Vĩnh biệt thầy Nguyễn Văn Luyện

Biết thầy lâm trọng bệnh, trò cũ lao xao hơn tháng nay. Tất cả đến đột ngột quá. Vẫn biết trước sẽ có ngày này nhưng trưa qua nghe tin vẫn thấy ngỡ ngàng. Bởi hình ảnh thầy Nguyễn Văn Luyện đã ghi dấu ấn trong lòng bao nhiêu thế hệ sinh viên Trường Luật. Có thể nói rằng cán bộ lãnh đạo các cơ quan tư pháp từ Quảng Bình đến Cà Mau đa số là học trò của thầy. Đó là những cựu sinh viên Phân hiệu ĐH Pháp lý TP.HCM, Phân hiệu ĐH Luật TP.HCM và sau là ĐH Luật TP.HCM, từ những năm 1987 đến 2007, đến khi thầy chuyển công tác về Bộ Tư pháp. Trường Luật Bình Triệu đã là một phần ký ức cuộc đời của bao nhiêu thế hệ luật sư, cán bộ tư pháp và nhiều lãnh đạo. Nó là nơi gieo hạt và vun xới cho giấc mộng pháp quyền, là nơi đào tạo ra đội ngũ cán bộ tư pháp, tòa án cho các tỉnh phía Nam.

Thầy Luyện không phải là người sôi nổi, khi nào cũng thấy thầy khắc khổ, gầy gò. Ở thầy có cái uy nghiêm của một ông hiệu trưởng ĐH nhưng cũng đầy tình cảm. Sinh viên nhớ đến ông vì đó là một người thầy tận tụy, là hiệu trưởng, ông cũng là đồng tác giả Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, cuốn giáo trình xương sống của ngành luật, học xong nó, người ta sẽ có một nền tảng tốt về lý luận để tiếp cận những ngành luật khác.

PGS Nguyễn Văn Luyện bên các sinh viên cũ. Ảnh: LS NGÔ NHÙNG

Nhiều thế hệ sinh viên và giảng viên Trường Luật còn nhớ thầy là người đã tạo dựng nên những nền tảng cho ĐH Luật TP.HCM ngày nay. Trong một lần trò chuyện mới đây với sinh viên cũ, thầy cho biết quyết định thành lập Phân hiệu ĐH Pháp lý TP.HCM do Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt ký ngày 25-12-1987. Thẩm quyền Thủ tướng chỉ ký thành lập trường ĐH. Chính vì thế nên mặc dù là phân hiệu nhưng có chức năng đào tạo độc lập và cấp bằng, độc lập về tài chính, độc lập về tổ chức. Cơ sở đào tạo ĐH Luật TP.HCM hiện nay là sự tiếp nối tự nhiên của ngôi trường ấy.

Thầy mất, nhiều học trò cũ và giảng viên Trường Luật nói họ không biết viết gì. Viết sao cũng thấy thiếu. Chiều qua trò chuyện với các thầy cô giáo cũ, các thầy cô nói rằng họ cũng là học trò của thầy Luyện, thế hệ trước chúng tôi. Một người trong số đó nói rằng cảm nhận về thầy Luyện thì tùy mỗi người ở vị trí của mình. Một giảng viên nói: “Ngoài việc là người thầy của nhiều thế hệ cán bộ tư pháp, thầy Luyện còn đóng góp lớn cho trường, cho cái tên trường được đứng độc lập. Và ít nhất cán bộ giáo viên dưới thời của thầy mỗi người đều có đất để có nhà ở. Thầy lo cho mọi người và không quên ai…”.

Bè bạn thì nhớ thầy Luyện từng kỷ luật nhiều sinh viên, thầy nguyên tắc đến mức khó khăn trong việc thi cử, học hành của sinh viên nhưng lại sẵn sàng giúp chúng khi thiếu thốn. Ngay cả khi đã chuyển công tác về Bộ Tư pháp, thầy Nguyễn Văn Luyện vẫn đau đáu việc đào tạo ngành luật, trong câu chuyện của ông có niềm vui nhưng cũng có cả những nỗi buồn.

Tin thầy mất lan nhanh chỉ ít phút sau đó. Với học trò, sinh viên cũ, nó cũng như tin một người thân qua đời. Thầy không còn nữa nhưng những gì thầy đã làm cho ĐH Luật TP.HCM, cho nhiều thế hệ sinh viên luật, cho ngành tư pháp thì mãi còn đó.

Xin thắp một nén hương tiễn đưa thầy Nguyễn Văn Luyện!

Vĩnh biệt thầy Nguyễn Văn Luyện ảnh 2

Sinh năm 1951 tại Sơn Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, tốt nghiệp ngành luật tại Liên Xô cũ, PGS-TS Nguyễn Văn Luyện có thời gian 20 năm là hiệu trưởng một trong những cơ sở đào tạo ngành luật lớn nhất cả nước. Ông là hiệu trưởng Phân hiệu ĐH Pháp lý TP.HCM từ năm 1987, sau đó đổi tên thành Phân hiệu ĐH Luật TP.HCM. Từ năm 1996, ông tiếp tục là hiệu trưởng ĐH Luật TP.HCM trong hơn 10 năm, sau đó chuyển công tác về Bộ Tư pháp và giữ chức tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự.

PGS-TS Nguyễn Văn Luyện là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu luật học và về đào tạo nhân lực tư pháp. Ông là một người thầy lớn của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo ngành tư pháp các tỉnh từ Quảng Bình đến Cà Mau trong nhiều thập niên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm