Xây dựng chuẩn đầu ra cho từng ngành đào tạo Đại học – Cao đẳng

Bộ GD-ĐT thống nhất khái niệm chuẩn đầu ra ngành đào tạo là quy định về nội dung kiến thức chuyên môn; kỹ năng thực hành, khả năng nhận thức công nghệ và giải quyết vấn đề; công việc mà người học có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp và các yêu cầu đặc thù khác đối với từng trình độ, ngành đào tạo.

Bộ yêu cầu dự thảo chuẩn đầu ra của nhà trường phải lấy ý kiến các nhà tuyển dụng, doanh nghiệp, sinh viên, cựu sinh viên… Chuẩn đầu ra phải được rà soát, điều chỉnh và bổ sung định kỳ, nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu ngày càng cao của xã hội, của người sử dụng lao động.

“Việc xây dựng và công bố chuẩn đầu ra là yêu cầu bắt buộc, là cam kết của các trường về năng lực và chất lượng đào tạo để xã hội giám sát. Vì vậy, căn cứ hướng dẫn của Bộ, các trường tổ chức triển khai xây dựng và công bố chuẩn đầu ra cho từng ngành, từng trình độ đào tạo ngay trong học kỳ II năm học 2009 – 2010”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.

Lâu nay, vấn đề chuẩn đầu ra đã được ngành GD-ĐT đề cập nhưng các trường vẫn chưa triển khai rốt ráo, số trường công bố chuẩn đầu ra hiện nay chưa nhiều. Trong khi đó, hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học hình thành chậm. Cho đến nay, chất lượng giáo dục đại học mới chỉ được đánh giá chính qua điểm số của sinh viên trong các kỳ thi. Mặt khác, việc đào tạo đại học hiện vẫn được cho là chưa gắn với thị trường lao động và các đơn vị sử dụng lao động.

Khảo sát của Hội sinh viên Việt Nam cho thấy khoảng 50% sinh viên Việt Nam ra trường không làm đúng lĩnh vực chuyên môn đã được đào tạo. Tỷ lệ sinh viên phải đào tạo lại sau khi ra trường rất lớn do chất lượng đào tạo của các trường ĐH-CĐ thường không đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động.

Chuẩn đầu ra của ngành đào tạo ở mỗi trình độ bao gồm các nội dung: tên ngành đào tạo; trình độ đào tạo; yêu cầu về kiến thức; yêu cầu về kỹ năng (kỹ năng cứng: Kỹ năng chuyên môn, năng lực thực hành nghề nghiệp, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng giải quyết vấn đề; kỹ năng mềm: Kỹ năng giao tiếp, làm việc theo nhóm, khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học); yêu cầu về thái độ (phẩm chất đạo đức, ý thức nghề nghiệp, trách nhiệm công dân; tác phong nghề nghiệp, thái độ phục vụ; khả năng cập nhật kiến thức, sáng tạo trong công việc); vị trí làm việc của người học sau khi tốt nghiệp; khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường; các chương trình, tài liệu, chuẩn quốc tế mà nhà trường tham khảo.

(Hướng dẫn của Bộ GD-ĐT)

Theo PHAN THẢO (SGGP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm