà Phan Thúy Trang, Hiệu trưởng trường này, không ngại khi cho biết nhiều phụ huynh xin nhưng trường phải từ chối vì đã vào năm học nên không còn suất. Hơn nữa số học sinh đó khi nhận vào giống như “cá biệt” vì các em quen nếp vừa học vừa chơi, được giáo viên cưng chiều, học kiến thức ít nhưng tiếng Anh nhiều nên sẽ rất khó hòa nhập để rèn nếp lại cho các em. “Vốn tiếng Anh của các em tốt nhưng kiến thức chung lại quá yếu. Các em ngồi trong lớp hay làm việc riêng hoặc không tập trung khiến giáo viên phải mất nhiều thời gian để kèm cặp. Nghe có học sinh từ các trường quốc tế chuyển qua, các cô giáo ngại lắm” - bà Trang nói.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 3 vừa từ chối ba trường hợp học sinh chuyển từ trường quốc tế và một trường hợp đang học tư thục nhưng trái tuyến. Vị hiệu trưởng này cho hay năm nay số học sinh của trường tăng hàng trăm em so với năm ngoái. Quá tải là lý do khách quan nhưng thật ra do ngại “rèn” trò từng học ở trường quốc tế là chính. “Từng có em cả học kỳ không chơi với bạn nào, việc gì cũng tranh cho mình, không được là khóc réo ầm ĩ như trẻ mầm non. Ra về, mách mẹ là bị cô giáo đánh, khi thì cô giáo không cho chơi. Giáo viên lại bị phiền phải giải trình với nhà trường và phụ huynh. Giờ ai xin vào, kể cả con lãnh đạo, trường cũng nói đùa rằng “vào lớp 60 bạn nhé” thế là sợ mà đi ngay” - vị này hóm hỉnh kể.

Cẩn trọng để trẻ không bị “loạn”

Hiện nay chưa có thống kê và đánh giá cụ thể số lượng và chất lượng thực sự về các trường học có tính quốc tế. Tuy nhiên, mỗi hệ thống trường học có đặc thù khác nhau từ giáo viên, chương trình, điều lệ, quy chế hoạt động. Phụ huynh khi chọn trường hay thay đổi phải cân nhắc thật kỹ theo hướng lâu dài, không nên lựa chọn trường theo ý thích và mục đích cá nhân, phải dựa vào khả năng thực của con mình và điều kiện gia đình để cho con học ở trường công lập, nửa quốc tế hoặc quốc tế hoàn toàn. Nếu không con sẽ học lệch kiến thức, mất cân bằng tâm lý, loạn ngôn ngữ và phương pháp học… sẽ rất nguy hiểm về lâu dài. Khả năng thay đổi môi trường với con trẻ là rất khó. Có trẻ thích nghi nhanh, có trẻ chấp hành nhưng giấu sợ hãi tạo ra ức chế bên trong khiến trẻ sống thu mình hoặc bột phát trong môi trường học mới.

NGUYỄN HỒ THỤY ANH, giáo viên tâm lý, chuyên viên tiếng Anh của Sở GD&ĐT TP.HCM

PHẠM ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm