Tuyển giảng viên theo quy trình ngược!

Trong hai ngày 31-7 và 1-8, tại TP.HCM, Nhóm Đối thoại giáo dục cùng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM đã tổ chức hội thảo “Đối thoại giáo dục Việt Nam: Cải cách giáo dục ĐH”. Hội thảo đã thu hút hơn 100 diễn giả là các nhà khoa học, giáo dục đại diện các trường ĐH trong và ngoài nước tham dự, thảo luận và đóng góp về các chiến lược và đề xuất những cải cách đối với hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam.

ĐH Việt Nam còn dè dặt tự chủ

GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, khẳng định đổi mới giáo dục ĐH là nhiệm vụ cấp bách. Những thành tựu của cải cách giáo dục ĐH tuy còn khiêm tốn nhưng cho thấy có bước đi đúng hướng. Theo GS Ga, để đổi mới căn bản và toàn diện bậc ĐH, hiện có nhiều thách thức như về phân tầng xếp hạng, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, nhân sự và tài chính... Trong đó vấn đề quản trị và quyền tự chủ là thách thức lớn nhất của các trường ĐH. Luật Giáo dục ĐH đã giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, tuy nhiên các trường rất dè dặt sử dụng quyền tự chủ này. Chẳng hạn, luật đã giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường nhưng các trường vẫn muốn theo phương án thi ba chung, không muốn có sự thay đổi. Trong khi đó lẽ ra các trường phải có ý tưởng để xây dựng các phương án tự chủ trọn vẹn nhất.

GS Ngô Bảo Châu (góc trái) và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân tham dự hội thảo. Ảnh: LN

GS Ga cho rằng các khía cạnh pháp lý, trong đó khó khăn nhất với các trường là vấn đề tài chính. Tuy nhiên, cách nay hơn một tuần Bộ đã ban hành thông tư về đào tạo chất lượng cao, theo đó các trường có quyền xây dựng mức học phí cao nếu chất lượng đào tạo đảm bảo tương ứng. Tương tự, rào cản tài chính về suất đầu tư lớn nhất đối với sinh viên đã được xử lý rồi. Để vượt qua các thách thức và phát triển, các trường phải đầu tư nghiên cứu, thay đổi cơ chế quản lý, mô hình quản trị và thực hiện đầy đủ việc tự chủ theo luật định.

Tuyển giảng viên như tuyển công chức

Trong bản báo cáo về “Xây dựng đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các trường ĐH Việt Nam”, GS Ngô Bảo Châu cho rằng Việt Nam đang làm ngược quy trình của thế giới ở tất cả các bước. Cụ thể, việc tạo nguồn nhân lực ở ĐH Việt Nam là bồi dưỡng sinh viên giỏi (nguồn địa phương) và đưa các em quay lại trường. Trong khi ĐH phương Tây hạn chế tối đa các ứng viên địa phương. Đây là tư duy sai lầm của ĐH Việt Nam, bởi việc tạo nguồn như vậy mang tính chủ quan, ưu tiên người mình đào tạo, không chủ động đi tìm nguồn khác, tính cạnh tranh thấp. GS Châu nhận định nhà khoa học trẻ ở Việt Nam hầu như không có lựa chọn khác ngoài tiếp tục làm ở nơi ông thầy hướng dẫn. Như thế anh ta đánh mất đi cơ hội phát triển sự độc lập với người thầy.

Về quy trình tuyển chọn giảng viên ĐH, GS Ngô Bảo Châu đánh giá còn mang nặng tính hành chính, chẳng khác quy trình tuyển chọn công chức, viên chức nhà nước, không có nét đặc thù của môi trường hàn lâm. Ngược lại, ĐH phương Tây đặt tiêu chí nghiên cứu khoa học lên hàng đầu khi tuyển giảng viên.

Về chế độ thu nhập, GS Châu bày tỏ đây là vấn đề phức tạp, bởi lương giảng viên về mặc định lượng rất thấp, thiếu minh bạch mà lẽ ra các giảng viên phải được hưởng chế độ đãi ngộ của tầng lớp trung lưu.

Phải dạy chính tả cho sinh viên ra trường

Góp ý về công tác đào tạo của ĐH Việt Nam, ông Lương Hoài Nam, đại diện doanh nghiệp trong nước, thẳng thắn: Giáo dục ĐH là nhà máy sản xuất, doanh nghiệp sử dụng đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, trong 24 năm làm công việc phỏng vấn và tuyển dụng hàng ngàn người, ông thật sự chưa hài lòng khi sau phỏng vấn sinh viên buộc phải đào tạo lại. “Tôi và các đồng nghiệp phải đào tạo lại, từ kiến thức chuyên môn đến kỹ năng nghiệp vụ. Thậm chí tôi còn mời Viện Ngôn ngữ để dạy chính tả và ngữ pháp tiếng Việt để viết cho chuẩn” - ông Nam nói.

Tại hội thảo, các diễn giả thảo luận những giải pháp đổi mới tư duy quản trị ĐH, vấn đề tự chủ về tổ chức, tài chính, nhân sự và học thuật.

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm